Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


5 món gỏi đặc sản ở Việt Nam

Không chỉ là món ăn quen thuộc của người Việt, gỏi còn trở thành đặc sản nổi tiếng ở nhiều địa phương. Mỗi nơi, các phiên bản gỏi có thành phần và cách chế biến riêng.

Là món ăn ít dầu mỡ, không dùng đến các loại phẩm màu, gỏi thường được nhiều người nội trợ lựa chọn trong những bữa tiệc. Mỗi vùng miền sẽ có món gỏi khác nhau, được làm từ các nguyên liệu đặc trưng, dễ tìm. Trong hành trình khám phá ẩm thực Việt, bạn không nên bỏ qua những đặc sản gỏi trứ danh dưới đây.

Gỏi cá trích

Cá trích là loài phổ biến, có thể thu hoạch quanh năm ở vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang). Gỏi là món ăn nổi tiếng được làm từ loài cá này. Không khó để du khách thưởng thức gỏi cá trích ở đây với giá rẻ.

Đặc sản này được chế biến khá đơn giản, gồm các nguyên liệu thịt cá trích, rau sống, bánh tráng, dừa khô... Món ăn dân dã nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi hương vị đậm đà, thơm ngon và bổ dưỡng. Để tăng hương vị, món ăn thường đi kèm nước chấm.

 Nước chấm phải được làm từ mắm Phú Quốc, ớt, tỏi và đậu phộng rang đâm nhuyễn. Ảnh: Popolulu.vietnam.

Gỏi cuốn

Cùng với phở, gỏi cuốn từng có mặt trong bảng xếp hạng 50 món ăn ngon nhất thế giới do độc giả của CNN bình chọn. Du khách quốc tế tới Việt Nam yêu thích đặc sản này bởi sự kết hợp hương vị hài hòa, không gây ngán giữa rau, thịt, tôm... Món ăn còn đáp ứng đủ dinh dưỡng, giảm nguy cơ béo phì.

Gỏi cuốn là món ăn vặt quen thuộc của người Việt. Dọc khắp tuyến phố Sài thành, từ vỉa hè tới các nhà hàng cao cấp, bạn dễ dàng bắt gặp hàng gỏi cuốn để thưởng thức. Các nguyên liệu làm gỏi đa dạng, có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau tùy vào sở thích của từng người. Khi thưởng thức, thực khách sẽ chấm gỏi vào bát nước mắm chua ngọt hoặc nước chấm đậu phộng.

 Gỏi cuốn truyền thống thường gồm thịt heo luộc, tôm luộc, bún tươi, dưa leo, rau thơm, cà rốt, đu đủ… Ảnh: Chef_thuy_pham.

Gỏi măng cụt

Măng cụt Lái Thiêu là trái cây đặc sản của Bình Dương, có vị ngọt ngào, chua dịu đặc trưng. Từ nguyên liệu này, người dân địa phương đã sáng tạo món gỏi hấp dẫn, trở thành thức quà đãi khách đến chơi nhà. Món ăn bao gồm các thành phần thịt ba chỉ, măng cụt, tôm, rau răm, lạc rang...

Nước trộn gỏi được chế biến từ nước quất, muối, gia vị, tỏi, ớt. Măng cụt được chọn phải là trái có vỏ xanh, ruột vừa chín để đảm bảo độ giòn, ngọt và chua vừa phải. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh, béo ngậy, cay nồng lạ miệng.

 Gỏi măng cụt ăn kèm bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm chấm nước mắm chua ngọt. Ảnh: Accnhi.

Gỏi củ hũ dừa

Gỏi củ hũ dừa (hay củ hủ dừa, cổ hũ dừa...) là đặc sản nức tiếng ở xứ dừa Bến Tre. Muốn chế biến món ăn này, người làm phải đốn nguyên cây để lấy phần non trắng muốt trên thân gọi là củ hũ dừa. Các nguyên liệu trong món ăn này gồm củ hũ dừa, thịt ba rọi, tai heo, tôm (tép), rau củ, nước mắm chua ngọt, đậu phộng...

Cách làm món ăn khá đơn giản. Sau khi sơ chế xong, các nguyên liệu sẽ được đem trộn đều cho ngấm gia vị. Hương vị chua ngọt, mát, giòn lại thanh đạm, ít béo đã lấy lòng nhiều thực khách lần đầu nếm thử món gỏi đặc sản khi tới Bến Tre.

 Món ăn này thường đi kèm bát nước mắm chua ngọt và bánh phồng tôm chiên giòn. Ảnh: 1201.foodiz.

Gỏi cá mai

Cá mai xuất hiện trong bữa cơm thường ngày của người dân vùng biển miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang... Loài cá này thường được chế biến thành các món canh, kho tiêu, kho đường hay chiên giòn... Tuy nhiên, với đặc điểm thịt trong, thơm, dai, giòn và không tanh, cá mai làm gỏi mới là đặc sản nức tiếng nơi đây.

Với cách chế biến khá cầu kỳ, cá mai sẽ được đánh vảy, bỏ đầu đuôi và rút hết phần xương sau đó ngâm nước cốt chanh hoặc giấm cho chín tái. Các thành phần khác để trộn cùng là gừng thái chỉ, hành tây, húng lủi, rau răm thái nhỏ, nước mắm tỏi ớt...

 

 Gỏi cá mai có thể cuốn với bánh tráng, rau sống hoặc ăn kèm bánh tráng nướng. Ảnh: Lee.cancook.

Tác giả: Uyên Hoàng

Nguồn tin: zingnews.vn