Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


5 sai lầm "chết người" khi ăn thịt lợn

Vốn là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm mỗi gia đình, tuy nhiên, không ít người đã hiểu sai và gặp họa "chết người" khi ăn thịt lợn.

Thịt lợn là món ăn thông dụng nhất trong mỗi gia đình, phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Thịt lợn cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Tuy nhiên, thịt lợn cũng có thể là con dao đoạt mạng nếu chúng ta hiểu sai về nó.

Ăn tiết canh lợn

 Ảnh minh họa 

Tiết lợn nếu được nấu chín thì hoàn toàn có thể ăn bình thường. Tuy nhiên nếu ăn tiết canh lợn sẽ rất nguy hiểm. Tiết canh bản chất là ăn máu sống cùng với các loại thịt, xương nên hoàn toàn không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có trong con vật. Trong quá trình cắt tiết, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao.

Tại Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau (xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa).

Ăn óc lợn

 Ảnh minh họa 

Óc lợn giàu niacin, phốt pho, vitamin B12, vitamin C. Tuy nhiên, nó lại chứa quá nhiều cholesterol. Cứ 100 gram óc lợn lại cung cấp 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Trong khi đó, lượng đạm trong óc lợn lại thấp hơn nhiều so với các phần thịt khác (chỉ 9gram đạm/100 gram óc lợn). Việc dư thừa nhiều cholesterol là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người.

Ăn gan lợn

 Ảnh minh họa 

Gan lợn là một bộ phận chứa nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin A, B, D, nicotilic, axit folic. Đặc biệt, hàm lượng vitamin A trong gan lợn cao hơn nhiều so với các loại thịt, cá, trứng sữa. Tuy nhiên, đây không phải là loại thực phẩm bổ dưỡng như nhiều người vẫn nghĩ.

Gan là cơ quan chuyển hóa, đào thải chất độc trong cơ thể con lợn. Do đó, nơi đây tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh, cùng một hàm lượng độc tố nhất định. Gan cũng có thể chứa sán, virus gây bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều gan động vật, không ăn gan chưa qua chế biến. Khi mua, quan sát màu sắc của gan phải đỏ tươi, bề mặt nhẵn, không có những nốt sần sùi, không có mùi lạ. Chế biến cần sơ chế kỹ, rửa qua bằng sữa tươi không đường và nấu chín tránh nhiễm ký sinh trùng hoặc gan bị nhiễm khuẩn.

Rã đông thịt lợn ở nhiệt độ phòng

 Ảnh minh họa 

Nhiều chị em khi muốn rã đông thịt sẽ lấy thịt từ ngăn đá và bỏ ra để ở nhiệt độ phòng. Một số người còn ngâm thịt vào nước nóng. Cách này sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng làm biến chất miếng thịt. Các thực phẩm đông lạnh như thịt cá ở nhiệt độ từ 40-60 độ C rất dễ bị ôi thiu.

Rã đông đúng cách, bạn hãy chuẩn bị 1 nồi hoặc âu lớn nước sạch. Tiếp đó cho thêm 1 thìa muối cùng chút giấm vào, khuấy đều cho tan hoàn toàn rồi cho miếng thịt vào (không nên thả thịt ngay từ đầu vì sẽ làm thịt bị nhạt). Chỉ trong vòng 15-20 phút bạn sẽ thấy thịt mềm dần, tan đá, tươi ngon như mới mua.

Các bạn có thể yên tâm rằng muối và giấm không làm thịt bị mặn hay chua mà còn giúp thịt tươi hơn, bớt mùi tanh. Trong giấm trắng có chứa axit axetic, giúp hạ thấp điểm đóng băng của nước và có vai trò thúc đẩy quá trình rã đông. Muối vừa làm chất xúc tác khiến thịt tan đá nhanh hơn vừa giúp khử bớt vi khuẩn.

Ăn thịt lợn nướng

 Ảnh minh họa 

Thịt nướng là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Thế nhưng, món ăn thơm ngon hấp dẫn này lại là một trong những tác nhân gây ung thư vú.

Khi nướng thịt, mỡ cháy trên vỉ sẽ có mùi thơm hấp dẫn, màu của miếng thịt vàng óng chỉ ngắm đã muốn ăn. Tuy nhiên, mùi thơm đó là các hợp chất cacbon vòng thơm có thể gây ung thư.

Vì vậy không nên ăn quá nhiều đồ nướng. Nếu thèm, tốt nhất 1 tháng không ăn quá 1-2 lần. Nên thay thế thịt nướng bằng lò vi sóng để giảm tác hại, không nên ăn quá nhiều thịt nướng bằng bếp than hoa.

Tác giả: Nguyên Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn