Nhóm chat của người nhà bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán đột ngột bị xóa
- 08:13 30-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng chục người là người thân của bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Vũ Hán đã lập nhóm ở trên mạng để đòi hỏi trách nhiệm từ giới chức thành phố Vũ Hán, những người họ cáo buộc đã xử lý thất bại khi virus mới lây lan hơn một năm trước.
Dù vậy, họ nói với hãng tin AFP rằng nhóm đã bị chặn, và chính quyền đang gây sức ép lên họ.
Trung Quốc đa phần đã kiểm soát được dịch Covid-19. Trong ảnh, đám đông tràn ngập đường phố Vũ Hán đón mừng 2021. Ảnh: Getty Images. |
Trùng hợp về thời gian
Sức ép đó đã tăng lên trong những ngày gần đây, có thể nhằm tránh các ý kiến chỉ trích hay những thông tin bê bối trong khi đang diễn ra cuộc điều tra của WHO, vốn tương đối nhạy cảm với chính quyền Trung Quốc, theo AFP.
Một nhóm trên WeChat từ hơn một năm nay, gồm 80-100 người nhà của bệnh nhân tử vong vì virus, bị xóa đột ngột 10 ngày trước mà không có giải thích nào, theo Zhang Hai, một người trong nhóm.
“Điều đó cho thấy họ lo lắng. Họ sợ các gia đình sẽ liên lạc với chuyên gia WHO”, ông Zhang, 51 tuổi, có cha tử vong vào những ngày đầu của dịch, nói với AFP.
Do vậy, ông Zhang cho biết không liên lạc được với các thành viên khác. Việc nhóm chat bị xóa cũng được một số người thân khác xác nhận với AFP.
Nhóm chuyên gia WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 và kết thúc 14 ngày cách ly vào hôm 28/1 vừa qua.
Nhóm người thân cáo buộc chính quyền thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã che giấu dịch bệnh khi bắt đầu có sự lây lan vào tháng 12/2019, và không cảnh báo với công chúng.
Theo số liệu chính thức, dịch bệnh làm tử vong 3.900 người ở Vũ Hán, và tổng cộng 4.636 trên toàn Trung Quốc. Nhưng nhiều người thân không tin con số trên. Họ cho rằng vì thiếu thiết bị xét nghiệm trong những ngày đầu hỗn loạn, nhiều ca tử vong nhưng không được xác nhận là mắc Covid-19.
Trên toàn cầu, hơn hai triệu người đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Trung Quốc đa phần đã kiểm soát được đại dịch trên lãnh thổ của mình, nhưng bị chỉ trích đã ngăn cản các nỗ lực độc lập nhằm điều tra, tìm hiểu nguồn gốc ban đầu của dịch.
Bắc Kinh thường nói virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, và một số nhà khoa học nước này nói virus có thể vào Trung Quốc thông qua hàng đông lạnh nhập khẩu.
Thời gian đầu dịch bệnh, dư luận Trung Quốc bất bình về vụ việc bác sĩ Lý Văn Lượng, người gióng hồi chuông báo động đầu tiên về dịch virus corona tại bệnh viện của mình ở Vũ Hán, nhưng lại bị cảnh sát điều tra vì “phát tán tin đồn”, yêu cầu nhận lỗi.
Cảnh báo của bác sĩ Lý sau đó trở thành sự thật khi dịch bùng phát, và anh được minh oan. Cảnh sát phải xin lỗi, còn Tòa án Tối cao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích cảnh sát. Lý tử vong ngày 6/2 vì chính virus này, khi đang cứu chữa cho bệnh nhân. Khi ấy, anh trở thành người hùng trong mắt cộng đồng mạng Trung Quốc.
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ đứng gác bên xe bus để đón đoàn chuyên gia của WHO đến Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chuyến điều tra được dự đoán khó khăn
Thách thức đối với nhóm 14 chuyên gia không chỉ là khoa học. Chuyến nghiên cứu của họ phải mất 6 tháng sắp xếp, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh “lời qua tiếng lại” một cách gay gắt về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
WHO luôn khẳng định chuyến điều tra không phải nhằm đổ lỗi cho ai, mọi giả thuyết đều được tính đến, và vẫn còn quá sớm để kết luận chính xác virus đến từ đâu, bên trong hay bên ngoài Trung Quốc.
Cuộc điều tra đang nhận được nhiều chú ý bắt đầu từ ngày 28/1, dưới sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, theo AFP.
Một người thân khác giấu tên, có con gái tử vong vì virus hồi tháng 1, nói với AFP rằng bà bị giới chức triệu tập vào tuần trước, và cảnh báo “không trao đổi với truyền thông hay để bị người khác lợi dụng”.
Giới chức lại gõ cửa nhà bà ngày 26/1, và đưa bà số tiền tương đương 775 USD như “tiền chia buồn”, bà cho biết.
Một số người thân ở Vũ Hán đã cố nộp đơn kiện, đòi bồi thường và đòi các quan chức phải chịu hình phạt, nhưng các tòa án đã từ chối nhận đơn kiện của họ.
Chính quyền Vũ Hán không phản hồi yêu cầu bình luận của AFP.
Ông Zhang, một người thân trong nhóm, kêu gọi các chuyên gia WHO hãy “dũng cảm” gặp gỡ những người thân, và lo ngại rằng nhóm điều tra có thể sẽ bị cản trở hoặc bị giới chức cung cấp thông tin sai lệch.
Ông nói những thông tin mà các gia đình phải vất vả mới có được có thể giúp ích cho cuộc điều tra. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc gặp được nhóm WHO là khó xảy ra.
Giới khoa học tin rằng virus có thể đến từ động vật, có thể là dơi, trước khi “nhảy” sang người, có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp (thông qua vật chủ trung gian). Cho đến nay, “họ hàng” gần nhất của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong một con dơi ở tây nam Trung Quốc, theo South China Morning Post. Nhưng đây vẫn là giả thuyết.
Tác giả: Trọng Thuấn
Nguồn tin: zingnews.vn