Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi lòng cán bộ xã được thưởng Tết 200 nghìn đồng

Không có ngân sách chi cho việc thưởng Tết, nhiều xã ở các tỉnh, thành thưởng quà Tết cho cán bộ chỉ 100-200 nghìn đồng, hoặc gói mỳ chính, chai rượu, cân thịt.

Cán bộ cấp xã cả năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng mức lương chỉ vài triệu đồng/tháng, khi Tết đến nhiều người ngậm ngùi nhận phần quà chỉ đáng giá vài trăm nghìn.

'Nói đến quà Tết bọn em xấu hổ lắm'

Nữ cán bộ văn phòng UBND xã của một huyện thuộc tỉnh Thái Bình đã phải thốt lên với chúng tôi khi được hỏi về chuyện thưởng Tết của mình: “Chia sẻ chuyện thưởng Tết thì bọn em xấu hổ lắm! Cán bộ, công chức xã, đi sớm về muộn nhưng đến lúc Tết thì thưởng có đáng là bao."

Nữ cán bộ xã cho biết thêm, những năm trước, cán bộ, công chức địa phương cũng có chút quà Tết nhưng năm nay dịch COVID-19 bùng phát nên xã không có ngân sách chi cho thưởng Tết.

“Em hay nói đùa với chủ tịch xã, bọn em toàn cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cuối năm chả được thưởng cái gì. Nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi thân...”, nữ cán bộ văn phòng nói.

 Thưởng Tết cho cán bộ xã nhiều nơi là túi mì chính, chai dầu ăn... (Ảnh: V.N)

Lãnh đạo UBND xã nơi nữ cán bộ này công tác cho biết, hiện nay, nếu bố trí được xã cũng mới chỉ lo được quà Tết cho cán bộ, công chức cấp xã với mức vài trăm nghìn đồng chứ không có tiền thưởng Tết như các đơn vị, doanh nghiệp khác.

"Đối với cấp chính quyền cơ sở, UBND xã cũng không có nguồn kinh phí để tặng quà Tết cho đội ngũ cán bộ như Bí thư chi bộ, trưởng thôn", vị này cho biết thêm.

Cũng giống như chị G., chị T.M., cán bộ chuyên trách dân số xã của một huyện ngoại thành Hải Phòng than thở: “Em còn chưa biết xoay xở thế nào để có tiền mua quà Tết tặng cho các chị em cộng tác viên ở các thôn, chứ nói gì đến quà Tết của em nữa. Quà Tết cán bộ, công chức cấp xã như bọn em năm nào chả 100-200 nghìn đồng”.

Theo chị T.M., cả năm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", có thâm niên 15 năm làm cán bộ chuyên trách về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại địa phương, trải qua bao khó khăn, vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, nhưng đến Tết chị và nhiều cán bộ cũng chỉ nhận được 100-200 nghìn đồng tiền thưởng.

“Có những lần đi làm về, em ngồi bệt xuống hiên nhà khóc rồi nói với mẹ chồng là ngày mai con trả sổ sách, xin nghỉ không làm nữa. Nhưng sau nghĩ lại, em lại gạt nỗi buồn phiền để tiếp tục công việc của mình. Còn bao việc không tên đối với cán bộ chuyên trách dân số nữa, em kể với anh cả tiếng cũng chả hết”, chị T.M. nói.

Chị M. cho biết, từ năm 2017 trở về trước, xã thường có một gói quà chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Còn từ năm 2018 đến nay, năm thì phát tiền mặt, năm thì gói quà nhưng cũng chỉ đáng giá 200 nghìn đồng.

Nữ cán bộ dân số so sánh: “Công nhân làm việc ở các doanh nghiệp, đơn vị khác người ta còn được thưởng tháng lương thứ 13 chứ cán bộ, công chức xã như bọn em thì thưởng Tết có gì đâu”.

“Em cũng như các cán bộ, công chức cấp xã cũng muốn đề xuất việc thưởng Tết, nhưng do điều kiện ngân sách địa phương khó khăn lắm nên khó được đáp ứng. Cả năm làm việc cũng chỉ mong Tết đến có một phần thưởng hợp lý, xứng đáng để anh chị em cơ quan có thêm động lực, tiếp tục cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thôi”, chị T.M giãi bày.

Lúc chai rượu, khi gói mỳ chính

Nhiều năm nay, cán bộ xã Hương Giang (huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng đã quen với việc không có quà Tết, nếu có may ra cũng chỉ là cân thịt lợn hay bó rau.

"Năm nào cũng vậy, ngoài lương ra, cán bộ xã hầu như không có tiền thưởng Tết. Nếu xã cân đối được ngân sách, may ra mới cho anh em 300 - 500 nghìn đồng đủ để mua cân thịt, bó rau động viên gia đình", ông Phan Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Giang chia sẻ.

Theo ông Hùng, xã Hương Giang thuộc xã loại 2 của tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Hương Khê, thu ngân sách hàng năm toàn xã chỉ đạt 400 - 600 triệu đồng/năm.

"Cán bộ xã chúng tôi chủ yếu xuất thân từ nông nghiệp. Hiện nay, đời sống của cán bộ được nâng lên, tuy vậy so với mặt bằng chung thì còn nhiều khó khăn, thu nhập chính vẫn từ sản xuất nông nghiệp, cuối năm có thêm được cân thịt về động viên vợ con đón Tết là vui lắm rồi", ông Hùng nói.

Cùng hoàn cảnh, tại xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), quà Tết cho cán bộ công chức, cán bộ bán chuyên trách cũng chỉ 200 - 500 nghìn đồng.

Theo một cán bộ xã Kỳ Giang, ngân sách địa phương hạn hẹp, không đủ để bố trí chi tiêu thường xuyên, cuối năm thêm nhiều khoản phải chi, cũng từ đó, việc bố trí quà Tết cho cán bộ hầu như rất ít, quà Tết chủ yếu là để động viên.

Tại tỉnh Nghệ An, nói về thưởng Tết, nhiều lãnh đạo xã chia sẻ, không có quy định công chức được thưởng Tết, cán bộ xã cũng không để ý đến việc nhận quà Tết.

“Chúng tôi không có quỹ để thưởng Tết, chi chế độ Tết thì lấy đâu ra trong khi ngân sách đã phân bổ rồi. Chế độ của nhà nước thì không có quy định về thưởng Tết”, ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) nói.

Cũng có cùng tâm sự này, ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương) chia sẻ: “Công chức chúng tôi làm gì có thưởng Tết, không có năm nào có cả. Không phải kinh doanh nên chúng tôi chỉ nhận lương, không có thưởng Tết”.

 Trụ sở UBND xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều cán bộ xã nhận quà Tết khi gói bánh, lúc chai rượu, gói mỳ chính…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: “Tính đến nay tôi cũng công tác ở các địa phương gần 15 năm, nói về thưởng Tết thì gần như không có, chủ yếu mỗi cán bộ nhận được một phần quà nho nhỏ gọi là động viên, khích lệ các đồng chí có thêm tinh thần làm việc, vui xuân đón Tết an lành.”

Cùng tâm trạng, bà Đỗ Văn Tám, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Cầu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự, hơn 20 năm công tác, chưa bao giờ cán bộ nghĩ đến thưởng Tết, theo quy định không có thưởng Tết dành cho cán bộ công viên chức.

"Đa số các địa phương thường tiết kiệm chi tiêu để có chút ít quà khích lệ anh em công tác tốt. Tôi còn nhớ trước kia, phần quà là những chai rượu, khi gói mỳ chính hay gói bánh gọi là. Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, phần quà đó được quy ra mỗi người 200 nghìn đồng, tuy ít ỏi nhưng từng ấy cũng đủ khích lệ cho anh em”, bà Tám nói.

Chia sẻ với PV VTC News, chị L. - cán bộ đoàn xã ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, chuyện thưởng Tết thực chất là tiền khen thưởng cuối năm của cơ sở.

"Như anh biết đấy, làm cán bộ xã ở cơ sở thì tiền thưởng Tết có bao nhiêu đâu. Làm ở các doanh nghiệp mới được nhiều. Như Tết năm nay thì bên cơ quan em cũng được cao hơn năm trước nhưng cũng không đáng là bao nhiêu", chi L. nói.

'Riết rồi quen'

Trả lời PV VTC News, một lãnh đạo huyện ở tỉnh An Giang cho biết, Tết năm nay, tỉnh An Giang hỗ trợ mỗi cán bộ công chức cấp xã 800 nghìn đồng. Đối với cán bộ bán chuyên trách hay hợp đồng thì không được phần hỗ trợ này.

Trong khi đó, một Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã ở tỉnh Hậu Giang chia sẻ, cán bộ, công chức xã được hỗ trợ 500 nghìn đồng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Một cán bộ xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Lộc, tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước giờ công chức, viên chức xã không được thưởng Tết.

“Bao năm nay chúng tôi không được thưởng Tết. Năm nay xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao bằng khen nên lãnh đạo được phần quà trị giá 300 nghìn đồng, cán bộ, nhân viên được phần quà trị giá 200 nghìn đồng”, vị cân bộ xã chia sẻ.

Cũng theo vị cán bộ xã này cho hay, bao năm qua không có thưởng Tết cũng vẫn vui, “riết rồi quen”.

Chia sẻ với VTC News, một cán bộ thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm trước Tết đến còn có tổ chức gặp mặt. Nhưng năm nay do COVID-19 nên cũng không tổ chức.

“Những năm trước mỗi cán bộ xã được 500 nghìn đồng tiền Tết, nhưng năm nay cũng không có. Chúng tôi làm việc cống hiến, phụng sự nhân là chính chứ lương không đủ sống mà thưởng cũng chẳng có đâu, ai cũng phải làm nghề tay trái chú ạ”, vị cán bộ nói.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo VTC News