Lãng phí và hình thức từ các lớp “thăng hạng” giáo viên
- 21:08 01-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên Tiểu học tại Nghệ An trao đổi về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 (ảnh chụp trước 20.1.2021). Ảnh: Quang Đại |
Giáo viên nhốn nháo học chứng chỉ để “thăng hạng”
Muốn được ăn lương đại học đúng với bằng cấp đã học, giáo viên tại tỉnh Quảng Trị đã ồ ạt đăng ký tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng CDNNGV để “thăng hạng”.
Đã có 5 năm công tác tại một trường tiểu học ở miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), nữ giáo viên tên N đang được hưởng lương theo hệ số lương bằng Cao đẳng. Từ 3 năm trước, giáo viên N đã học xong Đại học, nắm trong tay bằng Đại học nên vào đầu tháng 2.2021, khi nghe thông tin muốn được ăn lương bằng Đại học thì cần có đăng ký lớp bồi dưỡng CDNNGV, nên N đăng ký học.
Để tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ nói trên, N nộp học phí hơn 2,5 triệu đồng, bằng nửa tháng lương hiện tại mà nữ giáo viên được hưởng. Ở trường, nhiều giáo viên cũng bỏ tiền ra để học, nhưng khi xem xét lại các quy định, thì cô N cũng như phần lớn các giáo viên dù hoàn thành lớp bồi dưỡng, vẫn chưa thể được hưởng lương Đại học vì còn thiếu nhiều điều kiện.
Ngoài trường hợp muốn học để thăng hạng, hưởng lương đại học như cô giáo N, thì không ít trường hợp hiện đã hưởng lương Đại học, nhưng sợ vì thiếu chứng chỉ bồi dưỡng nói trên sẽ bị “rớt hạng”, không được ăn lương Đại học nên cũng nộp tiền để đi học.
Theo Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, vào ngày 2.2.2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành các thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các trường tiểu học, THCS, THPT công lập. Sau khi các thông tư mới này được ban hành và thông báo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thì đã xảy ra hiện tượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ồ ạt đăng ký tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng CDNNGV theo thông báo mở lớp của các trung tâm hoặc các cơ sở đào tạo.
Trước thực trạng này, Sở GDĐT đề nghị, trong lúc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Bộ GDĐT và các ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các thông tư trên của Bộ trưởng GDĐT, đề nghị trưởng phòng GDĐT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở phổ biến, yêu cầu giáo viên thận trọng, cân nhắc việc đăng ký tham gia học các lớp bồi dưỡng CDNNGV phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Hình thức, lãng phí
Ông Nguyễn Ngọc Anh - giáo viên THCS tại Hà Tĩnh - cho biết dù không muốn đăng ký đi học lấy chứng chỉ CDNNGV lúc này vì thấy chứng chỉ phải nộp một khoản tiền không hề nhỏ (2,5 triệu đồng/khóa chưa kể tiền ăn uống, đi lại, thuê nhà trọ cho giáo viên ở huyện xa) nhưng nghe có thông tin cho rằng nếu không thi lên hạng thì sẽ bị “rớt hạng”, nên buộc phải tham gia. Nhiều trường hợp gia đình 2 vợ chồng là giáo viên, ngoài học phí, còn tốn kém thêm các khoản khác và ảnh hưởng công việc.
Do tâm lý lo lắng giữ CDNNGV, giáo viên tại Hà Tĩnh, Nghệ An và nhiều địa phương khác ồ ạt đăng ký học để được cấp chứng chỉ CDNNGV. Các lớp đào tạo được mở ra liên tục, với số lượng lớn đã đem lại lợi nhuận rất lớn cho các đơn vị đào tạo.
Một giáo viên tại Hà Tĩnh đã tham gia lớp đào tạo chứng chỉ CDNNGV, cho biết: Việc tổ chức học chủ yếu là hợp thức hóa chứng chỉ, chứ không hướng đến mục tiêu chất lượng. Tâm lý của người học chỉ muốn học đối phó cho xong để lấy chứng chỉ. Nhiều nội dung như đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý nhà nước trong giáo dục... đã trùng lặp với các chuyên đề mà giáo viên đã được triển khai, hoặc giáo viên có thể tự tìm tài liệu để học.
Tác giả: Q.ĐẠI - HƯNG THƠ
Nguồn tin: Báo Lao động