Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều vấn đề bức xúc cử tri quan tâm được chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh

Chiều 12/12, kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh không chất vấn theo nhóm chuyên đề, hoặc lĩnh vực cụ thể mà chất vấn theo hướng mở.

Trong đó, tập trung chất vấn về trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện các yêu cầu của HĐND tỉnh trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh và thông báo báo các phiên chất vấn các kỳ họp của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tham dự phiên họp chiều 12/12, có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền, Hoàng Viết Đường điều hành kỳ họp.

 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chất vấn theo hướng mở

Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đây là kỳ họp thường lệ cuối cùng của HĐND tỉnh khoá XVII nhiệm kỳ 2016 – 2021, là dịp để HĐND tỉnh đánh giá toàn diện, rà soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh. Vì vậy, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh không chất vấn theo nhóm chuyên đề, hoặc lĩnh vực cụ thể mà chất vấn theo hướng mở, trong đó, tập trung chất vấn về trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện các yêu cầu của HĐND tỉnh trong các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh và thông báo báo các phiên chất vấn các kỳ họp của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp đó, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh trình bày tóm tắt báo cáo về việc thực hiện các Thông báo kết luận chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trình bày tóm tắt báo cáo về việc thực hiện các Thông báo kết luận chất vấn.

Dự án thủy lợi chậm triển khai, công tác giao đất, giao rừng chậm tiến độ

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (TX Thái Hoà) nêu: Hiện trên địa bàn thị xã Thái Hòa có trạm bơm Vực Rồng Khe Son thuộc hồ chứa nước bản Mồng do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, phục vụ nước tưới tiêu cho bà con. Đến nay sau 5 năm hoàn thành (từ năm 2015) nhưng chưa đi vào hoạt động. Một số hạng mục đã bị xuống cấp. Đến bao giờ dự án này mới đi vào hoạt động để phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân?

 Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (TX Thái Hoà) chất vấn: Đến bao giờ dự án trạm bơm Vực Rồng Khe Son mới đi vào hoạt động để phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân?

Giải trình về vấn đề đại biểu Thủy nêu, Tư lệnh ngành NN&PTNT cho biết: Đây là trạm bơm thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng, thi công đã lâu nhưng chưa bàn giao được. Trạm bơm này có hệ thống máy bơm chìm, nên nếu giao cho xã thì xã không có chuyên môn quản lý, cho nên phải chuyển cho công ty Trách nhiệm Một thành viên Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý, Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng một số hộ dân có công trình đi qua dẫn đến việc công trình thi công chậm. Vấn đề này sở cũng đã giải quyết xong và đang cho đơn vị thi công sửa chữa lại những điểm hư hỏng, xuống cấp. Về phía lãnh đạo sở NN&PTNT cam kết trong quý 1/2021 sẽ bàn giao và đưa vào vận hành công trình.

 Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT cam kết trong quý 1/2021 sẽ bàn giao và đưa vào vận hành công trình trạm bơm Vực Rồng Khe Son.

Đại biểu Lữ Thị Thìn (Quế Phong) chất vấn: Công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, trong đó thu hồi đất từ các nông lâm trường đến nay chưa có nhiều chuyển biến, người dân kiến nghị kéo dài trong thời gian qua. Nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm trễ kéo dài này và hướng xử lý trong thời gian tới?

 Đại biểu Lữ Thị Thìn (Quế Phong) chất vấn về công tác giao đất, giao rừng.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất của các nông lâm trường, ông Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ cho biết, theo quyết định diện tích chuyển đổi có trên 78 ngàn 100 ha. Trong đó, diện tích giữ lại cho các nông lâm trường là 66 ngàn 500 ha, hiện đã chuyển về cho các địa phương là 12 ngàn 166 ha, trong đó đã có quyết định thu hồi là 11 ngàn 500 ha.

Phân cấp nguồn thu phí môi trường và khai thác khoáng sản

 Đại biểu Nguyễn Giang Hoài (Quỳ Hợp) chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Giang Hoài (Quỳ Hợp) đặt câu hỏi: Từ hoạt động khai thác chế biến khoáng sản có thêm các nguồn thu về thuế: tài nguyên, xuất khẩu, GTGT, thuê đất, ngoài ra có thêm 2 nguồn phí: môi trường và khai thác khoáng sản. Hai loại phí này được thu với mục đích cụ thể rõ ràng, theo luật Khoáng sản cũng như NĐ164, phí môi trường phục vụ mục đích quản lý, cải tạo phục hồi và phòng ngừa sự cố môi trường, tạo ra cảnh quan nơi khai thác khoáng sản, cụ thể ở đây là đơn vị cấp xã. Nhưng hiện khoản phí này đang được chia theo tỉ lệ 50% cho tỉnh, 40% cho huyện và 10% cho xã. Cách chia này có đúng với tinh thần của Luật và Nghị định không?

 Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải giải trình ý kiến đại biểu chất vấn.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải giải trình việc thực hiện Nghị định 164 của Chính phủ về bảo vệ môi trường, 100% kinh phí bảo vệ môi trường được cấp lại cho địa phương phục vụ mục đích quản lý, cải tạo phục hồi và phòng ngừa sự cố môi trường, tạo ra cảnh quan nơi khai thác khoáng sản. Căn cứ vào Luật NSNN năm 2015, quy định rõ nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%. Cụ thể thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản. Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 31 năm 2016, quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp Ngân sách tỉnh. Theo đó, nguồn thu này được chia theo tỉ lệ 50% cho ngân sách tỉnh, 40% cho ngân sách huyện và 10% cho xã nơi khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, NSNN vẫn chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường cho các địa phương. Đối với các địa phuơng có khai thác khoáng sản gặp sự cố về môi trường mang tính cấp bách, Sở vẫn tham mưu cho tỉnh chi từ ngân sách để hỗ trợ khắc phục.

Công tác quản lý các dự án khu chung cư hạn chế, bất cập

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP Vinh) băn khoăn: TP Vinh là nơi tập trung nhiều nhất các dự án khu đô thị, chung cư, giải quyết những bức xúc về nhà ở cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý các dự án khu chung cư bộc lộ những hạn chế, bất cập. Khi trình phê duyệt dự án ban đầu, có các công trình công cộng như khu vui chơi giải trí, nhà văn hoá, trong quá trình thực hiện các nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, các công trình công cộng không còn, chuyển sang các hạng mục khác. Đơn cử như dự án Tecco ở khối Tân Phúc, phường Vinh Tân, có gần 1000 hộ, điều chỉnh quy hoạch không còn đất để xây dựng Nhà văn hoá, người dân đang phải sinh hoạt nhờ tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư Tân Thịnh. Đại biểu Hiền đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Xây dựng: Vì sao lại có sự điều chỉnh này. Việc điều chỉnh quy hoạch có đúng với quy định của Pháp luật hay không và hướng xử lý vấn đề này?

 Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP Vinh) băn khoăn về công tác quản lý các dự án khu chung cư còn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

“Theo Kết luận thanh tra số 551 ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh có 3 chung cư của 2 chủ đầu tư chưa thực hiện đăng ký đất đai, chưa nộp tiền sử dụng đất vào NSNN, chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đã bán nhà cho người sử dụng, thể hiện sự coi thường pháp luật và yếu kém trong quản lý đất đai. Đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã xử lý vấn đề này như thế nào?”, bà Hiền hỏi thêm.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Hiền nêu, liên quan đến khu đô thị Vinh Tân, theo ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng, khu đô thị này được quy hoạch lần đầu vào 2005, điều chỉnh tổng thể vào năm 2007, từ 2007 đến 2013 có 4 lần điều chỉnh cục bộ, chủ yếu là vị trí, kích thước của các khu chung cư. Tuy nhiên, trong các lần quy hoạch từ đầu cho đến cuối chưa bố trí nhà văn hóa trong dự án, theo Giám đốc Sở xây dựng, đây là thiếu sót trong lần quy hoạch lần đầu, chứ không phải các lần điều chỉnh sau lấy đất nhà văn hóa chuyển đổi sang hạng mục khác.

 Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Ông Giang cũng khẳng định, luật quy hoạch xây dựng không cấm việc điều chỉnh, tuy nhiên vấn đề đại biểu phản ánh là đúng với thực trạng, vừa qua, Sở cũng đã chỉ đạo thành phố điều chỉnh quy hoạch phân khu phường Vinh Tân, trong đó đã bố trí 1.700 ngàn m2 quỹ đất trong dự án này để xây dựng nhà văn hóa cho khu đô thị này.

Về hướng khắc phục tồn tại tại chung cư Thành Vinh của Công ty Khoáng sản dầu khí (Đường Nguyễn Quốc Trị) theo ông Giám đốc Sở Xây dựng, chung cư này, khi thanh tra có nhiều sai phạm: Từ việc chưa nộp tiền sử dụng đất, vi phạm về chất lượng công trình, phòng cháy chữa cháy....Sở Xây dựng đã 5 lần gửi văn bản chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục, tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư chỉ mới khắc phục được một số sai phạm về môi trường, về PCCC, một phần về chất lượng công trình, tuy nhiên cái quan trọng nhất là tiền sử dụng đất vẫn chưa được chủ đầu tư nộp vào ngân sách nhà nước. Theo ông Giang, đây là vi phạm về luật đất đai, chức năng quản lý về thu tiền sử dụng đất thuộc về Sở tài nguyên Môi trường, ngành thuế và một số cơ quan chức năng.

 Đại biểu Lê Bá Hùng (Yên Thành) đặt câu hỏi bao giờ thì Đại lộ Vinh – Cửa Lò sẽ hoàn thành?

Sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò trong quý 1/2021

Đại biểu Lê Bá Hùng (Yên Thành) đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, dự án Đại lộ Vinh–Cửa Lò dài 11km, trong đó đoạn qua Nghi Phú, TP Vinh còn khoảng 1km mà đến nay vẫn chưa xong...Mặc dù, dự án này đã qua rất nhiều đời Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cũng như Chủ tịch UBND thành phố. Đại biểu Hùng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp trả lời đến bao giờ thì dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò sẽ hoàn thành?

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định đây là trách nhiệm của Sở GTVT. Đây là dự án quan trọng, dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh có tổng mức đầu tư là 1.411 cho giai đoạn 1, trong đó phần sử dụng trái phiếu chính phủ là 1.100 tỷ và phần vốn của địa phương là 311 tỷ. Dự án được triển khai khá lâu nhưng chưa hoàn thành là do có 2 vướng mắc chính. Thứ nhất là về giải phóng mặt bằng, trong đó có khoảng 1 km có 31 hộ chưa thực hiện được được việc di dời để giải phóng mặt bằng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, vừa rồi, tỉnh đã chỉ đạo UBND TP Vinh thực hiện việc giải phóng mặt bằng và có cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước ngày 15/01/2021. Thành phố Vinh cũng đang quyết liệt thực hiện, đã thực hiện việc cưỡng chế nên sẽ đảm bảo tiến độ theo cam kết bàn giao mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết về phần vốn thì trung ương đã bố trí đủ, phần vốn thiếu của tỉnh hiện đã bố trí một phần từ nguồn vượt thu 2019 đủ để giải phóng mặt bằng và thực hiện một phần thi công. Phần vốn còn lại sẽ bố trí vào năm 2021. Về phía chủ đầu tư là Sở GTVT cam kết là sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án này trong quý 1 năm 2021.

Sự cần thiết điều động công an chính quy về xã

 Đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn) nêu ý kiến tại phiên chất vấn.

Theo đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn): Trước đây, lực lượng Công an chỉ có Công an xã là công chức, còn lại là cán bộ không chuyên trách. Hiện nay, việc bố trí đưa công an chính quy về xã trên địa bàn đã hoàn thành. Vậy, việc bố trí công an chính quy về xã có phát huy hiệu quả hay không? Liệu việc bố trí công an viên về khối, xóm bản khi xã đã có từ 3-5 cán bộ chiến sỹ công an chính quy có lãng phí nguồn lực không?

 Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến đại biểu chất vấn.

Sự cần thiết điều động công an chính quy về xã được Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Việc đưa công an chính quy về xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện chủ trương Công an 4 cấp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 428/428 xã, thị trấn có lực lượng công an chính quy về cơ sở tối thiểu 5 đồng chí.

Vấn đề vi phạm pháp luật xảy ra ở cơ sở phải được phát hiện và giải quyết kịp thời đúng quy trình, quy định của pháp luật; Tình hình liên quan đến an ninh nông thôn, vùng đặc thù, vấn liên quan đến chính trị nhạy cảm thường diễn ra ở cơ sở, rất cần sự nhạy bén về chuyên môn được đào tạo bài bản để kịp thời nắm bắt, tham mưu xử lý kịp thời; công tác đấu tranh giải quyết các tội phạm vi phạm pháp luật động chạm vấn đề dân chủ, quyền con người, cần đội ngũ am hiểu pháp luật; Đây là LLVT thực hiện theo mệnh lệnh chiến đấu của Giám đốc Công an tỉnh, trực SSCĐ 24/24 đảm bảo theo yêu cầu đề ra.

"Lực lượng công an bán chuyên trách ở cơ sở là chỗ dựa cho lực lượng quần chúng trong các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hạt nhân của phong trào tự quản, là cánh tay nối dài của lực lượng công an chính quy ở các khối, xóm bản đến với các gia đình. Đây là sự hài hoà giữa công an chính quy với lực lượng tại chỗ, tạo nguồn lực cho công tác đảm bảo an ninh trên địa bàn" - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.

Ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án

 Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) nêu chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) đặt câu hỏi: ở khu kinh tế Đông Nam có 16 hộ dân ở xã Nghi Xá muốn cơ quan chức năng trả lời cụ thể, nếu những hộ này thuộc diện di dời, đã mấy chục năm rồi, nếu tỉnh không thực hiện, thì cũng cần trả lời dứt khoát, để cho dân làm nhà, ổn định cuộc sống lâu dài, tránh để người dân thấp thỏm?

 Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã giải trình làm rõ vấn đề đại biểu An Phong nêu. Theo đó, về Dự án đường N5 được phê duyệt từ năm 2008, tổng mức đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu, nguyên nhân chậm tiến độ là do vốn bố trí vốn không đáp ứng đủ. Tổng mức đầu tư là 760 tỷ đồng, nhưng vốn mới bố trí được 302 tỷ đồng, còn thiếu 458 tỷ đồng. Do đó giai đoạn 2016 đến 2020 không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Theo đó, cả tiến tiến độ dự án và công tác đền bù giải phóng mặt bằng không thể thực hiện từ năm 2018 cho đến nay. Theo ông Lê Tiến Trị, đối với 16 hộ dân này, nếu có nhu cầu cải tạo nhà ở, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam nhất trí cho sửa chữa trên hiện trạng để đảm bảo nơi ở an toàn sau khi đã có khảo sát, lập biên bản của ban và chính quyền địa phương. Còn trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được bố trí thì sẽ ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân, trên cơ sở đó để triển khai dự án.

Phiên chất vấn "mở" nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương

 

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao phiên chất vấn theo hướng “mở” vào chiều 12/12 đã nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh; Các sở ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị nội dung để trả lời chất vấn. Các nội dung chất vấn mang tính thời sự được đại biểu, cử tri quan tâm, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu đối với công việc, phát triển chung của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh quá trình nêu ý kiến, các đại biểu cũng chỉ ra được những vấn đề tồn tại, hạn chế trong nhiều lĩnh vực, như: quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng đô thị, bồi thường GPMB, quản lý rừng, môi trường, vấn đề liên quan đến quy trình xả lũ của thuỷ điện, mất an toàn lưới điện, hoàn trả lưới điện, dự án giải ngân chậm, an sinh xã hội, vướng mắc sau sáp nhập xóm, thôn bản…. Các ngành cũng đã giải trình và đưa ra các giải pháp xử lý. Giải trình của các ngành có thể chưa đáp ứng được hoàn toàn mong muốn của đại biểu cũng như các cử tri. Với tư cách người đứng đầu, Chủ tịch UBDN tỉnh nhấn mạnh, trong các tồn tại, hạn chế có trách nhiệm của UBND tỉnh, các Sở ngành, địa phương.

“Chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu đầy đủ những vấn đề các đại biểu HĐND, cử tri nêu, từ đó có giải pháp xử lý các vấn đề. Đây cũng chính là mục tiêu của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức.

 Toàn cảnh phiên họp.

Ngoài những giải pháp đã đưa ra trước Hội đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh những điểm thực hiện và hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2021 cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sẽ tập trung thực hiện đúng theo quy hoạch, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những nội dung, dự án ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển bền vững của tỉnh và đời sống dân sinh.

Phiên chất vấn là cầu nối giữa 2 khóa HĐND tỉnh

 Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu kết luận phiên làm việc chiều 12/12, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho biết đã có 14 lượt đại biểu tiến hành chất vấn; Các đại biểu HĐND tỉnh thể hiện inh thần trách nhiệm cao, tích cực chất vấn, đưa ra được những vấn đề cử tri quan tâm. Chủ tọa kỳ họp đánh giá cao lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ngành, địa phương tham gia chất vấn và trả lời chất vấn. Lần đầu tiên trả lời chất vấn “mở” nhưng thể hiện được khả năng làm chủ, bao quát, nắm chắc công việc của ngành, địa phương...trả lời bám vấn đề, có chất lượng, tiếp tục thể hiện được tinh thần trách nhiệm và đưa ra được những giải pháp cần thiết. HĐND tỉnh trân trọng ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên chất vấn hôm nay.

Sau kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan đánh giá làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp để đề ra những giải pháp, kế hoạch thực hiện những vấn đề còn hạn chế, tồn tại. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận chất vấn tại kỳ họp này, làm cơ sở để HĐND tỉnh khóa sau tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Đến thời điểm này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã thành công, tinh thần chung của phiên chất vấn là dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Kết quả phiên chất vấn hôm nay sẽ là cầu nối giữa 2 khóa HĐND tỉnh 17 và 18.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An