ĐH Đảng XIII: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
- 09:13 25-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã sẵn sàng cho ngày làm việc đầu tiên ĐH XIII của ĐảngẢnh: Như Ý |
Thảo luận, thông qua những văn kiện quan trọng
Theo Tiểu ban Tổ chức phục vụ ĐH XIII, đến nay, tất cả các công việc chuẩn bị tổ chức phục vụ đã được chuẩn bị một cách khoa học, kỹ lưỡng, chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức ĐH thành công. Các đại biểu tham dự ĐH và những người liên quan đều được xét nghiệm COVID-19 hai lần trước khi ĐH diễn ra. Tiểu ban Tổ chức phục vụ ĐH đã chỉ đạo diễn tập về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo nội dung, chương trình, ĐH sẽ thảo luận và thông qua các dự thảo Văn kiện với báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm; báo cáo tổng kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025; báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương khóa XII; bầu Ban chấp hành trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026).
Về những vấn đề được người dân quan tâm trong các dự thảo văn kiện trình ĐH XIII của Đảng, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, qua tổng hợp lấy ý kiến cho thấy, người dân rất quan tâm đến các dự thảo văn kiện, trọng tâm là báo cáo chính trị, trong đó vai trò của nhân dân được xem là chủ thể và có vị trí rất quan trọng, được đề cao trong mọi mặt, lĩnh vực, nhiệm vụ của báo cáo chính trị.
Người dân rất quan tâm đến việc phát huy dân chủ của nhân dân. “Rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ đóng góp cho thành tố nhân dân làm chủ trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với phương châm dân biết, dân bàn và lần này bổ sung thêm hai thành tố mới là dân giám sát và dân thụ hưởng. Người dân rất quan tâm, đồng tình và ủng hộ nên đóng góp rất nhiều ý kiến xác đáng”, ông Lộc cho hay.
Cũng theo ông Lộc, vấn đề thứ hai mà người dân luôn quan tâm, đó là thành tố khơi dậy ý chí khát vọng phát triển đất nước. Người dân đánh giá cao thành tố này và kiến nghị rất nhiều giải pháp, nhiều nội dung cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để làm sao có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vấn đề nữa cũng được người dân quan tâm sâu sắc hơn nữa là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó nội dung rất quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng.
Người dân quan tâm, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và mong muốn rằng sắp tới phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục vụ nhân dân. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê khai tài sản, thu nhập, việc giải trình những tài sản bất minh, không lý do và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. “Chúng ta làm tốt điều đó thì người dân đánh giá rất cao, củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn sắp tới”, ông Lộc nói.
Lựa chọn nhân sự có đức, có tài vào Trung ương
Một trong những nội dung quan trọng nữa là ĐH sẽ xem xét để bầu 200 người vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hoá cho cả tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. “Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân”, ông Bình cho biết.
Cho biết thêm về cơ cấu nhân sự, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, theo phương án nhân sự, Trung ương khóa XIII có 200 người, gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Số lượng nhân sự được chuẩn bị để trình ra ĐH có số dư từ 10 - 15%. ĐH có thể đề cử giới thiệu thêm nhưng số dự không quá 30%. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cân nhắc thận trọng, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao chọn một số nhân sự đặc biệt cả tái cử và giới thiệu lần đầu trình ĐH XIII xem xét, quyết định. “ĐH Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất nên việc có sửa Điều lệ Đảng hay không do ĐH xem xét”, ông Chính nhấn mạnh.
Về số lượng đại biểu dự ĐH, theo Ban Tổ chức Trung ương, có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với ĐH XII, đông nhất trong 13 kỳ ĐH Đảng toàn quốc. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đại biểu là giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; thạc sĩ chiếm tỷ lệ 54,69%; đại học chiếm tỷ lệ 32,77%. Đại biểu cao tuổi nhất là 77, đại biểu thấp tuổi nhất là 34.
Những nội dung quan trọng được ĐH thảo luận và thông qua + Báo cáo chính trị tại ĐH XIII của Đảng. |
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đề ra các mục tiêu + Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp |
Tác giả: VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền Phong