Gian dối cách ly, lợn nhập khẩu chạy thẳng về… lò mổ: Cục Thú y thụ động, không nắm rõ sự việc
- 10:48 28-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Có xử lý những người tiếp tay cho vi phạm?
Sáng 27.1, ngay sau khi Báo Lao Động có bài viết thông tin về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xử lý nghiêm nếu có vi phạm, Bộ NNPTNT đã họp khẩn với Cục Thú y yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo điều tra của Báo Lao Động, trong những ngày qua, các cán bộ thú y thuộc Chi cục Thú y vùng 2 và Chi cục Thú y vùng 3 đã có nhiều sai phạm trong nghiệp vụ, thậm chí có dấu hiện bao che, "tiếp tay" để các đầu nậu chở lợn từ biên giới vào thẳng lò mổ, thay vì phải vào các khu trại cách ly 5 ngày theo quy định. Cụ thể, về trách nhiệm của thú y vùng II, theo điều tra của phóng viên, 2 xe chở lợn nhập khẩu xuất phát tại Quảng Trị được niêm phong, kẹp chì và Thú y vùng III tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã báo với cán bộ Thú y vùng II. Theo quy định, cán bộ Thú y vùng II sẽ giám sát 2 xe này khi đến khu cách ly ở Thái Nguyên. Tiến hành phá kẹp chì, lấy mẫu kiểm tra. Nhưng khi xe đến Nghệ An thì cả 2 xe được cấp phép đi giết mổ mà không về khu cách ly tại Thái Nguyên. Thực tế xe trở lợn không về khu cách ly theo quy định, nhưng cán bộ Thú y vùng II không hề có ý kiến gì!?
Xe chở lợn nhập khẩu về khu cách ly Quảng Bình cũng tương tự. Xe không vào khu cách ly nhưng cán bộ Thú y vùng III đã cấp giấy hoàn thành cách ly, có giấy này, Thú y Quảng Bình mới cấp khống giấy cho đi giết mổ số lợn nhập khẩu chưa qua cách ly.
Rõ ràng ở đây có sự bao che, buông lỏng trách nhiệm rất trắng trợn. Bằng cách này, rất nhiều lợn nhập khẩu từ nước ngoài về được chở thẳng vào lò mổ mà bỏ qua khâu cách ly, gây nguy hiểm cho đàn vật nuôi trong nước, trong khi dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến hết sức phức tạp. Vậy trách nhiệm của cán bộ Thú y vùng II và vùng III như thế nào, và sẽ phải xử lý ra sao?
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PV Lao Động, Bộ NNPTNT dường như hướng sự tập trung về các sai phạm của doanh nghiệp nhập khẩu lợn. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nêu ý kiến: "Đối với các trường hợp vi phạm một lần thì phạt hành chính. Đồng thời, yêu cầu phải có khu cách ly tại các tỉnh có cửa khẩu nhập khẩu để lực lượng thú y kiểm soát, phối hợp với Chi cục thú y tỉnh chặt chẽ hơn, không dàn trải lực lượng vừa không hiệu quả vừa tốn nhân lực. Đối với những trường hợp vi phạm 2 lần, thì ngừng kiểm dịch theo đúng quy định cho đến khi đơn vị, cá nhân đó giải trình và chấp hành tất cả các quy định thì mới xem xét tiếp tục cho kiểm dịch hay không" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Khi PV nhấn mạnh câu hỏi sẽ xử lý trách nhiệm của cán bộ Thú y vùng 2 và 3 ra sao, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ nói chung chung: Nếu có sai phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cũng có ý kiến chung chung là "sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm” nhưng không khẳng định có loại bỏ khỏi ngành những đối tượng vi phạm - những "con sâu" có dấu hiệu lợi dụng chức năng nhiệm vụ để tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Chậm trễ, thụ động
Sau loạt bài điều tra của PV Báo Lao Động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT nghiên cứu, xử lý thông tin báo nêu việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Khi Báo Lao Động đã có bài về tình trạng nhập khẩu lợn chở thẳng vào lò mổ, “trốn” kiểm dịch, sau đó 1 tuần (đến sáng 27.1, sau khi Báo Lao Động đăng tải ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc), Bộ NNPTNT mới họp khẩn và giao Cục Thú y rà soát, kiểm tra, xử lý. Ngày 27.1, để có được ý kiến từ cục này, PV của Báo Lao Động gần như phải “tường thuật” lại để Cục Thú y nắm rõ về những sai phạm của cán bộ Chi cục Thú y vùng 2 và vùng 3. Không lẽ Cục Thú y chưa hề có động thái kiểm tra, xử lý, cho đến khi Thủ tướng có chỉ đạo phải kiểm tra, xử lý thì Cục này mới bắt đầu tìm hiểu sự việc!
PV gửi câu hỏi từ sáng 27.1, nhưng đến chiều muộn, đại diện phát ngôn của Cục Thú y vẫn lặp đi lặp lại câu trả lời: "Có thông tin sẽ cung cấp".
* Sau loạt bài điều tra của Báo Lao Động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT nghiên cứu, xử lý thông tin về buôn bán, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. * Cũng trong ngày 27.1, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An Đặng Văn Minh đã ký quyết định chấm dứt ủy quyền thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh đối với ông Đậu Đăng Định. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 27.1. Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với ông Văn Đức Chung (trú phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Nguyên nhân xử phạt do ông Chung đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Cụ thể, đăng ký kiểm dịch không trung thực về nguồn gốc xuất xứ của động vật (2 lô hàng 281 con lợn), sản phẩm động vật, mục đích sử dụng, phương tiện vận chuyển, địa chỉ nơi đến được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 13, Nghị định 90 năm 2017 của Chính phủ. * Ngày 27.1 trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã nắm các thông tin mà Báo Lao Động phản ánh. Hiện UBND tỉnh đã có công văn gửi Sở NNPTNT tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1.2.2021. “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là phải xử lý nghiêm các cá nhân liên quan nếu có sai phạm. Vì đây là vấn đề liên quan đến dân sinh, nguy cơ dẫn đến dịch bệnh và ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng khẳng định. NHÓM PHÓNG VIÊN |
Nguồn tin: Báo Lao Động