Câu chuyện “Nữ sinh tay xách cặp, nách bế em”: Viết tiếp ước mơ bằng kỳ vọng mới
- 07:31 04-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nụ cười trở lại trên gương mặt Nguyễn Thị Hiền. |
Cô bé cùng em gái hơn 1 tuổi đã được đón vào làng trẻ SOS Nghệ An hơn 2 tháng nay. Niềm vui trẻ thơ đã trở lại trên gương mặt bớt đi nhiều lo toan của nữ sinh lớp 8 xứ Nghệ.
Nguyễn Thị Hiền (SN 2005, xã Thanh An, huyện Thanh Chương, Nghệ An) là nhân vật trong bài viết “Tay cặp sách, tay ôm em và ước mơ của cô bé xứ Nghệ” được đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại. Sinh ra không biết mặt cha, mẹ thường xuyên bỏ nhà đi, mới 13 tuổi, Hiền đã một tay chăm bẵm, nuôi em gái hơn tuổi trong cảnh khốn khó.
Thời điểm phóng viên có mặt, trong nhà cấp 4 bên sườn đồi heo hút cuối làng chẳng có vật dụng gì ngoài tấm dát giường và quần áo, chăn màn do hàng xóm tốt bụng đem cho. Không điện, không bố mẹ ở nhà, thiếu thốn vật dụng sinh hoạt, mỗi đêm, Hiền bật đèn pin rồi ôm em nằm ngủ, “cố gắng vượt qua nỗi sợ”. Sáng dậy, cô bé lại một tay ôm em, tay mang cặp sách đến trường.
Những quyết định chưa có tiền lệ
Sau khi bài báo đăng tải, nhiều tấm lòng hảo tâm đã chung tay giúp đỡ, chia sẻ để chị em Nguyễn Thị Hiền có cuộc sống đỡ thiệt thòi, thiếu thốn. Về phía nhà trường, chính quyền địa phương đã đề xuất gửi chị em Hiền vào Làng trẻ SOS Vinh (Nghệ An). Mong muốn ở gia đình lớn ấy, hai chị em sẽ được chăm sóc, quan tâm, có cuộc sống an toàn.
Ông Lê Bá Lương – Giám đốc Làng trẻ SOS Vinh (Nghệ An) cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí và đề xuất của địa phương ông đã trực tiếp lên Thanh Chương xác minh hoàn cảnh Nguyễn Thị Hiền. “Khi gặp Hiền, tôi không giới thiệu mình là ai, mà để bé tự nhiên tiếp xúc với mình.
Ấn tượng đầu tiên Hiền là cô bé ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát trước tuổi. Nhưng phải đến lúc nhìn thấy ngôi nhà nghèo nàn nằm chơ vơ ở rìa làng, xung quanh heo hút, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách một quả đồi, tôi ứa nước mắt.
Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng không thể nào yên tâm để con cái sống trong cảnh bất an như vậy. Nhất là 2 chị em gái. Ngay tại thời điểm đó, tôi quyết định nhận và đón cả 2 chị em cháu Hiền về làng, không chậm trễ thêm ngày nào nữa”, ông Lê Bá Lương nhớ lại.
Nguyễn Thị Hiền ngỡ ngàng trước quyết định này, nhưng với sự động viên của thầy cô, cán bộ xã, cô bé chọn tin tưởng bế em theo xe người lạ mới lần đầu gặp mặt, xuống TP Vinh. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được đích thân Giám đốc đón về Làng và nhanh như vậy.
Một quyết định chưa từng có trong tiền lệ khác dành cho chị em Hiền là “đổi mẹ”. Sau tuần đầu tiên về Làng trẻ SOS Nghệ An, ông Lê Bá Lương cân nhắc chuyển hai chị em sang ngôi nhà số 9 của mẹ Tạ Thị Tuyên. Đây là ngôi nhà đã có đông con hơn so với những nhà khác, nhưng mẹ Tuyên kinh nghiệm, nhẹ nhàng, phù hợp với việc chăm sóc trẻ nhỏ như em gái của Hiền.
Ngày chị em Hiền chính thức vào nhà, mẹ Tuyên và các anh chị cùng nấu bữa cơm đón thành viên mới. Các anh chị háo hức thay nhau đòi bế bé Ngọc, cho em ăn, chủ động hỏi han, gắp thức ăn cho Hiền. “Lúc đó, em vẫn chưa tin được mình có một gia đình mới đông vui như vậy. Trước đây, mỗi lần về nhà chỉ có em và bé Sóc chơi với chó, mèo. Em thấy mừng lắm, cứ ngồi quên cả ăn, mẹ Tuyên và ba Lương phải nhắc”, Hiền kể.
Mẹ Tạ Thị Tuyên cũng chia sẻ: “Khi nghe về hoàn cảnh của hai chị em Hiền, không chỉ tôi mà nhiều mẹ khác cũng rất thương và xin đón con về nhà của mình. Các mẹ đều mong muốn chăm sóc, bù đắp những thiếu thốn, vất vả mà bé Hiền đã trải qua suốt những năm qua.
Con bé mới học lớp 8 nhưng rất hiểu chuyện, lễ phép, ngoan ngoãn. Với các con, mẹ đều yêu thương và quan tâm, nhưng chị em Hiền mới vào nên sẽ được ưu tiên hơn. Tôi cũng nhắc các anh chị lớn trò chuyện, chia sẻ để bé Hiền có được một gia đình thực sự”.
Chị em Hiền và mẹ Tạ Thị Tuyên. |
Viết tiếp ước mơ ở cuộc sống mới
Gặp lại Hiền, cô bé đã có da thịt hơn, gương mặt tròn trịa, trắng trẻo khác với hình ảnh đen nhẻm, gầy gò, lo toan trước tuổi. Những số phận khi được đưa về làng trẻ SOS đều có hoàn cảnh riêng éo le, thiệt thòi. Bản thân Hiền khi hòa nhập với môi trường mới, em “nhớ mẹ, lo cho mẹ và thương bà ngoại ở nhà”.
Cô nữ sinh cũng nhớ ngôi trường cũ với thầy cô đã giúp đỡ, quan tâm em, hay các bạn vẫn thường chở giúp Hiền một đoạn đường khi cuốc bộ bế em đến trường. Nhưng so với ngôi nhà nằm bên sườn đồi hẻo lánh, so với những lo toan quá sức của đứa trẻ 13 tuổi, thì cuộc sống ở Làng trẻ SOS là sự sắp xếp phù hợp và tốt nhất đối với chị em Hiền.
Về làng trẻ SOS, Hiền tiếp tục đến trường bình thường như bao bạn bè khác. Em gái đã có mẹ Tuyên chăm sóc và các anh chị khác trong nhà thay nhau trông chừng. “Lúc mới xuống làng, em chưa quen, vẫn bám theo chị không rời. Nhưng bây giờ em đã theo mẹ Tuyên rồi, và chơi ngoan với các anh chị.
Nhưng buổi đêm em vẫn phải có Hiền mới chịu ngủ”, cô bé khoe. Trước kia, không có bố, mẹ lại bỏ nhà đi biền biệt, bà ngoại già yếu, mỗi ngày Hiền phải bế theo em đi học. Đến trường, cô bé gửi em cho người bán bánh mỳ trước cổng rồi trốn vào lớp. Nhưng chỉ được 1 – 2 tiết, khi em tỉnh giấc, khóc đòi chị, Hiền lại phải chạy ra trông em.
Cứ vậy, suốt mấy tháng liền, Hiền không có được buổi học nào trọn vẹn. Kết quả học tập của em vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Khi xuống trường mới ở làng trẻ SOS, lực học của Hiền chưa được tốt như các bạn cùng lớp. Nhưng mẹ Tuyên và các anh chị luôn động viên, thường xuyên giúp đỡ, giảng bài cho Hiền để theo kịp chương trình trên lớp.
Ngoài có gia đình mới, Hiền cũng nhận được sự quan tâm từ các nhà hảo tâm, lập sổ tiết kiệm làm “của để dành” cho em sau khi tròn 18 tuổi. Ước mơ đầy lo toan “có đủ sữa cho em, có cơm ăn, được đi học đầy đủ” của cô nữ sinh xứ Nghệ đã thành hiện thực.
Nhưng điều em khao khát nhất, chính là có một gia đình có ba mẹ, anh chị em. Có lẽ vì thế mà “ngày thứ 2 gặp mặt, em đã xin phép cho con được gọi “ba” Lương, như các anh chị. “Về đây, ai cũng quan tâm, thương yêu, không để em phải lo nghĩ gì, em cảm thấy rất xúc động. Tết vừa qua là cái Tết mà con vui nhất từ trước tới nay.
Hiền và em Sóc cảm ơn mọi người giúp đỡ để hai chị em có ngày hôm nay. Em sẽ cố gắng học tập để sau này có thể trở thành một cô giáo dạy Văn”, cô bé cười tươi - nụ cười nhẹ nhõm trở lại trên gương mặt trẻ thơ, với ước mơ đã không còn mang gánh nặng cơm áo.
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại