Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được tuyên dưới mức thấp nhất khung hình phạt?

Luật sư dự phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm đã có chia sẻ với phóng viên Dân trí vì sao bị cáo Chung được tòa tuyên án dưới mức thấp nhất khung hình phạt.

Sau nửa ngày xét xử kín, trưa 11/12, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội tuyên án vụ "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước". Phần tuyên án được tòa công khai.

Theo đó, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù; Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu - C03, Bộ Công an): 4 năm 6 tháng năm tù; Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung): 24 tháng tù; Nguyễn Anh Ngọc (cựu Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội): 18 tháng tù. 

Trước đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao truy tố các bị cáo xác định bị cáo Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành. Cả 2 bị cáo này thuộc trường hợp "phạm tội 2 lần trở lên" nên bị truy tố theo Điểm c Khoản 3 Điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10 - 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố theo Khoản 1 Điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.

 Bị cáo Nguyễn Đức Chung (ngồi) và 3 đồng phạm tại phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN).

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có 4 tình tiết giảm nhẹ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Trung) - cho biết: Theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự thì tòa án có thể quyết định một mức hình phạt dưới khung.

"Bị cáo Nguyễn Đức Chung được 4 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự, nên đủ điều kiện được giảm dưới khung hình phạt. Khung của Khoản 3 Điều 337 Bộ luật Hình sự thấp nhất là 10 năm, nhưng bị cáo Chung được đưa xuống khoản 2, thấp nhất là 5 năm", Luật sư Thanh nói.

Cũng theo Luật sư Thanh, ngoài bị cáo Chung, bị cáo Nguyễn Anh Ngọc và Phạm Quang Dũng được tuyên án dưới khung hình phạt. Còn bị cáo Nguyễn Hoàng Trung không được giảm xuống dưới khung hình phạt vì ở "khung thấp nhất rồi".

Luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ thêm, trong phiên xử sáng 11/12, cả 4 đều nhận tội, khai báo thành khẩn và tỏ ra ăn năn hối lỗi, không ai phản đối bất cứ quan điểm nào của đại diện Viện kiểm sát. Các bị cáo không đổ lỗi cho nhau.

Tại phiên tòa này, các bị cáo đều bày tỏ sự ân hận và gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung gửi lời xin lỗi cử tri vì đã phụ lòng tin của họ.

Theo cáo trạng, ngày 14/5/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) cùng một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường). Ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.

Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.

Ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và được ông Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ; kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường. Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho ông Chung, ông Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án để lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng 14, C03 chụp trộm các tài liệu, báo cáo.

Cáo trạng xác định, từ tháng 7/2019 và 6/2020, ông Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Để đột nhập được vào phòng làm việc của lãnh đạo phòng 14, ông Dũng đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc.

Sau khi thu thập được các tài liệu, ông Dũng nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung thông qua 3 phương thức: Dùng ứng dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber, hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho ông Nguyễn Đức Chung.

Cơ quan tố tụng xác định, 2 lần ông Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án Công ty Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung. Trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật".

Cáo trạng cũng xác định, 2 nguyên cán bộ Văn phòng UBND Hà Nội là Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị cáo buộc nhận 3 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước từ bị can Nguyễn Đức Chung. Sau đó, họ in ra giấy để chỉnh sửa, cắt phần chữ ký trang cuối của tài liệu mật.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị can Phạm Quang Dũng, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Đáng chú ý, vào dịp tết Nguyên đán Âm lịch Canh Tý, vào ngày 22/1/2020, tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của Nguyễn Đức Chung 1 phong bì trong đó có 10.000 USD. Bị can Dũng đã thông qua gia đình nộp lại số tiền này.

Đến nay, do chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc ông Dũng được ông Nguyễn Đức Chung chuyển cho 10.000 USD, nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tách hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí