Nafoods tham dự Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020
- 08:07 11-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020 do Dự án BioTrade khu vực Đông Nam Á thuộc Tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) tổ chức.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT /Tổng giám đốc Nafoods Group tham gia phiên tọa đàm: “Thích ứng với thay đổi và đổi mới” cùng đại diện Bộ, ngành, Hiệp hội |
Nội dung hội nghị cho thấy sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cú sốc của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Điển hình, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể… Cùng đó, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa cũng bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng; hàng hóa và dòng vốn thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho…
Hiện nay, người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo an toàn về thực phẩm nhiều hơn sau dịch COVID-19 nên cũng có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm địa phương nội địa do có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, có khoảng 76% tham gia khảo sát cho biết ưu chuộng hàng nội địa hơn sau dịch COVID-19 và đây là cơ hội cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị |
Tham gia phiên tọa đàm: “Thích ứng với thay đổi và đổi mới” cùng đại diện Bộ, ngành, Hiệp hội, Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT /Tổng giám đốc Nafoods Group cho biết: “Hiện doanh nghiệp này xuất khẩu 60 quốc gia trên thế giới và tăng trưởng doanh thu hơn 40% trong 2 năm qua. Kinh nghiệm cho thấy, muốn vượt qua thách thức, doanh nghiệp cần định vị lại năng lực cốt lõi, hoạch định lại chiến lược kinh doanh, vận hành, quản trị công ty…”
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ: “Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay; trong đó, Bộ Công Thương đã hệ thống lại mạng lưới Tham tán và Cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài để kết nối nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Mặt khác, Bộ Công Thương xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến để triển khai hội thảo, hội nghị, giao thương… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.”
Toàn cảnh hội nghị |
Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp cũng cho hay, mặc dù đứng trước “sóng gió” khủng hoảng thị trường, nhưng ngành sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước, đảm bảo ổn định giá cả thị trường. Hơn thế nữa, doanh nghiệp chủ động thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới bằng giải pháp đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường.
Tác giả: PV
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn