Vụ án có dấu hiệu oan sai tại Nghệ An: Bị cáo lĩnh án 11 năm tù, các luật sư khẳng định án oan
- 10:48 02-02-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có sai sót, mâu thuẫn nhưng không làm thay đổi bản chất khách quan của vụ án?
Ngày 22/01/2021, TAND huyện Diễn Châu đã tuyên bị cáo Nguyễn Hoài Giang (SN 1991, ngụ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) 11 năm tù vì “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” mà báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh nhiều bài trước đó.
Quang cảnh phiên tòa xét xử Nguyễn Hoài Giang. |
Bản án cho rằng, việc thu giữ bảo quản vật chứng, việc không lập biên bản, không niêm phong điện thoại, không khai thác thông tin điện thoại ngay sau khi thu giữ của Trần Quang Anh, không đưa vật chứng là 6 thùng cát tông và 1 thùng xốp vào hồ sơ vụ án, giao số động vật cho cơ quan chức năng trước khi có quyết định xử lí vật chứng là có vi phạm quy định của pháp luật về thu thập bảo quản vật chứng.
Riêng việc phát sinh một số cuộc gọi từ số điện thoại của Trần Quang Anh sau thời điểm đã bị thu giữ, tại phiên tòa, ông Nguyễn Đình Việt khai là do điều tra viên (ĐTV) yêu cầu Trần Quang Anh gọi để tìm cách liên lạc với Nguyễn Hoài Giang đến công an huyện Diễn Châu để làm việc nhưng không được. Việc làm này của ĐTV cũng là vi phạm về thu thập bảo quản vật chứng. Tuy nhiên, đây không phải là những vi phạm nghiêm trọng, không làm thay đổi bản chất vụ án cũng như việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Cơ quan điều tra Công an huyện Diễn Châu và ĐTV vẫn nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về nội dung vụ án và các căn cứ chứng minh tội phạm, bản án cho rằng: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hoài Giang hoàn toàn không thừa nhận lời khai của Trần Quang Anh về việc Giang gọi điện thoại thuê Quang Anh chở chồn cát ra Quỳnh Lưu làm quà biếu, cũng như nội dung trao đổi giữa hai người khi đi trên xe như lời khai của Quang Anh. Bị cáo cũng không thừa nhận số động vật trên là của mình mà là của Tuấn và Quốc. Bị cáo chỉ thừa nhận việc cho Tuấn và Quốc gửi nhờ tại nhà mình.
Theo bản án, các luật sư bào chữa cho rằng việc bị cáo cho gửi nhờ số động vật trên trong một thời gian ngắn, đồng thời viện dẫn từ điển Việt - Việt về nghĩa của từ “tàng trữ” là cất giữ cẩn thận, những thứ có giá trị để lập luận hành vi của bị cáo không phải là hành vi tàng trữ là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, xét về phương diện pháp lí thì “tàng trữ” là việc cất giấu, cất giữ bất hợp pháp những thứ mà pháp luật không cho phép, ở bất cứ nơi nào và thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng tới việc xác định có hành vi vi phạm pháp luật hay không.
Mặt khác, cũng tại từ điển Việt - Việt còn có định nghĩa của từ “tàng trữ” là cất giấu những thứ bị cấm. Bị cáo và các luật sư bào chữa cho rằng bị cáo chỉ nghĩ đó là sóc cảnh, không kiểm tra nên không biết và không buộc phải biết đó là động vật quý hiếm nên không cấu thành tội phạm, vì không xác định được bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý hay vô ý là không thỏa đáng. Bởi lẽ, sau khi Tuấn và Quốc bốc hàng xuống sân nhà mình bị cáo đã hỏi đó là gì và biết được là động vật thì trách nhiệm của bị cáo là phải kiểm tra xem đó là động vật gì, có phải là động vật nguy cấp quý hiếm hay không, có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Nhưng bị cáo đã không kiểm tra mà đồng ý cho gửi lại tại nhà mình từ khoảng 18 giờ 30 phút đến khoảng 19 giờ 30 phút ngày 20/11/2019. Mặt khác, mô tả cấu thành cơ bản tại Điều 244 Bộ luật Hình sự không quy định bắt buộc người thực hiện hành vi phải biết đó là động vật nguy cấp, quý hiếm thì mới cấu thành tội này.
Về ý thức chủ quan, rõ ràng bị cáo cho Tuấn và Quốc gửi động vật là do bị cáo tự quyết định bằng ý chí của mình, không chịu sự tác động của bất cứ ai nên hành vi của bị cáo là hành vi cố ý.
Về các ý kiến khác của luật sư bào chữa, như sự mâu thuẫn trong lời khai của Trần Quang Anh về mặt thời gian, về việc ai là người bốc hàng lên xe, về những trao đổi giữa Trần Quang Anh và Nguyễn Hoài Giang khi đi trên xe, về việc không có Giang liên lạc qua điện thoại để thuê Quang Anh chở động vật nên không sử dụng làm chứng cứ duy nhất để buộc tội Giang, qua xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy có những sự mâu thuẫn như trên và cũng không có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo là người gọi điện thoại thuê Quang Anh chở động vật.
Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là những vấn đề có tính chất quyết định đến nội dung trọng tâm của vụ án, không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Bởi lẽ, trong vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng không quy kết, không xem xét trách nhiệm của bị cáo với tư cách là chủ hàng, cũng không xem xét bị cáo về các hành vi buôn bán, vận chuyển hay săn bắt, nuôi nhốt động vật nguy cấp quý hiếm, mà chỉ xem xét hành vi tằng trữ của bị cáo.
Mẹ của bị cáo Nguyễn Hoài Giang ngã quỵ kêu oan cho con mình sau khi phiên tòa ngày 15/1 kết thúc. |
Mặt khác, lời khai của Trần Quang Anh cũng không phải là chứng cứ duy nhất để xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Hoài Giang mà còn có cả lời khai của chính bị cáo. Các lời khai của bị cáo và Trần Quang Anh phù hợp với nhau về nơi cất giấu động vật, về việc động vật được bốc lên xe của Trần Quang Anh từ góc sân nhà bị cáo, về việc bị cáo cùng đi trên xe của Trần Quang Anh, về việc bị CSGT dừng xe để kiểm tra tại địa bàn xã Diễn Thịnh…
Như vậy, từ những sự phân tích ở trên, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Hoài Giang đã thực hiện hành vi tàng trữ trái phép động vật nguy cấp quý hiếm tại nhà mình.
Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 244, điểm s khoản 1, 2 Điều 51 BLHS tuyên phạt Nguyễn Hoài Giang 11 năm tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm…
Luật sư khẳng định án oan
Nghiên cứu hồ sơ và tham gia toàn bộ quá trình xét xử vụ án, các luật sư Nguyễn Văn Sáng, luật sư Thái Văn Chung (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), luật sư Nguyễn Thị Trâm (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho rằng, vụ án này ngoài việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và bỏ lọt tội phạm (báo đã đăng vào các kỳ trước) thì căn cứ để Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Diễn Châu truy tố và buộc tội đối với bị cáo Nguyễn Hoài Giang là dựa vào lời khai bất nhất của bị cáo Trần Quang Anh (bị cáo bị buộc tội vận chuyển động vật nguy cấp, quý, hiếm đã chết trong thời gian bị tạm giam, trước thời điểm xét xử sơ thẩm mà không rõ nguyên nhân)
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. |
Các luật sư đã đưa ra chứng cứ chứng minh Cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Nguyễn Hoài Giang trái pháp luật, tạo dựng “Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú”, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Do vậy, đơn xin đầu thú của Nguyễn Hoài Giang, các lời khai của Giang trong quá trình điều tra và các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện và VKSND huyện Diễn Châu là không đúng quy định của pháp luật nên không có giá trị pháp lý để buộc tội đối với Nguyễn Hoài Giang. Đồng thời, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài Giang không phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và trả tự do cho Nguyễn Hoài Giang ngay tại tòa.
Các luật sư cho rằng, Cơ quan điều tra và VKSND huyện Diễn Châu không có thêm bất cứ tài liệu, chứng cứ vật chất nào khác để chứng minh bị cáo Nguyễn Hoài Giang có hành vi phạm tội tàng trữ động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng TAND huyện Diễn Châu không tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung mà vẫn tuyên mức án 11 năm tù đối với bị cáo Giang là không thuyết phục, không khách quan và oan cho bị cáo Giang.
Thực tế, trong phần tranh luận với các luật sư tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Diễn Châu không đưa ra được tài liệu nào để chứng minh bị cáo Nguyễn Hoài Giang đã tham gia vào quá trình bốc, xếp, cất, giấu các thùng hàng do Tuấn, Quốc xin gửi nhờ trong thời hạn 5 đến 10 phút tại sân nhà (tức Giang không tàng trữ số hàng hoá này). Mặt khác, VKSND huyện Diễn Châu cũng không chứng minh được Giang biết các thùng hàng đó là động vật nguy cấp quý hiếm nhưng công tố viên vẫn áp đặt buộc bị cáo Giang phải biết các thùng hàng mà Tuấn, Quốc xin gửi tại góc sân nhà mình là hàng cấm; Qua đó, bắt Giang phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đồng ý cho bạn gửi nhờ 06 thùng hàng và 01 thùng xốp mà Giang nghe Tuấn, Quốc nói trong thùng có chứa mấy con “sóc cảnh”, Viện Kiểm sát cho rằng không cần quan tâm đến yếu tố thời gian gửi hàng dài hay ngắn và bị cáo có liên hệ để thuê xe của Trần Quang Anh vận chuyển hay không như nội dung cáo trạng truy tố đọc trước toà. Các luật sư nhấn mạnh, điều này khẳng định, VKSND giữ vai trò công tố buộc tội tại phiên toà nhưng đã tự mâu thuẫn về nội dung trình bày, đồng thời không dựa vào chứng cứ vật chất khách quan mà áp đặt ý chí chủ quan để truy tố và buộc tội một cách vô lý, oan cho bị cáo Giang.
Các kiến nghị và đơn tố cáo của các luật sư. |
Các luật sư cũng đưa ra giả định, trong vụ án này, nếu có bắt được và truy tố cả chủ hàng là Tuấn, Quốc, đồng thời Cơ quan điều tra, VKSND thu thập được thêm các tài liệu, chứng cứ vật chất khác bảo đảm tính chính xác, khách quan đủ căn cứ để buộc tội Nguyễn Hoài Giang thì HĐXX cũng cần phải vận dụng quy định tại Điều 52, Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 để xác định, phân hoá vai trò, tính chất, mức độ tham gia của từng bị cáo, kể cả bị cáo Nguyễn Hoài Giang, từ đó áp dụng chuyển khung hình phạt, có thể từ Khoản 3 xuống Khoản 2 hoặc Khoản 1 của Điều 244 Bộ luật Hình sự để tuyên một bản án cho thấu tình, đạt lý, vừa bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa đồng thời vừa thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật đối với người phạm tội, chứ không thể bỏ qua chính sách tốt đẹp này của Đảng và Nhà nước để tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Hoài Giang.
Liên quan vụ án, ngay sau khi bị tuyên 11 năm tù, bị cáo Nguyễn Hoài Giang đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Nghệ An để kêu oan.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Bạt Phong - Tùng Anh
Nguồn tin: Pháp luật Plus