Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những phong tục độc đáo đón Tết cổ truyền của người miền núi xứ Nghệ

Người Thái gọi vía về ăn Tết, cánh cổng vào thế giới tâm linh hay cúng bến nước sau tiếng gà gáy của người Mông… là những phong tục có từ bao đời nay trong cộng đồng dân tộc miền núi xứ Nghệ.

 Người Thái ở Nghệ An thắp hương cho tổ tiên sau đêm giao thừa.

Người Thái gọi vía về ăn Tết

Người Thái là cộng đồng thiểu số có trên 320 nghìn người ở Nghệ An. Trong nếp sống hiện đại, cộng đồng người Thái vẫn gìn giữ được những nét đẹp trong phong tục đón tết  và  gọi vía về ăn tết dịp cuối năm là một sinh hoạt tinh thần phổ biến. Nó khiến không khí ngày cận Tết ấm áp hơn và cũng không kém vẻ linh thiêng.

 Năm nay tròn 60, nhưng bà Vi Thị Dung (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) mới tập tành nghề mo. (Mo là những người chuyên việc cúng bái và cử hành các nghi lễ tâm linh của người Thái). Trước Tết, bà tổ chức lễ gọi vía con cháu về ăn Tết. Gọi vía là bài tập đầu tiên của một thầy cúng và cũng là lần đầu tiên bà Dung làm lễ này cho gia đình anh con trai trưởng. Năm nay, con trai bà Dung có một cháu bé nên lễ gọi vía càng có ý nghĩa quan trọng. 

 Lễ cúng gọi vía về ăn tết dịp cuối năm của người Thái ở Nghệ An.

Trong quan niệm tâm linh của người Thái xứ Nghệ, trước khi thành thầy mo, người tập sự nhất thiết phải học trước một bài cúng vía. Gọi vía về ăn Tết thường là bài cúng đầu tiên được những người mới học làm thầy mo lựa chọn vì dễ thực hành và người truyền thụ thường là một thầy mo có tiếng trong vùng.

Bà Dung đã tự học các bài cúng vía từ trước đây khá lâu qua những lần nghe người già trong bản gọi vía. Để được nghe bài cúng gọi vía về ăn Tết chỉ có thể đợi dịp cuối năm. Vì vây phải mất khá nhiều năm và hỏi thêm các thầy cúng là người già trong bản, bà mới nhớ hết được bài cúng. Khi cảm thấy tự tin với khả năng của mình, bà mới tự tổ chức lễ cho gia đình mình.

Cuối năm bận lo sắm Tết nên lễ gọi vía bị nhiều người xem nhẹ, chỉ làm qua loa. Riêng bà Dung đã chuẩn bị khá kỹ. Trước đó cả tháng trời, con gà sống đẹp nhất trong chuồng đã được lựa chọn. Bà Dung quan niệm, với lễ gọi vía đầu tiên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. 

 Mâm cúng ngày Tết của người dân tộc Thái.

Trong không khí bản làng buổi chiều ngày cuối năm, đâu đó thấp thoáng bóng những bà thầy mo đứng ở các ngã rẽ trong bản gọi vía cho con cháu là một hình ảnh thường gặp ở vùng cao. Nó khiến không khí ngày cuối năm như ấm áp hơn và không kém phần linh thiêng, trang trọng. Sau lễ gọi vía ngoài trời, buổi lễ cúng được tổ chức trong nhà để mời vía ăn cơm.

 Cánh cổng vào thế giới tâm linh của người Mông

 Đa dạng món ăn trong ngày Tết của người Thái.

Ở Nghệ An, người Mông chủ yếu sinh sống tại ba huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong… Với người Mông, mỗi dòng họ lại có một tập tục riêng. Trong một chuyến đi vào bản Huồi Giảng 3 xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn), chúng tôi có dịp nghe ông Vừ Chông Dì, nguyên là Bí thư Đảng Ủy xã kể về phong tục dòng họ.

 Tết đến xuân về là dịp vui hiếm hoi của cộng đồng người Mông. Ngoài ngày Tết, gần như họ ở trên rẫy cả ngày. Chính vì thế mà các cuộc vui xuân của người Mông thường kéo dài quá nửa tháng giêng để bù lại những tháng ngày cực nhọc mưu sinh. Người Mông cũng là cộng đồng đề cao kỷ luật nên các nghi lễ tâm linh được cử hành một cách nghiêm ngặt, kể cả tục đón Tết. 

 Ông Dì cho biết, tục tập tục dòng họ Vừ, chiều 30 Tết, người ta chọn một cái sân rộng trong bản để dựng cổng cúng tế. Chiếc cổng làm bằng 2 chiếc cọc gỗ. Một cột ở hướng mặt trời mọc, cột còn lại ở hướng mặt trời lặn. Hai chiếc cột này được nối với nhau bằng một sợi dây bện từ loại cỏ tranh.

 Một lễ hội đầu xuân của dân tộc Thái được mọi người tham gia đông đảo.

Khi cổng đã dựng xong, người thầy mo cầm một con gà trống có mào và màu lông đều đỏ để cúng tế. Bài cúng cầu xin thần linh phù hộ cho bản làng bình yên. Năm cũ xúi quẩy đã qua, năm mới may mắn đã tới, cầu mong thần linh mang đi những điều xúi quẩy trong cộng đồng. 

Lúc này tất cả mọi người già trẻ, gái trai trong bản quy tụ lại cạnh chiếc cổng. Mỗi người mang theo một sợi vải màu đỏ buộc lên sợi dây bện bằng cỏ tranh trên chiếc cổng. Sau đó mọi người xếp thành hàng đi quanh cây cột phía mặt trời mọc 9 vòng. Sau 4 vòng đầu tiên lại quay người đi thêm 5 vòng theo chiều ngược lại. Sau cùng tất cả mọi người trong bản tập trung thành từng hàng cạnh chiếc cột bên phía mặt trời mọc để thầy mo làm nghi lễ cầu an. Con gà được cắt lấy tiết, mỗi người sẽ được chấm tiết gà lên trán. Sau những nghi lễ này, một nhóm thanh niên được giao nhổ chiếc cổng đem vứt bỏ.

 "Nghe ông, cha nói lại thì chiếc cột này tượng trưng cho chiếc ô che, một đồ dùng thiêng liêng của người Mông. Cuối năm mọi người tập trung lại bên hai chiếc ô để giải trừ xúi quẩy, cầu may mắn", ông Dì cho biết thêm.

 "Thực ra "nguyên bản" của nghi lễ cầu may bên chiếc cổng tâm linh này không dành cho lễ mừng Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán chỉ mới du nhập từ người miền xuôi, theo chủ trương thống nhất các dân tộc cùng ăn tết một ngày từ những năm 90 trở lại đây.  Ngày xưa, nghi lễ cầu may bên chiếc cổng thường được tổ chức vào cuối mùa lúa rẫy. Nghi lễ cốt để mừng một mùa lúa đã kết thúc. Người xưa quan niệm xong một mùa lúa coi như hết một năm", ông Dì giải thích.

 Cúng bến nước sau tiếng gà gáy

 Thiếu nữ Mông ở Nghệ An chơi ném pao trong hội xuân.

Sau tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới, người Mông ở xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) còn  có tục cúng bến suối, nơi lấy nước sinh hoạt của cộng đồng. Tập quán sống trên địa hình cao 1000m khiến các bản người Mông luôn gặp phải tình trạng khan hiếm  nước sinh hoạt. Chính vì thế mà không biết từ bao giờ nguồn nước trở thành đối tượng tâm linh của cộng đồng. Vào thời khắc đầu năm mới, cộng đồng người Mông lại ra nguồn suối gần bản để cúng bái. Hiện một số làng bản vẫn giữ được tập tục này.

Nó về nghi lễ này, ông Vừ Vả Dềnh, một cư dân ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn  cho biết: "Tục cúng nước cũng là một phần trong lễ đón năm mới của người Mông ở huyện Kỳ sơn. Sau khi xong lễ cúng bản, mọi người trở về nhà mổ gà cúng vía cho từng thành viên trong gia đình, cầu chúc cho năm mới mạnh khỏe".

Khoảng 21h , người ta lại cắt tiết thêm một con gà để làm "nơi thờ tổ tiên" (tiếng Mông gọi là "xử ca"). Gọi là nơi thờ tổ tiên nhưng kỳ thực chỉ là một mảnh giấy bản có vẽ hình trang trí sặc sỡ. Trên "xử ca" có đính lông và máu gà. Hình trang trí này được hầu hết các dòng họ người Mông gọi là nơi thờ cúng tổ tiên.

 Các sơn nữ đang chuẩn bị gói bánh chưng, bánh giầy để thờ Tết.

Ngày tết, người ta dựng thêm một bàn thờ nhỏ để thắp hương. Đêm 30 tết, hương không bao giờ được tàn trên chiếc bàn thờ cạnh hình trang trí "xử ca".

Tiếng gà đầu tiên sau giờ phút giao thừa được xem như tín hiệu đầu tiên của năm mới. Người đầu tiên nghe thấy tiếng gà sẽ gọi tất cả mọi người dậy mang theo các dụng cụ  ra bến nước gần bản múc nước về. Người ta cũng không quên mang theo hương để thắp lên cúng cho thần linh xin nguồn nước mới trong lành và dồi dào hơn.

"Bây giờ nhiều bản đã có bể nước tự chảy, người ta không phải đi xa lấy nước như trước kia nữa, người ta giữ phong tục cũ, thắp hương cạnh bể nước công cộng trong bản", ông Vừ Vả Dềnh cho biết thêm.

Trước đây, cộng đồng người Thái cũng có thói quen ra suối múc nước vào sáng sớm mồng một Tết. Ngày đầu năm, khi trời còn chưa sáng, trẻ con mặc quần áo mới đi ra suối uống nước tiên. Theo quan niệm cũ, vào buổi sáng sớm đầu năm mới, các nàng tiên sẽ mở cửa dòng suối mang may mắn đến với con người. Những ai kiên trì, chăm chỉ mới có vận may gặp được dòng nước tiên.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí