Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Truyền hơn 6 lít máu cứu sống sản phụ trong tình huống “sinh tử”

Tình huống “sinh tử”, hơn 6 lít đã được truyền để cứu sống sản phụ một cách kỳ diệu. Hiện sức khỏe sản phụ đã dần hồi phục.

Ngày 2/3, thông tin từ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, sau hơn 10 ngày được điều trị chị Võ Thị T. (39 tuổi, trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã bình phục, sống lại diệu kỳ.

 Sau quá trình điều trị, hiện sức khỏe sản phụ T đã dần ổn định.

Cụ thể, vào sáng 17/2, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận sản phụ Võ Thị T. được chuyển tuyến từ y tế cơ sở trong tình trạng sốc trụy mạch do mất máu nhiều, nguy cơ tử vong gần.

Trước đó hơn 1 tiếng, sản phụ sinh thường con thứ 5 nặng 3,8 kg tại bệnh viện tuyến dưới. Sau sinh, sản phụ bị đờ tử cung, băng huyết. Mặc dù đã được các bác sỹ bệnh viện huyện xử lý cấp cứu cầm máu, nhưng sản phụ vẫn có dấu hiệu tiếp tục mất máu, dần rơi vào trạng thái sốc.

Nhận định tình hình nguy cấp, vượt quá tầm kiểm soát, không đủ phương tiện, thiết bị để cứu chữa, tuyến dưới đã gọi chi viện tới bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, và sản phụ được chuyển tuyến trên cấp cứu.

Ngay khi tiếp nhận sản phụ T, ê-kíp hội chẩn thống nhất chẩn đoán, chị T. bị thiếu máu nặng, trụy mạch do chảy máu đờ tử cung, cần chuyển mổ cấp cứu tối khẩn để cầm máu, tiến hành truyền bù máu đã mất. Lúc này máu là sự sống còn của sinh mệnh sản phụ.

Ê-kíp phẫu thuật đã khẩn trương mổ cấp cứu chạy đua với thời gian. Trong ổ bụng sản phụ có rất nhiều dịch máu tươi lẫn máu cục. Phương án cắt tử cung, khâu âm đạo được các bác sỹ tiến hành nhanh chóng để cầm máu. Đồng thời, bác sỹ gây mê hồi sức, hồi sức ngoại khoa nỗ lực duy trì vận mạch, thở máy, duy trì huyết áp, huy động nhóm máu B liên tục từ ngân hàng máu của bệnh viện và người thân truyền bù cho bệnh nhân.

“Sau mổ, bệnh nhân tạm thời qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vấn đề khó khăn đó là bệnh nhân đang rơi vào tình trạng rối loạn đông máu hậu phẫu là điều không hề đơn giản. Sản phụ được điều chỉnh rối loạn đông máu rất tích cực bao gồm, truyền bù khối tiểu cầu, chế phẩm yếu tố VIII đông khô. Theo dõi sát sao và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc, khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa đã tiến hành hội chẩn, phối hợp liên tục giữa các chuyên khoa để đem ra những điều chỉnh hồi sức chính xác nhất cho tình trạng sản phụ T” - Tiến sĩ Y học Trần Minh Long – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa chia sẻ.

Nhờ được hồi sức tích cực đúng đắn, dù đã phải truyền bù 6050 ml máu từ bên ngoài (tương đương thay máu 1,5 lần toàn bộ cơ thể), nhưng sản phụ T. đã vượt qua “cửa tử”, ổn định sức khỏe dần, thôi thở máy, tỉnh táo, da niêm mạc hồng hào lên, bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh.

Sản phụ T chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã có 4 con, đây là lần sinh bé thứ 5. Những lần trước, tôi sinh con đều thuận lợi nên lần này, tôi không thể nghĩ mình bị rơi vào tình huống nguy hiểm như thế này. Tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh, tôi thấy mình may mắn khi còn có ngày được về với các con. Tôi cảm ơn các y, bác sỹ vô cùng.”

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: phapluatplus.vn