Nhìn vào chủ tịch Hữu Thắng, liệu tham vọng "ông chủ" của Công Vinh chỉ là "miếng bánh vẽ"?
- 15:31 18-02-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
1. Rời sự nghiệp cầu thủ đầy vinh quang, Công Vinh đã được đảm nhận ngay trọng trách cực kỳ quan trọng, là quyền chủ tịch của CLB TP.HCM - "đại gia mới nổi" của V.League. Người kế nhiệm Công Vinh chính là "ông thầy" một thời của anh - Hữu Thắng. Với chức danh chủ tịch CLB, Hữu Thắng đang làm gì ở đội bóng có biệt danh "Chiếm hạm đỏ"?
Sẽ là không quá lời khi nói rằng vai trò của chủ tịch Hữu Thắng ở CLB TP.HCM là khá mờ nhạt. Mùa giải vừa qua, đội bóng này trải qua không ít những biến động lớn, và trong tất cả những biến động đó, dấu ấn của vị chủ tịch này hầu như bằng 0.
Ngay sau khi HLV Chung Hae-seong "đăng đàn" trên truyền thông Hàn Quốc để tố CLB TP.HCM đã đối xử "không công bằng" khi "bứng" ông ra khỏi chiếc ghế HLV trưởng, thì chủ tịch Hữu Thắng phản ứng cực kỳ yếu ớt và bị động, hoàn toàn không mấy "khớp" với cái chức danh "sang chảnh" của mình.
|
"Chuyện cầu thủ ngoại, tôi cũng không bao giờ can thiệp. HLV đề xuất gì là tôi ủng hộ ngay và báo cho lãnh đạo CLB biết. Không biết tại sao ông ấy lại nói thế", Hữu Thắng trần tình trước thông tin mình can thiệp vào chuyên môn. "Tôi cũng giống ông Chung Hae-seong thôi. Tôi cũng không phải là người được quyết định mang về cầu thủ này hay cầu thủ kia".
So với đời chủ tịch tiền nhiệm, tiếng nói của Hữu Thắng yếu ớt hơn hẳn. Trong nhiệm kỳ của mình, Công Vinh được nhắc đến rất nhiều với những hoạt động mang nặng tính truyền thông, làm hình ảnh cho CLB TP.HCM của mình, từ tự bán vé cho người hâm mộ, sửa phòng vệ sinh, phòng thay đồ, giới thiệu xe bus mới của đội, trực tiếp nói chuyện với cổ động viên để "hạ nhiệt" sự phẫm nộ khi đội bóng thi đấu "có vấn đề"...
Song chung quy lại, cả Hữu Thắng lẫn Công Vinh đều chỉ đảm nhiệm vị trí chủ tịch "làm thuê", không hơn. Mà từ chức danh "làm thuê" ấy đến "làm chủ" cả một đội bóng, hẳn nhiên là một sự khác biệt cực kỳ lớn.
|
2. Vậy liệu có "cửa" nào để Công Vinh trở thành một "ông chủ" thực sự của một đội bóng có tầm tham vọng V.League?
Ở Việt Nam, bóng đá là môn chơi "đốt tiền" khủng khiếp. Để có thể đầu tư một đội bóng chơi ở V.League, số tiền đầu tư phải là nhiều trăm tỉ. Công Vinh lấy đâu ra số tiền đấy?
Không phải là không thể, bởi Công Vinh có được thứ mà Hữu Thắng không thể có được. Đấy là uy tín cả về mặt chuyên môn lẫn đời sống cá nhân.
Khác với một Hữu Thắng dính khá nhiều tai tiếng kể cả trong vai trò cầu thủ, HLV cho đến quản lý đội bóng, Công Vinh luôn được nhắc đến với hình ảnh một cầu thủ chuyên nghiệp nhất bóng đá Việt Nam, một tiền đạo huyền thoại, có sức ảnh hưởng rất lớn ở ĐTQG Việt Nam, với cuộc sống ngoài bóng đá cực kỳ sạch sẽ và cực kỳ cầu tiến, khát vọng. Công Vinh tự thi đỗ đại họ Luật, và sử dụng tiếng Anh khá "ngon lành".
|
Thậm chí, nếu ở một nền bóng đá khác, một nền văn hóa khác, Công Vinh - với những gì cống hiến và có được cho đến ngày hôm nay, hoàn toàn có thể là hình ảnh đại diện cho giới cầu thủ, một nghề nghiệp tử tế như mọi nghề khác. Kiểu như David Beckham chẳng hạn.
David Beckham đã là ông chủ, có được CLB bóng đá của riêng mình. CLB bóng đá nhà nghề Mỹ - Inter Miami, đội bóng mà Lee Nguyễn vừa nói lời chia tay để trở về thi đấu "dưới trướng" chủ tịch Hữu Thắng, chính là đội bóng mà David Beckham là ông chủ.
David Beckham giàu "nứt đố đổ vách", song siêu sao bóng đá Anh quốc không hoàn toàn tự bỏ tiền ra để làm chủ CLB Inter Miami. Sau lưng anh là không ít những cổ động khác góp tiền, nhưng hình ảnh sạch sẽ và chuyên nghiệp của cựu tiền vệ Man United là thứ giá trị cực lớn, đưa anh trở thành ông chủ của đội bóng Mỹ, mà không cần phải đổ "tiền tấn" ra để nuôi CLB.
|
Đấy chính là thứ làm nên sự khác biệt giữa Công Vinh và Hữu Thắng. Giá trị ấy của Công Vinh hẳn nhiên ăn đứt Hữu Thắng. Có được nó, Công Vinh hoàn toàn có thể tự tin tạo dựng con đường trở thành ông chủ thực sự, với sự chống lưng của các cổ đông, nhà đầu tư "đại gia" muốn anh đứng ra gánh vác trọng trách, lẫn đại diện cho hình ảnh của CLB.
Và quan trọng nhất, tham vọng của Công Vinh nếu thành hiện thực, sẽ là cột mốc quan trọng giúp bóng đá Việt Nam thực sự được chuyên nghiệp hóa, khi bóng đá Việt Nam thực sự "sống tử tế" bằng tiềm lực của mình, chứ không phải bởi "bầu sữa" từ các ông bầu, hay những sự đổi chác nhiều góc khuất.
Tác giả: Kim Thiền
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc