Bị trêu chọc, ghép đôi với bạn nam, nữ sinh 13 tuổi uống thuốc sâu tự vẫn
- 10:10 23-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khoa Cấp cứu chống độc bệnh viên Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé gái 13 tuổi tên T. Em được đưa tới viện trong tình trạng chóng mặt, nôn mửa liên tục.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi và kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, sau đó cho T. uống than hoạt, truyền dịch và sử dụng thuốc giải độc. Khi các chức năng sống đã ổn định, T. được chuyển sang khoa Sức khỏe vị thành niên.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, T. lúc nào cũng ở trong trạng thái mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu. Em không nói chuyện với ai, chỉ năm thu mình một góc, cảm giác tự ti. T. được đánh giá có những sang chấn về tinh thần. May mắn, sau một tuần tiếp nhận trị liệu, tinh thần T. đã chuyển biến tích cực. Em ăn ngủ tốt và đã được cho ra viện.
Được biết, T. là nạn nhân của bạo lực học đường. Khoảng 1 năm trước, cô giáo xếp cho T. ngồi vào giữa hai bạn nam. Từ đó, nữ sinh 13 tuổi thường xuyên bị hai người bạn này trêu chọc, giật và ném sách vở, thậm chí dùng sách đập vào đầu.
Đáng chú ý, các bạn cùng lớp không những không can ngăn và bảo vệ T. mà còn hùa vào ghép đôi T. với một trong hai bạn nam ngồi cùng khiến T. vô cùng xấu hổ và lo sợ, không thể tập trung vào việc học.
Nữ sinh 13 tuổi quyết định uống thuốc sâu tự tử sau thời gian dài bị bạn bé trêu chọc, ghép đôi. Ảnh minh họa |
Tình hình học tập của T. ngày càng đi xuống. Đặc biệt, mỗi lần T. không làm được bài hay bị điểm kém, các học sinh khác trong lớp lại có hành động trêu chọc. Việc này khiến T. càng thêm chán nản và không muốn tiếp tục đi học.
T. dần dần không muốn nói chuyện với ai, ngay cả khi đó là cha mẹ hay anh chị em của mình. Mọi chuyện vượt quá sức chịu đựng, T. muốn giải thoát khỏi cuộc sống nên đã mua hai gói thuốc trừ sâu, đợi tới nửa đêm rồi uống. Rất may, gia đình đã phát hiện kịp thời và đưa em đi cấp cứu.
Dù vậy, các bác sĩ vẫn lo ngại về việc T. sẽ phải chịu sự ảnh hưởng tâm lý lâu dài, nhất là khi đi học trở lại. Nếu tình trạng bạo lực học đường như thời gian trước không được xử lý, hậu quả đáng tiếc hơn có thể sẽ xảy đến.
Nhân trường hợp của T. các bác sĩ bệnh viện Nhi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần dành thời gian để quan tâm và chia sẻ với con để nắm rõ về các vấn đề xung quanh trường lớp. Việc được trang bị các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề như bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, nhà trường và giáo viên cũng cần xây dựng một môi trường học tập tích cực và thân thiện, không phân biệt đối xử. Giáo viên cũng nên chú ý và lắng nghe học sinh để sớm nhận biết các dấu hiệu bạo lực học đường, sớm đưa ra các biện pháp xử lý.
Tác giả: Đinh Kim (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com