Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Điểm mặt những ông, bà 'trùm' bị 'hạ bệ' trong năm 2020

Vì cả tin những lời hứa ngọt ngào của các ông, bà trùm bất động sản nên hàng ngàn người đã sập bẫy, mất tiền và mất thời gian đòi tài sản

Đình đám nhất trong năm 2020 là kết luận điều tra, đề nghị truy tố của Công an TP HCM đối với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, CEO Alibaba) cùng 22 bị can khác về các tội "Rửa tiền" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba.

Các cơ quan chức năng nhận định đây là vụ án lừa đảo có số lượng nạn nhân "khủng" từ trước đến nay. Nguyễn Thái Luyện cùng vợ, các em ruột và đồng bọn đã cùng nhau thành lập các công ty bất động sản, lập ra 58 dự án "ma", sau đó quảng cáo rầm rộ bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 3924 người, chiếm đoạt số tiền 2.373 tỉ đồng.

Với thủ đoạn khá tinh vi, Nguyễn Thái Luyện hứa với khách hàng sẽ mua lại nền đất giá cao, sinh lời 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng hoặc nếu không muốn bán thì cho thuê lại lời 2% mỗi tháng.

 Ông trùm Nguyễn Thái Luyện lừa đảo gần 4000 người

Sau khi đóng đủ số tiền, các bị hại không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết khi đến hạn mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Nhận thấy bị lừa đảo, các bị hại đã đến Công an TP HCM nộp đơn tố cáo.

Không thua Nguyễn Thái Luyện, với chiêu bài ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất của 9 dự án không có thật tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM, bà trùm Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1981, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Angel Lina) đã bị công an bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhung cùng một số đối tượng có liên quan tìm những người có nhu cầu bán đất (đất có diện tích lớn) là đất ở, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản... từ đó đã thực hiện việc thỏa thuận mua bán đất với một số hộ cá nhân có đất, sau đó thỏa thuận lập ký biên bản đặt cọc hứa mua hứa bán để làm tin.

 Công an TP HCM đọc lệnh bắt Phạm Thị Tuyết Nhung

Tuy việc mua bán chỉ dừng lại ở giai đoạn thỏa thuận nhận tiền cọc, chưa hoàn tất thủ tục sang tên chuyển nhượng cho Nhung; không lập thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án, nhưng Nhung đã thuê người để tự lập bản vẽ thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 phân thành từng lô (nền), thể hiện có cơ sở hạ tầng đầy đủ như điện, nước, thoát nước, đường đi, tự đặt tên cho dự án. Từ đó cho người tổ chức quảng cáo dự án để bán đất ở đô thị nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phạm Thị Tuyết Nhung đã sử dụng pháp nhân Công ty Angel Lina, Công ty Đất vàng Hoàng Gia do mình làm giám đốc ký kết hợp đồng với khách hàng có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất để nhận tiền cọc hoặc góp vốn của nhiều cá nhân chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận đơn tố giác của trên 200 bị hại, với số tiền chiếm đoạt khoảng 285,6 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến việc lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, cuối năm 2020, Công an TP HCM đã phát đi thông báo truy tìm 9 chủ tài khoản đứng tên nhận tiền, giúp Công ty Hoàng Kim Land nhận tiền lừa đảo của nhiều người.

Do lừa đảo hàng chục người để chiếm đoạt tài sản nên Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1970, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) đã bị tạm giam để điều tra.

 Trần Thị Hồng Hạnh lập dự án ma để lừa đảo

Thủ đoạn của Công ty Hoàng Kim Land là thông qua mạng xã hội, mạng internet, công ty này đã liên tục đăng tải, quảng cáo nhiều dự án đất nền tại các quận, huyện ở TP HCM. Khi quảng cáo, Công ty Hoàng Kim Land thông tin rằng đây là những lô đất "giá mềm", vị trí đẹp nên nhiều người đã "xuống cọc" đặt mua.

Thực tế, những dự án do Hoàng Kim Land vẽ ra đều là ảo, đất nông nghiệp hoặc đất quy hoạch chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Sau khi vụ việc vỡ lở, hàng trăm khách hàng tập trung khiếu nại gây mất an ninh trật tự địa phương.

Táo tợn hơn, bà trùm Vũ Bảo Trinh (SN 1973, Giám đốc Công ty Bất động sản Nam Thị) đã ký hợp đồng mua bán cùng căn hộ, sàn thương mại thuộc dự án chung cư La Bonita cho nhiều người.

Đồng thời, sử dụng hành vi gian dối thay đổi tên, ký hiệu căn hộ, thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp nhằm để khách hàng lầm tưởng là mua bán căn hộ khác nhau. Ngoài ra, để đối phó khi bị tranh chấp, khiếu nại, Trinh đã sử dụng chiêu bài để chủ sở hữu mới tiếp tục thỏa thuận với khách hàng. Với chiêu bài tinh vi, Vũ Bảo Trinh cùng đồng bọn đã lừa đảo, bỏ túi 191 tỉ đồng.

 Khách hàng tố cáo Công ty Bất động sản Nam Thị lừa đảo

Công an TP HCM đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên xuống tiền và tin những lời hứa ngọt ngào của các đối tượng mua bán bất động sản. Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM yêu cầu người dân cần cẩn thận trước giao dịch bất động sản tiền tỉ, khi muốn mua đất nền, dự án bất động sản cần tìm hiểu tính pháp lý cũng như uy tín của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó cần đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu về dự án có bị vướng quy hoạch, có bị tranh chấp hay đã có chủ trương phê duyệt của cơ quan chức năng hay chưa. Mặc dù Công an TP HCM và các cơ quan chức năng, truyền thông liên tục thông tin về các chiêu lừa nhưng nhiều người vì những lời hứa mang lại thu nhập béo bở đã bị các đối tượng đưa vào bẫy bất động sản, có người mất trắng vì đã bỏ ra khối tài sản dành dụm cả đời để mua đất, mua dự án.

Tác giả: Phạm Dũng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động