Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xử lý rác thải sinh hoạt ở miền Tây Nghệ An: Nhiều bất cập

Ở các huyện miền Tây của Nghệ An, việc xử lý rác thải sinh hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu được thực hiện bằng “công nghệ” phơi đốt, thậm chí nhiều địa phương còn thiếu cả nơi để chôn lấp gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Mặc dù nhiều dự án xây dựng nơi xử lý rác thải đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nhiều năm, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Qua phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường từ các bãi rác gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, chúng tôi có mặt tại bản Bon, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) nơi có bãi rác thải sinh hoạt lộ thiên.

Rác ở đây chất thành từng đống lớn, và được thực hiện đốt ở nhiều vị trí, khói bốc lên mờ mịt cả một khoảng không gian, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe các gia đình sinh sống ở gần bãi rác này.

 Bãi rác thải lớn nhất huyện Quế Phong ngày đêm được xử lý theo phương pháp phơi rồi đốt gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Thế nhưng, điều lạ là chỉ cách bãi rác lộ thiên này khoảng 300m, một khu xử lý rác với 4 hố rác “khổng lồ” đã được xây dựng dở dang nhiều năm nay.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, năm 2011, dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4462/2011, với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng. Đầu năm 2013, công trình này được khởi công xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong (bản Bon được sáp nhập vào thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) vào tháng 5/2020).

Theo thiết kế, bãi rác này có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2. Ngoài ra, còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống thoát khí thải, thoát nước mưa, đường giao thông và các công trình phụ trợ khác. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình xử lý rác thải đáp ứng tốt nhu cầu thu gom và xử lý rác thải của thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận trung tâm huyện Quế Phong.

Tuy nhiên, đến nay dự án mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường ngăn nội bộ và các hố chôn lấp với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng, nhưng số vốn hiện tại mới chỉ được cấp cho dự án là 14,2 tỷ đồng. Do chưa được bố trí thêm vốn nên công trình đã tạm dừng thi công từ năm 2015 đến nay.

Còn ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), mặc dù đã có chủ trương đầu tư cách đây 8 năm, nhưng đến nay, bãi xử lý rác thải cho thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) và một số xã phụ cận trung tâm huyện vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Hiện nay, huyện vẫn đang phải sử dụng bãi rác thải sinh hoạt tạm của thị trấn Tân Lạc, gây ô nhiễm môi trường.

Chính quyền cần vào cuộc quyết liệt
Do sống cạnh bãi rác lộ thiên và chỉ được xử lý thủ công nên các hộ dân ở bản Bon, thị trấn Kim Sơn nhiều năm nay sống ngột ngạt do mùi khói đốt rác theo gió vào nhà.

Một người dân bản Bon than thở, nhiều hôm mùi hôi, mùi khét lẹt của khói đốt rác làm chúng tôi ngột ngạt không thể chịu được, nhất là những thời điểm mưa phùn hoặc có sương xuống. Nhiều gia đình phải đóng kín cửa, thương nhất là trẻ con phải hít loại khói này.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, nguồn vốn bố trí trước đây là ngân sách từ nguồn vượt thu của tỉnh nhưng khi đó chưa được bố trí hết nên việc xây dựng bãi rác phải dừng lại từ nhiều năm nay. Huyện Quế Phong sẽ cố gắng tiếp tục huy động vốn từ những nguồn hợp pháp khác để hoàn thành xây dựng.

“Sắp tới, huyện sẽ cho bốc chuyển rác tại bãi rác tạm ở xã Châu Hạnh, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), về xử lý theo phương pháp chôn lấp.

Trong kế hoạch, bãi rác tập trung của huyện sẽ xử lý rác được thu gom từ những xã dọc quốc lộ 48, trong khoảng cách 20km. Đối với những xã khác, rác thải sinh hoạt của dân sẽ cho thu gom đưa về những điểm tập kết đã được quy hoạch trong chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết thêm.

Thiết nghĩ, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, bên cạnh đó mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi đổ rác, bởi rác thải là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường sống, và có thể gây bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, làm tổn hại tới sức khỏe của nhân dân.

Tác giả: Cao Sơn - Khánh Tâm

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống