Trung Quốc điều máy bay sát Đài Loan để thử ông Biden
- 10:37 26-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong 28 chiếc máy bay Trung Quốc bay sát Đài Loan cuối tuần qua có chiến đấu cơ J-16 như hình ảnh này Ảnh: China Military |
Cơ quan phòng vệ Đài Loan nói rằng, 13 máy bay Trung Quốc đã bay vào khu vực tây nam của vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này hôm 23/1 và thêm 15 chiếc hôm 24/1, buộc Đài Bắc phải áp dụng biện pháp phòng vệ, bao gồm cử máy bay chiến đấu ra giám sát.
Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, máy bay quân sự Trung Quốc năm ngoái bay hơn 380 chuyến vào ADIZ của hòn đảo này. Cục Hàng không liên bang Mỹ định nghĩa ADIZ là một khu vực xác định không phận phía trên đất liền hoặc vùng nước mà trong đó một nước (hoặc vùng lãnh thổ) yêu cầu ngay lập tức và tích cực xác định, định vị và kiểm soát không lưu của máy bay mà nước (hoặc vùng lãnh thổ) đó quan tâm về mặt an ninh quốc gia.
Trong khi tần suất của các cuộc tập trận như vậy gia tăng trong những năm gần đây, thời điểm và thành phần của các phi đội Trung Quốc lần này, chủ yếu là máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, dường như được thiết kế để gửi một thông điệp tới chính quyền mới ở Washington, CNN nhận định. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan độc lập và ông từ chối loại bỏ việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 24/1 (giờ Mỹ), chính quyền Biden thúc giục Bắc Kinh chấm dứt nỗ lực dọa nạt Đài Loan. “Chúng tôi thúc giục Bắc Kinh dừng gây sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó, đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu một cách dân chủ của Đài Loan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố. Quan hệ Mỹ-Đài Loan đang trở nên sâu sắc hơn, và Washington vẫn cam kết sát cánh với Đài Loan, ông Price nói.
Mỹ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với sự phòng vệ của Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump, phê chuẩn việc bán vũ khí, khí tài hiện đại cho Đài Bắc, bao gồm máy bay chiến đấu F-16, trong khi gửi các phái viên cấp cao tới hòn đảo này. Đại diện của Đài Loan tại Mỹ, bà Hsiao Bi-khim, dự lễ nhậm chức của ông Biden tuần trước. Đây là lần đầu tiên một lời mời chính thức như vậy được gửi tới đại diện của chính quyền Đài Loan kể từ năm 1979, khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Trong khi đó, Bắc Kinh công bố lệnh trừng phạt đối với Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Mike Pompeo và 27 quan chức cấp cao khác dưới thời ông Trump, cáo buộc họ “thiên kiến và thù hận Trung Quốc”, Xinhua đưa tin ngày 21/1.
Tàu sân bay Mỹ ở Biển Ðông
Ngoài ủng hộ Đài Loan, Washington sẽ sát cánh với bạn bè và đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khi Bắc Kinh gia tăng các hoạt động quân sự trong khu vực, ông Price nói. Cuối tuần qua, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ đi vào Biển Đông. Lần đầu tiên dưới thời Biden, một trong các tàu chiến 100.000 tấn cùng phi đội hơn 60 chiếc máy bay của Mỹ được triển khai tới Biển Đông.
Hải quân Mỹ tuyên bố, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và đội hộ tống gồm tàu khu trục và tuần dương hạm tên lửa dẫn hướng được triển khai theo kế hoạch để ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông mà hầu hết diện tích bị Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ. “Với 2/3 thương mại thế giới đi qua khu vực rất quan trọng này, việc chúng tôi duy trì hiện diện và tiếp tục thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ là rất cần thiết”, chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, tuyên bố.
Cuối năm 2020, Trung Quốc nói rằng, những hoạt động quân sự như của nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt làm gia tăng căng thẳng. Năm ngoái, Hải quân Mỹ cử hai tàu sân bay (hai tàu chiến lớn nhất thế giới) tới Biển Đông trong hai dịp tập trận kép. Sáu năm trước đó, Hải quân Mỹ không làm điều này. Washington cũng thường xuyên tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, lần gần đây nhất là vào tháng 12/2020.
Trung Quốc ngày 22/1 thông qua luật mới cho phép lực lượng hải cảnh của nước này nổ súng vào tàu nước ngoài trong một số trường hợp, China Daily đưa tin. Luật mới (có hiệu lực từ ngày 1/2) cũng cho phép hải cảnh phá hủy các cấu trúc mà nước ngoài xây dựng trên các đảo và đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. |
Tác giả: Thái An
Nguồn tin: Báo Tiền phong