Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Giáp Tết, kiếm 300 nghìn đồng/ngày từ đi cấy lúa thuê

Tờ mờ sáng trên các cánh đồng của huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), nhiều nhóm người đã có mặt bắt đầu một ngày mưu sinh mệt nhọc. Họ làm cái nghề cấy thuê để kiếm thêm thu nhập thời vụ.

 Trên các cánh đồng, dịch vụ cấy thuê không còn xã lạ nữa.

Những ngày này, thời tiết ở Nghệ đang ấm dần lên, người dân các địa phương tranh thủ để gieo cấy lúa Đông Xuân 2021 cho kịp thời vụ. Mỗi mùa vụ gieo cấy thường diễn trong vòng 10-15 ngày, vì vậy nhiều gia đình neo người để kịp mùa vụ phải thuê người cấy.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng tinh mơ, trên các cánh đồng, nhiều tốp người lập thành từng nhóm để đi cấy thuê. Mỗi ngày đi cấy như vậy cũng mang lại một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.

 Mỗi nhóm cấy thuê thường có 4- 6 người.

Dưới cánh đồng ở xóm 11, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) một nhóm 4 người phụ nữ đang chăm chỉ cấy lúa. Họ là những người ở xã khác được chủ ruộng lúa thuê cấy 5 sào ruộng.

"Tôi làm dịch vụ cấy thuê này đã 3 năm nay rồi, cứ đến mùa vụ là các nhà có ruộng đều gọi cho tôi để tìm người cấy. Sau đó tôi tự mình liên hệ các chị em khác trong xóm đi cấy chung. Mỗi ngày cấy thuê thế này cũng kiếm được 300.000 nghìn đồng để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống", chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

 

 Công tác vận chuyển mạ.

Nói về công việc này, chị Thái Thị Trung (42 tuổi, ở xã Quang Thành) bộc bạch: "Sau khi được liên hệ cho việc cấy thuê, chúng tôi thường lập thành một nhóm 4-5 người. Thường các chị em đã phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị cơm nước, việc nhà… rồi gọi cho nhau cùng đi. Đi cấy gần nhà thì không cần phải mang cơm đi ăn trưa, chỉ cần mang theo nước, găng tay cao su, ủng. Còn ở xa thì phải mang cơm đi ăn trưa giữa đồng để cấy cho ấm rồi về sớm".

"Hôm nay trời có nắng nên ấm hơn, mấy ngày trước lạnh rét chúng tôi phải mang theo chậu lửa đi để hơ tay khi bị cóng. Nếu hôm nào trời lạnh quá, chúng tôi không xuống ruộng cấy sớm mà đợi trời ấm mới xuống ruộng rồi cấy xuyên trưa luôn. Chúng tôi chỉ dành khoảng 30 phút để ăn trưa, nghỉ ngơi rồi cấy tiếp", chị Trung chia sẻ thêm.

 

 Đây là một công việc khá vất vả, mỗi ngày được trả công 250.000 -300.000 đồng/người.

Cũng cùng cảnh đi cấy thuê như chị Trung, mặc dù đã 52 tuổi nhưng bà Thái Thị Trọng ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành năm nào cũng lập một nhóm 4 người cùng trong xóm để đi cấy thuê.

"Gia đình nghèo, chồng tôi thì ốm đau thường xuyên vì vậy năm nào đến vụ cấy tôi lập một tổ 4 người để đi làm. Đi cấy cũng vất vả lắm chú ơi! Suốt ngày lội dưới ruộng bùn, còng lưng nên tối về đến nhà ăn cơm là lăn ra ngủ liền. Vì ở quê công việc thất thường, cả năm chỉ có mỗi mùa cấy để kiếm thêm thu nhập, ngày thường chồng đi bóc gỗ tràm, phụ hồ thuê nên phụ nữ chỉ có mùa cấy nên chúng tôi tranh thủ đỡ đần cho chồng", bà Trọng cho biết thêm.

 Mặc dù đã 52 tuổi nhưng cứ đến mùa vụ bà Trọng lại lập một nhóm đi cấy thuê để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Thủy (60 tuổi, ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) cho biết: "Nhà tôi làm 8 sào ruộng, cứ đến mùa là phải thuê người cấy. Nếu không có dịch vụ cấy thuê thì việc gieo cấy sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch".

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng NN&PT huyện Yên Thành cho biết, huyện Yên Thành đến là vựa lúa lớn của khu vực Bắc miền Trung, kinh tế Người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Mùa gieo cấy diễn ra khoảng 10-15 ngày nên người dân phải tranh thủ thời gian để đảm bảo tiến độ".

"Trên địa bàn, dịch vụ cấy thuê đã thành thường lệ, cứ đến mùa gieo cấy số lao động làm dịch vụ này cũng khá đông. Đây là một công việc khá vất vả nhưng đã tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều chị em nhằm kiếm thêm thu nhập", ông Hồng chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí