Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện phá án của lính hình sự xứ Nghệ

Từ ngày còn làm lính Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Hà Nội, tôi đã có mối thiện cảm với anh em CSHS Công an tỉnh Nghệ An khi phối hợp với họ trong các chuyên án của “số 7 Thiền Quang”.

Trong ấn tượng của tôi, đó là những người lính luôn làm việc với lửa nhiệt huyết và cơ mưu quyền biến. Bởi thế mà Công an Nghệ An không chỉ nức tiếng với thành tích phá án ma túy, mà mảng đấu tranh với tội phạm hình sự của họ cũng thuộc hàng “top” tại Việt Nam. Thành tích của Phòng CSHS liên tục được nối dài qua các năm, giúp đơn vị trở thành một trong những “thương hiệu” mạnh trong nghề hình sự...

1. Lần nào gặp Đại tá Phạm Hoài Nam (Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An) tôi cũng háo hức đợi chuyện. “Hóng”, bởi chuyện làm án của ông không chỉ ly kỳ, hấp dẫn, mà còn chứa đựng những tổng kết kinh nghiệm nghề nghiệp sâu sắc. Từng có may mắn trải nghiệm gần 20 năm trong “bộ môn” điều tra hình sự rất đỗi cực nhọc, nên chúng tôi hiểu rất sâu những khó khăn, phức tạp khách quan từ “đầu bài” mà ông cùng anh em đã gặp phải, nên rất “sốt ruột” xem cách xử lý ra sao. Với chất giọng Nghệ lôi cuốn, Đại tá Nam vào chuyện lúc nào chẳng hay, theo cách lính trận thường nói với nhau về những trận đánh đã qua, chứ không phải là trả lời báo chí.

 Đại tá Phạm Hoài Nam.

“Dự” là sẽ có rất nhiều chuyện hay nhưng vì lý do bảo mật thông tin phục vụ công tác điều tra nên những “thứ” đang làm chưa thể kể được, Đại tá Nam bèn “đền” cho tôi bằng cách giao cho chỉ huy một số đội nghiệp vụ chủ công trong đơn vị chia sẻ những câu chuyện ly kỳ bên lề các trận đánh trong năm 2020 vừa qua.

2. Người đầu tiên tôi “đòi” gặp là Trung tá Hà Huy Đức (Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao và tội phạm có yếu tố nước ngoài), vì nghe danh đã lâu qua những trận đánh hay. Trước khi vào chuyện, tưởng cũng nên nói một chút về đội nghiệp vụ này. Mặc dù đội mới qua vài năm hoạt động nhưng đã được chính lính hình sự hay an ninh mạng mà tôi quen ở các tỉnh khác “gật gù” rồi xếp loại “chiếu trên”. Từ hồi “trình làng” đến nay, đã có nhiều vụ án cờ bạc, lừa đảo giả danh, hack tài khoản, tín dụng đen trên mạng... mà việc điều tra “khó hơn lên giời”, đã được “phăng” ra bởi những anh chàng còn rất trẻ ở đội nghiệp vụ này. “Làm” được những vụ khó là sự thuyết phục cao nhất, vì nó nói lên tính thiện chiến cùng tâm huyết của người làm nghề.

Trung tá Đức kể: “Qua nắm tình hình, trinh sát của đội phát hiện một đường dây đánh bạc bằng hình thức trò chơi trực tuyến, với số lượng tiền thắng thua lớn. Về thủ đoạn và quy mô của tội phạm có nét tương đồng với đường dây Rik Vip/Tip.Club mà Công an tỉnh Phú Thọ đã khám phá vài năm trước. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, chúng tôi “lần ra” đối tượng Phan Trọng Hiếu (SN 1999, quê quán tại xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An, hiện tạm trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Tội phạm trên mạng Internet có tính chất không biên giới nên thẩm quyền điều tra thuộc về đơn vị phát hiện. Do đó, đội đã triển khai các bước trong công tác nghiệp vụ cơ bản, sau đó báo cáo lãnh đạo phòng và Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh triệt xóa”.

 Trung tá Hà Huy Đức (thứ 2, từ trái sang) tại lễ trao thưởng thành tích phá án.

Theo anh, cái khó nhất trong điều tra tội phạm công nghệ cao, cũng như ở cuộc điều tra đường dây cờ bạc này, đó là tính ẩn danh rất cao. Những người liên quan luôn dùng ký danh (nickname) khi tham gia đánh bạc, nên việc gắn giữa một cái tên “ảo” trên mạng vào một con người thực “đi lại trên mặt đất” không bao giờ là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, những người liên quan ở rất nhiều địa phương trong cả nước, nên chỉ mỗi việc thu thập thông tin, xác định nhân thân, lý lịch của họ... cũng đã như “mò kim đáy biển”. Hành vi phạm tội liên quan đến công nghệ cao rất khó phát hiện vì không có nhân chứng, những người liên quan liên lạc với nhau trên mạng nên họ hầu như không biết nhau. Loại tội phạm này để lại rất ít dấu vết, chứng cứ, mà lại là dữ liệu điện tử rất dễ bị xóa bỏ theo chủ ý. Đó là những khó khăn mà Trung tá Đức và đồng đội đã gặp phải trong gần 1 năm triển khai đấu tranh chuyên án. 

Đầu tháng 11-2020, tài liệu về hoạt động phạm tội của các đối tượng liên quan đã đặt lên bàn chỉ huy cao nhất. Ban chuyên án xác định thời cơ phá án đã đến. Ngày 19-11-2020, Phòng CSHS huy động 50 CBCS chia thành 7 tổ công tác, phối hợp các đơn vị liên quan như Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ, Công an huyện Hưng Nguyên, Công an huyện Nam Đàn... đồng loạt ra quân bắt giữ 17 đối tượng liên quan tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội và các địa phương TP. Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc... Trong đó những đối tượng chủ mưu hoặc tay chân đắc lực như Phan Trọng Hiếu, Hồ Ngọc Hưng, Hồ Xuân Nam, Ngô Thanh Dương, Nguyễn Bá Thành, Lê Thanh Vũ... đều sa lưới, không kịp tiêu hủy chứng cứ. Quá trình phá án đã thu giữ được nhiều vật chứng là công cụ phương tiện phạm tội và tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Kết quả đấu tranh xác định Phan Trọng Hiếu có vai trò tổ chức, cầm đầu đường dây “tổ chức đánh bạc và đánh bạc” thông qua trò chơi trực tuyến “nổ hũ”. Hiếu sử dụng tên nhân vật nổ hũ “hieunohu8386” để tổ chức cho các đối tượng trong cả nước tham gia đánh bạc, trong đó có nhiều người sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Căn cứ kết quả sao kê ngân hàng, tài khoản người tham gia chơi, xác định từ tháng 12-2019 đến ngày 19-11-2020, Hiếu đã tổ chức cho hàng nghìn người tham gia đánh bạc với số tiền giao dịch là 150 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

 Trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra máy tính đối tượng phạm tội.

Cũng trong những tháng cuối năm 2020, Phòng CSHS Nghệ An đã triệt xóa đường dây đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề trên địa bàn huyện Nghi Lộc với số lượng tiền thắng thua rất lớn.

Qua công tác điều tra cơ bản, trinh sát của đơn vị phát hiện thông tin về đường dây đánh bạc dưới hình thức lô đề do đối tượng Hồ Thế Kiếm (SN 1988, trú tại khối 6, thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cầm đầu. Kiếm là đối tượng hình sự cộm cán, cầm đầu băng nhóm với nhiều tên đàn em manh động. Ban đầu thông tin về ổ nhóm này được giao Công an huyện Nghi Lộc quản lý để lên kế hoạch đấu tranh. Tuy nhiên, vì Kiếm là đối tượng tù tha, có nhiều thủ đoạn lọc lõi để đối phó với cơ quan chức năng nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ về hoạt động của chúng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tháng 11-2020, Phòng CSHS đã báo cáo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, đề xuất xác lập chuyên án trinh sát để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh.

Sau một thời gian xác minh, các vấn đề về băng nhóm tội phạm này từng bước được làm rõ... “Nguyên tắc bắt tội phạm đánh bạc là phải bắt quả tang khi hành vi phạm tội đang diễn ra. Phải thu được vật chứng, tài sản sử dụng vào việc đánh bạc và bắt giữ tại trận các đối tượng liên quan, thì việc chứng minh tội phạm mới thuận lợi. Do đó, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo đội nghiệp vụ phụ trách đầu mối công việc này phải làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, quy mô, địa bàn, cách thức liên lạc, giao dịch, các đối tượng liên quan trong ổ nhóm, đường dây. Đồng thời phải tính toán rất kỹ về thời cơ, thời điểm tấn công, dự liệu các tình huống để lên phương án thật chi tiết trước khi quyết định phá án”, Đại tá Nam kể.

Giờ G được ấn định vào ngày 13-11-2020. Ban chuyên án quyết định thành lập 4 tổ công tác, đồng loạt khám xét chỗ ở của 4 đối tượng chủ chốt trong băng nhóm tại các địa điểm khác nhau, như Hồ Thế Kiếm, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thị Tâm, Hồ Thu Trang. Kết quả điều tra xác định, chỉ tính riêng trong ngày 13-11-2020 (ngày phá án), các đối tượng nêu trên đã sử dụng số tiền gần 1 tỷ đồng để giao dịch đánh bạc. Vụ án đang được đơn vị tiếp tục mở rộng điều tra.

 Các đối tượng truy nã bị Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ.

3. Không chỉ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm cờ bạc qua mạng, năm qua, Phòng CSHS Nghệ An còn triệt xóa các băng cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn TP. Vinh, TX. Cửa Lò và các huyện phụ cận.

Qua nắm tình hình địa bàn, trinh sát phát hiện thông tin về một số đối tượng thường điều khiển xe máy không gắn biển số, đi thành tốp từ 3 đến 6 tên, mai phục tại các cung đường vắng vẻ, lợi dụng thời gian đêm tối (từ 2-4h) để chặn đường, dùng hung khí đe dọa, tấn công để cướp tài sản của người dân, chủ yếu là những tiểu thương buôn bán hải sản, rau, quả đi nhập hàng sớm. Người nào chống đối hoặc không đưa tài sản, bị chúng dùng dao, kiếm đe dọa hoặc đánh gây thương tích... Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSHS, Công an TP. Vinh, TX. Cửa Lò, các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc phối hợp xác lập chuyên án trinh sát để tập trung lực lượng, khẩn trương đấu tranh, triệt xóa.

Quá trình đấu tranh chuyên án đã tiến hành sàng lọc gần 100 đối tượng, qua đó dựng lên 2 nhóm nghi vấn. Với tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, trong 2 ngày 19 và 20-8, ban chuyên án đã huy động hơn 60 CBCS thuộc Phòng CSHS, Công an TX. Cửa Lò và Công an các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, chia thành nhiều tổ công tác tiến hành phá án, tổ chức bắt 2 nhóm cướp gồm 13 đối tượng, do Cao Thái Sơn và Nguyễn Công Hoàng cầm đầu. Thu giữ nhiều công cụ, phương tiện gây án. Kết quả điều tra, các đối tượng đã khai nhận đã thực hiện 23 vụ cướp tài sản, 1 vụ cướp giật tài sản.

Những trận đánh liên tiếp vào các băng, ổ nhóm tội phạm đã giúp giữ yên tình hình trật tự trị an trên địa bàn tỉnh. Trong bình yên ấy có công sức đóng góp rất lớn của lực lượng trên tuyến đầu đấu tranh với tội phạm hình sự.

Tác giả: Đào Trung Hiếu

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân