Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng GD&ĐT: Giám sát chặt chẽ tập huấn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên, tránh gấp gáp, không đảm bảo chất lượng.

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo hiệu quả của các thành viên ban chỉ đạo.

Theo đó, ban chỉ đạo đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và đạt yêu cầu việc rà soát, đánh giá chương trình, sách giáo khoa lớp 1 sau một học kỳ triển khai và chuẩn bị cho hoạt động tổng kết sau khi năm học kết thúc. Đồng thời, ban chỉ đạo cũng sát sao trong việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, thực hiện chương trình mới; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2 và lớp 6.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề hạn chế và những “nút thắt” cần chỉnh sửa, bổ sung, đáp ứng yêu cầu triển khai trong thực tế.

Bộ trưởng yêu cầu với sách giáo khoa lớp 1, cần tổng kết công tác xã hội hóa, trong đó lưu ý công tác quản lý nhà nước về xã hội hóa. Chúng ta tạo điều kiện cho xã hội hóa nhưng phải quản lý chặt từ việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, tới in ấn, cung ứng, giá thành sách giáo khoa.

Hiện nay, bản mẫu sách giáo khoa định dạng PDF lớp 2, lớp 6 được đưa lên website của các nhà xuất bản. Giáo viên được cấp tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn sách giáo khoa.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp.

Để hoạt động này đạt hiệu quả, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.

Đối với công tác tập huấn sách giáo khoa, Bộ trưởng Nhạ lưu ý, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và nhà xuất bản để làm hiệu quả, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách. Kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, không đảm bảo chất lượng.

“Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn, các nhà xuất bản có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành sách giáo khoa.

Bên cạnh việc chuẩn bị sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và các sách giáo khoa khác, người đứng đầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường chất lượng thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Về tài liệu giáo dục địa phương, đây là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới và sẽ được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định, việc biên soạn và thẩm định tài liệu này thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, nội dung tài liệu. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương trong quá trình thẩm định tài liệu giáo dục địa phương trước khi phê duyệt.

 

Ngày 9/2 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký quyết định phê duyệt sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Nhạ phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM. Các đơn vị này đã từng tham gia biên soạn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học 2020-2021.

Tác giả: MINH THU

Nguồn tin: Báo VTC News