"Bắt tại trận" cảnh xếp hàng "đi Tết" ở nhà Thứ trưởng từ phản ánh của dân
- 09:02 23-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời điểm cuối năm, sắp tới Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 48 về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó có yêu cầu "không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức".
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Phạm Thế Duyệt nhận xét, việc thực hiện Chỉ thị "cấm quà Tết", nếu người đứng đầu gương mẫu, làm thực chất thì tình hình sẽ chuyển biến ngay. |
Trao đổi bên hành lang hội nghị lần thứ 3 UB Trung ương MTTQ Việt Nam về vấn đề này, nguyên Ủy viên thường vụ thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Phạm Thế Duyệt nhận định, Chỉ thị của Ban Bí thư nói riêng và các quy định về tặng quà nói chung nhằm mục đích phòng ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, "đừng nghĩ đơn giản giải quyết một lúc là xong".
"Tôi cho rằng, để ngăn chặn tham nhũng, phải giải quyết được cái gốc thì cái ngọn sẽ tốt. Cái gốc ở đây chính là cán bộ. Cán bộ năm nay tốt thì những năm tiếp theo sẽ có đội ngũ cán bộ tốt. Chỉ thị về việc cấm tặng quà Tết lãnh đạo năm nào cũng có nhưng quan trọng là thực hiện, giám sát thế nào. Người đứng đầu cố gắng thực hiện tốt thì chuyển biến ngay" - ông Phạm Thế Duyệt nhận xét.
Cũng về vấn đề này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc bày tỏ tin tưởng, năm nay Chỉ thị của Ban Bí thư sẽ được thực hiện tốt hơn.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc trao đổi về việc thực hiện Chỉ thị "cấm tặng quà Tết lãnh đạo" của Ban Bí thư. |
Ông Túc nhận định, quy định mang tính chất cảnh báo, răn đe có nhiều ý nghĩa ở thời điểm đang tiến tới Đại hội Đảng XIII.
"Cùng với quy định về cấm chạy chức, chạy quyền, anh em ở các địa phương thấy rằng nếu không cẩn thận, mình bị phát hiện ra trước Đại hội thì chết" - ông Túc nói.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận cũng cho rằng, tác động của cả quá trình phòng chống tham nhũng thời gian qua đã thúc đẩy cho Chỉ thị "cấm quà Tết" thực hiện có hiệu quả hơn ở chỗ ngăn chặn đẩy lùi chứ không thể chấm dứt được. Bởi, cơ chế thị trường hiện nay tác động mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức là có quyền, có quyền là có tiền. Chính vì vậy, nhiều người tìm mọi cách, có thể qua những người thân ở nhà, có thể qua thư ký để nhận quà cáp nọ kia.
Vậy nên, muốn thực hiện có hiệu quả quy định "cấm tặng quà Tết lãnh đạo" thì phải huy động sức mạnh của toàn dân. Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân, trước hết là ở địa bàn khu dân cư giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, phải dùng tai mắt của dân để giám sát chứ làm sao Ban Nội chính, Ban Tổ chức các nơi biết được.
Dân ở địa bàn dân cư, ai đến nhà quan chức là người ta biết ngay. Có nhiều trường hợp người ta không đến nhà quan chức mà người ta đến nhà con ông quan chức, em ông ấy thì chỉ có người dân ở xung quanh đó mới biết được.
"Tôi nhớ mấy năm trước có nhận được phản ánh của người dân về một lãnh đạo chỉ cấp phó ở một cơ quan tương đương cấp Bộ phụ trách về đổi mới doanh nghiệp thôi nhưng cứ Tết là người ta xếp hàng dài đến nhà. Qua phản ánh của người dân như thế, buổi tối tôi lẳng lặng đến chỗ nhà cán bộ này thì thấy đúng cảnh "nườm nượp" đi Tết như thế. Ông này vừa rồi đã bị kỷ luật" - ông Túc kể.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết Mặt trận đang soạn thảo văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò giám sát đối với việc thực hiện Chỉ thị 48. |
Tương tự, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhận định, quy định "nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo" là chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm nay.
Ý nghĩa đặc biệt của quy định trong năm nay là trong bối cảnh trước Đại hội XIII, việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả, làm trong sạch bộ máy... khi đất nước còn đang rất khó khăn thì chỉ thị này càng cần thiết.
Để thực hiện yêu cầu Chỉ thị 48 của Ban Bí thư đặt ra, ông Lềnh cho rằng, trước hết là nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức có quyền phải tự giác chấp hành. Đấy là yếu tố quan trọng nhất. Còn có giám sát đến đâu, kiểm soát đến đâu, nếu không tự giác thì cũng không làm được.
Mặt trận mong muốn là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư, đặc biệt là những đồng chí nắm giữ những vị trí có điều kiện để nhận quà cáp này kia nhân dịp lễ, Tết.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Mặt trận cho biết, hiện MTTQ đã giao văn phòng soạn thảo văn bản triển khai trong toàn hệ thống MTTQ một số nội dung như phát huy vai trò giám sát của người dân, nhất là người có uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, thực hiện nghiêm túc các quy định trong dịp Tết Nguyên đán.
Khi có ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, Mặt trận có trách nhiệm phản ánh đến các cơ quan chức năng, trong đó có cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng để xem xét làm rõ nếu vi phạm thì xử lý, công khai cho người dân biết.
Việc này là kênh hết sức quan trọng để phòng ngừa những chuyện tiêu cực qua quà cáp có thể xảy ra.
Ông Hầu A Lềnh thông tin, qua quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân đến nay MTTQ cấp Trung ương chưa nhận được ý kiến nào phản ánh một cách đầy đủ, có cơ sở về việc tặng quà, nhận quà đối với một cán bộ, lãnh đạo cụ thể nào.
Tác giả: Thái Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí