5 vị trí cơ thể này nếu bất ngờ chảy máu thì coi chừng bạn đã mắc ung thư từ lâu mà không biết
- 14:47 01-03-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông thường, chảy máu sẽ xảy ra khi con người bị chấn thương, số lượng máu chảy nhiều hay ít tùy vào từng thời điểm. Bên cạnh đó, các dạng chảy máu khác cũng vô cùng phổ biến như chảy máu mũi, chảy máu răng... xuất hiện do thời tiết, do ăn uống. Vì vậy, khi cơ thể bị chảy máu do khối u ác tính xảy ra, nhiều người thường nghĩ là bệnh vặt và không kịp thời đi khám.
Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu bỗng dưng thấy những bộ phận cơ thể dưới đây chảy máu, đó có thể là hồi chuông cảnh báo cho thấy tín hiệu của bệnh ung thư.
Cụ thể là:
1. Chảy máu mũi: Ung thư vòm họng
Đây là một trong những triệu chứng sớm nhất của ung thư vòm họng, nước mũi chủ yếu chảy ra từ một bên có kèm theo máu. Hầu hết bệnh nhân thường nuốt nước mũi và nhổ ra theo đường miệng vì vậy khiến nước mũi kèm theo máu dễ bị chẩn đoán nhầm hoặc bị bỏ qua. Giai đoạn cuối có thể gây chảy máu liên tục.
|
Nếu bản thân thấy nước mũi có lẫn máu, đi kèm triệu chứng nghẹt mũi một bên, ù tai thì nên cẩn trọng khối u vòm họng, cần đến bệnh viện chuyên khoa để khám.
2. Ho ra máu: Ung thư phổi
Đau tức ngực, ho, sốt dai dẳng,… là những biểu hiện ban đầu thường gặp của bệnh ung thư phổi, ngoài ra người bệnh còn có triệu chứng rất dễ nhận biết là ho ra máu. Ho ra máu của ung thư phổi là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. Lý do chủ yếu là khi khối u to lên sẽ kích thích nhu cầu ho. Khi khối u vỡ ra sẽ xuất hiện hiện tượng ho ra máu.
Ho ra máu của ung thư phổi là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. |
Bệnh nhân ho ra máu lúc đầu màu đỏ tươi, có bọt lẫn đờm, sau đó chuyển dần sang sẫm màu. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được làm các thăm dò chẩn đoán và điều trị sớm ở bệnh viện.
3. Máu trong phân: Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng rất có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh nứt hậu môn, bệnh trĩ hoặc viêm ruột, bởi tất cả đều có thể xuất hiện máu trong phân, điều này có thể gây trì hoãn tình trạng bệnh.
Bệnh nhân mắc ung thư trực tràng sẽ có dấu hiệu đại tiện kèm máu đỏ, lẫn bên trong phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.
Bệnh nhân mắc ung thư trực tràng sẽ có dấu hiệu đại tiện kèm máu đỏ, lẫn bên trong phân. |
Người bệnh thường dễ nhầm lẫn bệnh trĩ với ung thư trực tràng, tuy nhiên đại tiện ra máu do trĩ thường là máu tươi. Còn bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với dịch nhầy.
4. Tiểu ra máu không đau: Ung thư bàng quang
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư bàng quang có triệu chứng đầu tiên là tiểu máu không đau, vì vậy bệnh dễ bị bỏ qua. Khi bị ung thư bàng quang có nghĩa là có tổn thương lớp lót mặt trong bàng quang (tiếp xúc nước tiểu), các tổn thương lớp lót trong gây tình trạng chảy máu và bệnh nhân có triệu chứng tiểu máu. Đặc biệt, nếu tiểu máu xảy ra trên người càng lớn tuổi thì phải thận trọng.
5. Chảy máu âm đạo bất thường: Ung thư cổ tử cung
Đây là một trong những hiện tượng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung. Chảy máu âm đạo bất thường nghĩa là âm đạo tiết ra máu dù không phải chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt phụ nữ mãn kinh nếu bỗng dưng thấy "vùng kín" ra máu thì nên đi khám sớm.
Chảy máu âm đạo bất thường nghĩa là âm đạo tiết ra máu dù không phải chu kỳ kinh nguyệt. |
Ngoài ra, nếu bạn thấy dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu... thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, cần phải đi khám kịp thời để tăng cơ hội điều trị.
Tác giả: Đậu Đậu
Nguồn tin: Nhịp sống Việt