Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều ngân hàng đổ vốn vào bất động sản, ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo

Trước hiện tượng nhiều ngân hàng (NH) đua nhau đổ vốn vào bất động sản (BĐS) và hạ lãi suất cho vay mua nhà, NH Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo các NH và cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS.

 Nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh giảm, các ngân hàng tung ra các gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi - Ảnh: TỰ TRUNG

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các NH đang đẩy mạnh rót vốn cho BĐS vì đây là lĩnh vực có thể cho vay lãi suất cao, chưa kể nhiều người thắng chứng khoán đang muốn chuyển vốn sang BĐS.

NH đua rót vốn vào BĐS

Anh Lê Minh H. (Nguyễn Trãi, Hà Nội), đại lý bảo hiểm của Nhật Bản, cho biết vừa cầm cố sổ đỏ tại một NH để vay 300 triệu đồng nhằm gom đủ tiền mua mảnh đất ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) do lãi suất đang rất "dễ thở" (năm đầu tiên chỉ 7,6%/năm).

Chị Nguyễn Thu Liên (Việt Trì, Phú Thọ) - nhân viên tại một doanh nghiệp ở Hà Nội - cho biết đang cân nhắc làm thủ tục vay vốn NH để thanh toán cho căn hộ ở Hà Nội vừa được đặt cọc tuần trước bởi lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo "mềm" hơn những năm trước, có NH áp mức lãi suất 5%/năm trong 3 tháng đầu hoặc 7,4%/năm trong năm đầu với khoản vay có thời hạn 5 năm...

Hiện có hàng chục NH đang chạy đua triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua BĐS, với lãi suất khá hấp dẫn. Có NH áp mức lãi suất 5,9%/năm nếu ưu đãi trong 3 tháng, từ 6,79%/năm nếu cố định trong 6 tháng hoặc từ 7,6%/năm nếu cố định trong 12 tháng đầu tiên. Sau khi hết ưu đãi, lãi suất cũng chỉ khoảng 9-10%, giảm 1-2%/năm so với trước.

Chẳng hạn, giữa tháng 1-2021, BIDV đã tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỉ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5 - 7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm. 

Trước đó, OCB cũng tung ra gói vay 1.000 tỉ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà, kể cả BĐS dự án, với lãi suất thấp nhất từ 4,99%/năm trong 3 tháng đầu.

Dư nợ cho vay BĐS tại các NH được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của NH Nhà nước tại báo cáo gửi Quốc hội, có khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh BĐS. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỉ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay BĐS.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc chi nhánh NH Nhà nước tại TP.HCM, cho biết dư nợ BĐS tại TP.HCM đang chiếm 13,8% tổng dư nợ, tăng 1% so với con số ước 12,8% cuối năm ngoái. 

Tính theo con số tuyệt đối, dư nợ cho vay BĐS tính đến hết tháng 1-2021 tại TP.HCM đạt 2,6 triệu tỉ đồng. Do đó, NH Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS và tăng cường thanh tra, giám sát với tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS...

Vốn vào BĐS khó tăng nóng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho rằng mặt bằng lãi suất chung rất thấp, trong khi NH đang dồi dào thanh khoản, cần tìm đầu ra cho đồng vốn. "Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư vào chứng khoán, BĐS... Nhưng NH cho vay là phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi được nợ gốc và tiền lãi" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, cần đánh giá đúng tín dụng tăng trưởng vào phân khúc nào. Vì đầu tư, kinh doanh BĐS khác với vay để mua nhà ở. Tín dụng cho vay đáp ứng nhu cầu thật để mua nhà ở, đất ở của người dân là quá tốt, nên khuyến khích. Bởi những lao động trẻ, công chức mới ra trường làm việc ở các thành phố có nhu cầu mua căn hộ có giá trên dưới 1 tỉ đồng.

"DN vay kinh doanh nhà ở, chung cư hoặc đất nền để có những sản phẩm cho người dân mua thì nên được vay. Còn với những BĐS thuộc các phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, các NH nên cân nhắc, xem xét", ông Hùng nói.

 Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng NH Nhà nước cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào BĐS "núp bóng" qua sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - khẳng định tín dụng BĐS vẫn đảm bảo an toàn trong những năm gần đây. Tuy nhiên cần thiết phải cảnh báo tình trạng nợ xấu tín dụng BĐS, bởi rủi ro trong cho vay BĐS là thường trực. 

Các NH cũng cần đánh giá được mức độ rủi ro của khoản vay, đặc biệt phải chủ động theo dõi hoạt động đầu tư của tổ chức vay vốn để quản lý khoản vay.

Theo tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM, NH Nhà nước đang kiểm soát dư nợ BĐS chặt chẽ hơn rất nhiều so với giai đoạn nhà đất tăng trưởng nóng trước đây qua việc hạ thấp tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. 

"Với việc thay đổi cách thức giao chỉ tiêu tín dụng cho các NH theo từng quý thay vì năm như trước, nguồn vốn vào BĐS khó tăng nóng như giai đoạn trước", vị này nói.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, NH Nhà nước đang xem xét lùi lộ trình với tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn nhằm tạo điều kiện cho NH cho vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng BĐS… cũng sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực kinh tế có nhiều rủi ro, trong năm 2021 NH Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng với BĐS, nhất là cho vay kinh doanh, đầu tư các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng…

Sân bay còn nằm trên giấy, cò đất đã náo loạn vùng quê

 


Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay vẫn đang còn trên giấy nhưng các cò đất đã đổ về Hớn Quản, Bình Phước làm náo loạn cả một vùng quê - Ảnh: B.SƠN

Ngày 26-2, trước những thông tin giới đầu cơ khắp nơi về gây náo loạn thông tin, đẩy giá đất và phân lô bán nền đất trồng cây cao su, UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu công an huyện, lực lượng quân sự... hỗ trợ các xã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tụ tập đông người, đặc biệt là quanh khu vực sân bay Técníc Hớn Quản gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Đặc biệt, UBND các xã Tân Lợi, An Khương - những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là nơi cò đất hoạt động mạnh nhất - phải quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích... tại khu vực dự kiến khảo sát làm sân bay.

Khoảng một tuần nay, sau khi thông tin kiến nghị xây dựng sân bay Técníc tại huyện Hớn Quản được báo chí đăng tải, giới đầu cơ và cò đất từ TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đã dùng nhiều thủ thuật để "thổi" giá đất. Ngoài đăng tin trên mạng xã hội, cò đất còn tổ chức "sự kiện" xem đất thực tế, với hàng trăm người và hàng chục ôtô từ nhiều tỉnh thành kéo đến tụ tập để mua bán đất.

Khu vực Hớn Quản thường bán đất trồng cây cao su theo hecta, nhưng nay giới đầu cơ phân thành các lô đất nông nghiệp khoảng 1.000m2 bán với giá 700 - 900 triệu đồng/lô.

Theo UBND huyện Hớn Quản, việc "thổi" giá đất và tập trung đông người như trên là bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm COVID-19. Việc giá đất bị "thổi" cao bất thường còn dẫn tới nguy cơ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, bán đất nông nghiệp, .

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản vẫn còn "nằm trên giấy", do Thủ tướng chỉ mới giao cho các bộ xem xét, nghiên cứu đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước về việc giao cho địa phương này quản lý sân bay hiện hữu (rộng hơn 100ha) để mở rộng thành sân bay lưỡng dụng với quy mô 400 - 500ha.

Tác giả: LÊ THANH - ÁNH HỒNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ