Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gần 200 lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đình công vì thưởng Tết bất hợp lý

Nhiều lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam (xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho Tạp chí Người Xây dựng biết: Từ sáng hôm qua (5/02/2021) tất cả lái xe của Nhà máy Xi măng này đã đình công bằng việc không làm việc, vì Công ty thưởng Tết không công bằng.

 Nhà máy xi măng Đô Lương thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam được khởi công ngày 04/2/2015 tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

Theo phản ánh, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam hiện có 90 xe tải hạng nặng (loại 34 tấn đến 47 tấn), làm nhiệm vụ chở sản phẩm thô (Clinke) từ Nhà máy tại xã Bài Sơn về Trạm nghiềm ở cảng Nghi Thiết (Nghệ An). Mỗi chuyến xe, chỉ có 1 lái xe, với chiều dài tuyến vận tải cả đi và về là 110km, trọng tải mỗi chuyến từ 34 tấn đến 47 tấn (tùy theo trọng tải từng loại xe). Theo đó, mỗi chuyến, lái xe được hưởng mức lương khoán là 140 ngàn đồng tiền công cho mỗi chuyến. Lái xe nào đủ sức khỏe, làm đủ ca (12 tiếng), số tiền công được hưởng là 560 ngàn đồng.

 Gần 200 công nhân là lái xe của Công ty CP Xi măng Sông Lam đình công từ ngày 05/02/2021 vì tiền thưởng Tết

Khác với năm trước, Tết năm nay, 180 lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam chỉ được thưởng Tết theo ngày công làm việc ở mức 250 ngàn/người/ngày. Nếu lái xe nào làm đủ 30 ngày/tháng (12 tiếng/ngày) sẽ được nhận 7,5 triệu đồng. Không ít lái xe do sức khỏe, do phương tiện bị hỏng hóc… không đủ ngày công, số tiền thưởng sẽ thấp hơn. Trong khi đó, công nhân lao động ở các bộ phận khác của nhà máy, ngoài số tiền lương được hưởng mỗi tháng, tiền thưởng Tết năm nay mỗi người là 20 triệu đồng.

 Đã có một số sai phạm xảy ra tại dự án The Vissai Đô Lương mà báo chí đã phản ánh

Bức xúc và bất bình với cách áp dụng chế độ thưởng Tết của Nhà máy năm nay, tất cả lái xe của Công ty này đều đình công. Theo lái xe N.V.X (xin dấu tên), cho biết: Họ đình công vì 2 lý do: Lái xe làm việc theo lương khoán, vậy họ phải được hưởng tiền thưởng bằng hoặc hơn các công việc khác của công nhân nhà máy. Việc nhà máy bị mát cắp một số vật tư (sắt thép), là trách nhiệm của bộ phận bảo vệ, không thể đổ lên đầu lái xe.

Trao đổi với ông Vũ Văn Lai- Giám đốc điều hành đội xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, ông Lai cho biết: Việc chi trả tiền thưởng thế nào là thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Tổng giám đốc Công ty, ông không có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, ông Lai cho rằng, lãnh đạo Công ty áp dụng chế độ tiền thưởng như thế là đúng vì các lái xe đã nhận lương khoán hàng ngày. Ai thấy đáp ứng được thì làm, ai không hài lòng thì xin nghỉ việc.

Thay vì lắng nghe, xem xét lại quyền lợi cho 180 lái xe hiện đang làm việc, ngay trong ngày 05/02/2021, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã đề nghị báo Nghệ An đăng tuyển dụng 180 lái xe mới. “Thông điệp” này, được các lái xe tham gia đình công gọi là “cái tát vỗ mặt” những lao động đã gắn bó với Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam suốt bao năm qua trên cung đường Bài Sơn - Nghi Thiết.

 

 Mỗi lái xe, mỗi ngày phải làm việc 12 tiếng trên tuyến đường từ Bài Sơn về cảng Nghi Thiết để có thu nhập 560 ngàn đồng nhưng tiền thưởng Tết năm nay thua kém rất xa so với lao động ở vị trí khác.

Đã 2 ngày trôi qua, tổ chức công đoàn cơ sở của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam chưa thấy lên tiếng. Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An nghĩ gì và làm gì trước hiện tượng này của đoàn viên công đoàn?

Tạp chí Người Xây dựng đề nghị ông Vũ Văn Lai cung cấp số điện thoại của lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam nhưng ông lai từ chối vì: “tôi không có số điện thoại của lãnh đạo Công ty”.

Mong rằng, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An và lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần quan tâm, chia sẻ với lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam trước đòi hỏi chính đáng này.

 Tổ chức Công đoàn cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động

Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam tiền thân là Công ty CP xi măng Đô Lương. Sau khi được Chính phủ cho phép chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần từ Công ty CP xi măng Đô Lương theo phương thức thỏa thuận cho Tập đoàn Hoàng Phát Vissai, được đổi tên thành Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Dự án được khởi công ngày 04/2/2015 tại xã Bài Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) với công suất 2.500 tấn Clinke/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm.

Sản phẩm của dự án là các loại xi măng chất lượng cao phục vụ các công trình biển đảo, các công trình mục tiêu Quốc gia chống biến đổi khí hậu. Tổng mức đầu tư của dự án là 10 nghìn 500 tỷ đồng.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Tạp chí Người Xây Dựng