Không khí lạnh hoạt động mạnh trong 10 ngày tới
- 08:01 12-01-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mưa tuyết xuất hiện tại Y Tý (Lào Cai) hôm qua, khi không khí lạnh kết hợp mưa nhỏ |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nước ta đang trong đợt rét nhất từ đầu mùa đông đến nay. Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta từ 7/1, gây rét hại, rét đậm khắp Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ 8/1 tới nay. Nhiều điểm đo nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu mùa đông như Mẫu Sơn (-3,2 độ), Sa Pa (-0,8 độ). Nhiều nơi khác xấp xỉ 0 độ như tại Pha Đin (Điện Biên), Phia Oắc (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang).
Rét hại đã gây băng giá diện rộng ở nhiều tỉnh thành như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Hôm qua, không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp dòng xiết trong đới gió Tây trên cao (3.000-5.000m) gây mưa ở Tây Bắc. Mưa và nhiệt độ giảm sâu khiến những cơn mưa tuyết diện rộng đầu tiên xảy ra trong mùa đông năm nay trên khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn như tại Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) và Ô Quy Hồ (giáp ranh Lai Châu - Lào Cai).
Rét đậm rét hại kéo dài
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, hôm nay, khối không khí lạnh vẫn duy trì cường độ mạnh. Do vậy, Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng từ 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ. Ông Hưởng cho biết, dù không khí lạnh còn mạnh nhưng dòng xiết gió Tây yếu dần nên mưa giảm ở Tây Bắc trong hôm nay. Vì vậy, khả năng mưa tuyết diện rộng ít xuất hiện trở lại, nhưng băng giá và sương muối vẫn duy trì. Từ 13/1, không khí lạnh bắt đầu suy yếu, Bắc bộ bước vào đợt rét khô với hình thái thời tiết điển hình là đêm và sáng trời rét buốt nhưng trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ chênh lệch ngày khá cao. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này không duy trì lâu.
Dự báo, khoảng 17/1, nước ta lại đón một đợt không khí lạnh rất mạnh gây rét đậm rét hại kéo dài ở miền Bắc và miền Trung. “Từ nay đến 20/1 là khoảng thời gian không khí lạnh hoạt động khá mạnh, trong đó đợt không khí lạnh từ 17/1 rất đáng lưu ý. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện như sương muối, băng giá và mưa tuyết tại các tỉnh vùng núi phía Bắc”, ông Hưởng nói. Cũng do tác động của không khí lạnh mạnh, Nam bộ và Nam Trung bộ trong nhiều ngày tới sẽ se lạnh về đêm và sáng sớm.
Dự báo, hiện tượng La Nina vẫn tiếp tục ảnh hưởng thời tiết nước ta đến tháng 3. Vì vậy, mùa đông lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo trong tháng 1 và tháng 2, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa-Thừa Thiên - Huế có nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ có thể thấp hơn từ 1-1,5 độ. Các đợt rét đậm, rét hại còn tiếp tục xảy ra từ nay đến tháng 2, có khả năng kéo dài từ 5-7 ngày, kéo dài nhiều ngày hơn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Triều cường dâng cao, Nam bộ nguy cơ ngập úng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vùng ven biển Nam bộ đang vào kỳ triều cao. Bên cạnh đó, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh khiến nước biển dâng từ 0,3-0,5m. Sự kết hợp của hai yếu tố trên làm cho mực nước tại ven biển Nam bộ tiếp tục tăng và đạt đỉnh từ ngày 12-15/1. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp ven biển như TPHCM, Cần Thơ, Vĩnh Long. Thời gian ngập nặng nhất từ 4-6h sáng và 17-19h chiều tối. Ngoài ra, vùng đê biển tại các tỉnh Nam bộ có nguy cơ sạt lở do nước biển dâng và sóng lớn.
Học sinh Nghệ An nghỉ học tránh rét Ngày 11/1, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết, sáng cùng ngày, các xã vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới Việt - Lào như Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống, Mường Ải, Keng Ðu, Huồi Tụ, Bắc Lý… nhiệt độ từ 1-6 độ, rét đậm, rét hại. Trước tình hình này, 41 trường học đã thông báo cho học sinh các cấp nghỉ học để tránh rét. Tương tự, tại huyện Tương Dương, 18/18 trường mầm non, 5/19 trường tiểu học ở các xã Yên Tĩnh, Yên Thắng, Lượng Minh, Lưu Kiền và Nhôn Mai cũng cho học sinh nghỉ học. Các trường còn lại vẫn cho học bình thường nhưng vào học muộn hơn. Cảnh Huệ |
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo Tiền phong