Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sao lại vòi vĩnh sinh viên?

Trường ĐH Hoa Sen vừa đình chỉ công tác, đồng thời chấm dứt hợp đồng với một giảng viên thỉnh giảng do bị tố “vòi” tiền hàng loạt sinh viên để nâng điểm.

Sự việc xảy ra vào hồi đầu năm nay, khi dạy 3 lớp EIC3 (cấp độ 3, chương trình dành cho sinh viên không chuyên Anh), giảng viên bị tố đã gợi ý mỗi người đóng 500.000 đồng sẽ được nâng điểm qua môn, nếu không sẽ gặp khó khăn trong kỳ thi này. Một số sinh viên đã đóng tiền trong khi phần lớn không đồng ý nên phản ánh trên các diễn đàn.

Sau khi vào cuộc xác minh, giảng viên trên thừa nhận hành vi tiêu cực của mình và mong muốn trả toàn bộ số tiền đã nhận, công khai xin lỗi phụ huynh và sinh viên. Thời điểm hiện tại, nhà trường đã đình chỉ dạy học vì hành vi vòi vĩnh sinh viên đối với giảng viên nói trên. Đồng thời Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cũng đã nhận trách nhiệm và thay mặt nhà trường xin lỗi sinh viên và gia đình các em.

Câu chuyện thày vòi vĩnh tiền của trò đã khiến nhiều người bất bình. Bởi điều này vừa trái với đạo đức người làm thày, vừa là một hành vi phản giáo dục. Thay vì hướng dẫn sinh viên học và thi cho tốt, người thày lại bày cho sinh viên cách thức  đối phó với thi cử. Mà tiền để “đổi” điểm cho thày, hẳn các sinh viên lại phải về xin bố mẹ. Hành vi của thày sẽ gieo những gì vào đầu sinh viên trẻ? Có bao nhiêu sinh viên trong số ấy “gần mực thì đen”?…Điều này thật khó mà lường trước được. Chỉ biết rằng, những sản phẩm giáo dục tốt chỉ được tạo ra ở môi trường giáo dục tốt, chứ không phải ở môi trường xô bồ, ngã giá kiến thức – cho dù chỉ là mấy chục ngàn đồng.

Chuyện thày vòi tiền trò khiến người ta liên tưởng tới câu chuyện đổi tình lấy điểm cách đây nhiều năm (2006). Khi ấy mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, nhưng chỉ một dòng tin nhỏ lan truyền trên báo chí, cũng đã khiến hình ảnh và nhân cách của người thày nọ trở thành xấu xí. Tai hại hơn, hình ảnh của người thày cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi có “con sâu làm rầu rồi canh”.

Đạo đức người làm thày có lẽ là bài học đầu tiên của những người được đào tạo trong môi trường sư phạm. Giai đoạn hiện nay “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, việc chú trọng đạo đức người thày lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các thầy, cô giáo cần là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò noi theo, và để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”. Chỉ có như vậy, câu tục ngữ “Không thày đố mày làm nên” mới thực sự vẹn toàn ý nghĩa theo thời gian. 

Tác giả: Vi Cầm

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết