Mua iPhone nhận cục gạch nhưng không cho kiểm hàng: Vậy hoài sao chịu nổi?
- 11:11 21-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gói hàng 3 chiếc iPhone của anh Lê Văn Hiệp (Khánh Hòa) bị đánh tráo thành đất đá - Ảnh: VĂN HIỆP |
Tình trạng gửi hàng nhái, hàng không đạt chất lượng, không như quảng cáo... ngày càng nhiều. Trong khi nhiều sàn chặn không cho người mua kiểm tra khi nhận hàng.
Khâu khiếu nại sau đó thường rất vất vả khiến tăng bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa quy định để buộc sàn cho đồng kiểm vì đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Shipper quen và cú lừa ngọt
Chị Thạch Hồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nhân viên văn phòng, thường mua sắm qua mạng nhưng dù kinh nghiệm, chị cũng không thể ngờ mình bị lừa. Chị Hồng đặt mua hàng trên sàn S. nhưng đến 20 ngày mới nhận được hàng. “Không chút nghi ngờ gì, tôi xuống nhận hàng và thanh toán cho người giao hàng rồi mới đem lên văn phòng khui vì theo quy định của sàn S. là không được kiểm hàng. Thế nhưng khi mở ra, tôi tá hỏa khi phát hiện đó chỉ là một đống nilông”, chị Hồng kể.
Chị Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP FreelancerViet ở TP.HCM, cũng thường xuyên mua hàng qua mạng nên chị quen thuộc đến cả người giao hàng. “Gần đây, cậu shipper (người giao hàng) với giọng quen thuộc gọi. Với tính cẩn thận, tôi hỏi rõ đơn hàng và số tiền. Thanh toán xong đi lên công ty, mở ra thì nó chỉ là một đống đồ bỏ đi.
Nghĩ shipper giao lộn, gọi thì liên tục... ò e í ngoài vùng phủ sóng. Lúc này mình hiểu đã bị lừa thật ngọt!”, chị Khanh kể.
Quá bực, chị Khanh chia sẻ câu chuyện lên Facebook thì thật bất ngờ khi nhiều bạn bè cũng gặp tình trạng tương tự. Có người nhận đống rác. Có người thì không mua gì cũng nhận được kiện hàng và người nhà trả tiền đầy đủ, mở ra toàn đồ dỏm...
“Rõ ràng trò này đang lan rộng song song với sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử (TMĐT). Hầu hết nạn nhân đều tức tối nhưng rồi không làm gì được nên đành bỏ qua. Thử hỏi, nếu những người làm văn phòng mà còn bị lừa ngọt lịm thì mấy cô chú anh chị ở tỉnh, ở quê sẽ còn bị lừa tới mức độ nào nữa. Sự việc này rồi sẽ còn lan rộng đến đâu?” - chị Khanh bức xúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết thực tế hiện nay đúng là có những người bán cố tình bán đồ dỏm, lừa đảo hoặc các công ty giao nhận có những “con sâu làm rầu nồi canh” tráo đổi hàng. “Bản thân tôi cũng từng gặp không ít lần bị cho “ăn quả đắng” khi mua hàng qua mạng. Chẳng hạn, tôi từng mua một cái đèn ngủ nhưng lại được giao hàng là một bộ dao cạo râu. Hay như tôi đặt mua 10 cái muỗng nhưng lại được giao chỉ có 7. Không có bằng chứng tại chỗ nên khi đem hàng về nhà và phản ánh đến đơn vị giao hàng, họ nói đã giao đủ 10, tôi đành bó tay”, ông Dũng kể.
Được quyền kiểm tra hàng khi nhận
Trước tình trạng một số sàn TMĐT không cho người tiêu dùng đồng kiểm khi nhận hàng, trả lời Tuổi Trẻ, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (VCCA - Bộ Công thương) cho hay “theo điều 9 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận”.
Theo đại diện của cục này, việc áp dụng quy chế không cho phép đồng kiểm khiến phát sinh nhiều khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Nếu người tiêu dùng phát sinh tranh chấp sau khi nhận hàng mà không được đồng kiểm, đại diện VCCA cho rằng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc thực hiện đổi trả sản phẩm lỗi cho người tiêu dùng là một trong những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của luật.
TMĐT đặc thù có nhiều bên tham gia giao dịch. Do vậy, lãnh đạo cục này cho hay thời gian tới, cùng với quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cục sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến TMĐT.
Cụ thể, các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia từ chủ sàn, chủ gian hàng, đơn vị vận chuyển, đơn vị thanh toán... sẽ được phân định và làm rõ. Nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng sẽ được nâng lên nhằm vừa đảm bảo quyền lợi của họ vừa duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo vị nguyên lãnh đạo Vụ quản lý thị trường trong nước, Bộ Công thương, việc giao hàng nhái, cục gạch cho khách có thể do shipper, nhưng cũng có thể do chính cửa hàng trên các sàn TMĐT. Ngoài những sự việc cầu thị, nếu sàn cứ đổ lỗi cho các bên đó thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Có nhiều lý do để sàn không cho đồng kiểm, nhưng việc đồng kiểm và siết trách nhiệm các sàn TMĐT là việc cần làm để ngăn ngừa nguy cơ lừa đảo lan rộng, ảnh hưởng sự phát triển toàn ngành.
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có quy định về việc kiểm hàng khi mua hàng qua mạng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các bên liên quan. Cụ thể, theo luật sư Đức, các hội bảo vệ người tiêu dùng cần lên tiếng để kiểm hàng khi nhận là quyền của người mua. Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp xử phạt thật răn đe với các sàn, doanh nghiệp bán hàng và vận chuyển cố tình làm hạn chế quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình? 1 Nên kiểm tra chi tiết thông tin sản phẩm trước khi mua, thận trọng với sản phẩm bán rẻ hơn nhiều so với thị trường. Chúng thường là sản phẩm kém chất lượng hoặc người bán lừa đảo. Với sản phẩm chính hãng, có thể yêu cầu người bán cung cấp chứng từ liên quan. 2 Hãy xem hồ sơ của người bán, lịch sử giao dịch cũng như đánh giá của người mua về giao dịch trước đó... 3 Các sàn thường có chat trực tiếp với khách. Hãy chat ở đó. Như trang Chợ Tốt khuyến khích người dùng trao đổi, giao dịch ngay qua chat trên ứng dụng thay vì trên những ứng dụng khác. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm quy định, ứng dụng sẽ cảnh báo người dùng, khóa tài khoản nhắn lừa đảo. 4 Nếu không được đồng kiểm, người mua nên quay camera khi tự mở hàng để làm bằng chứng giải quyết các tranh chấp nếu có. 5 Lưu giữ hóa đơn, mã số đơn hàng, số hiệu giao hàng và các chứng từ trong quá trình giao dịch trực tuyến. 6 Chủ động báo cáo những tin đăng/người dùng vi phạm, có hành vi lừa đảo cho sàn... để hạn chế nguy cơ chung. TRẦN MINH NGỌC (giám đốc kinh doanh và quản lý nội dung trang Chợ Tốt) - Đ.THIỆN ghi |
Sàn vô trách nhiệm? Bức xúc vì bị shipper quen thuộc lừa quá ngọt nhưng chị Khanh vẫn tin sàn S. - một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam - sẽ có cách xử lý giúp chị. Chị Khanh liền gọi vào tổng đài sàn S. và được hướng dẫn gửi kèm hình ảnh đơn hàng, số điện thoại shipper và mô tả nhận diện để kiểm tra. Thế nhưng cái kết chị nhận được là email trả lời đầy thất vọng: “Rất tiếc, trường hợp này S. không thể hỗ trợ”. “Vấn đề lớn nhất mà mình muốn làm rõ lúc này là kẻ lừa đảo lấy thông tin mình từ nguồn nào để hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề đến đâu còn xử lý, chứ tiền chắc chắn là một đi không trở lại rồi”, chị Khanh nói. |
Tác giả: ĐỨC THIỆN - NGỌC AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ