Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lương 3 triệu đồng, nhà khoa học trẻ bật khóc vì chẳng thể phụ giúp cha mẹ

Là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế, nhà nữ khoa học Hồ Thị Thương bật khóc khi chia sẻ về việc mình lựa chọn cống hiến cho khoa học nhưng không đủ tài chính báo hiếu cha mẹ.

Nhà nghiên cứu 9X có đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế

Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương sinh năm 1991, đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Chị Thương là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018, có tên là: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions (số hiệu đăng ký sáng chế là WO/2018.115305 A1, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cấp).

 Nhà khoa học có đăng ký sáng chế quốc tế Hồ Thị Thương tại buổi giao lưu đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020 ngày 10/12. Chị Thương là 1 trong số 400 đại biểu dự Đại hội.

Bên cạnh đó, chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị từng tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của một khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Với các nhà khoa học trong nước, đăng ký sáng chế quốc tế không chỉ là niềm tự hào mà là mơ ước. Chị Thương cùng với Giáo sư Udo Conrad và TS. Phan Trọng Hoàng (Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng, IPK, CHLB Đức) là 3 tác giả đã phát minh ra phương pháp sản xuất protein oligomer trong tế bào nhân thực bằng cách đồng biểu hiện của hai protein dung hợp trong tế bào nhân thực, bao gồm 1 protein dung hợp S-Tag, trong đó protein có thể là kháng nguyên hoặc kháng thể và một protein dung hợp S-protein- tp.

Sáng chế này nhằm tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng, ứng dụng cho việc phát triển vaccine, trong đó có vaccine phòng chống cúm gia cầm A/H5N1 và dịch tả lợn Châu Phi.

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh với tỉ lệ gây chết cao trong đàn gia cầm bị bệnh. Dịch cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp.

Việc chủ động được nguồn vaccine phòng chống cúm gia cầm sẽ giảm chi phí cho nền kinh tế và chủ động đáp ứng nhanh nhu cầu khi có các biến chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam.

"Tôi có một khát vọng đó là được đóng góp và cống hiến một phần sức lực, nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời mang đến cho nước nhà những sản phẩm vaccine thú y có hiệu quả ứng dụng tốt trong tương lai", nhà khoa học Hồ Thị Thương bày tỏ.

Có lỗi với bố mẹ vì chưa thể phụ giúp kinh tế gia đình với mức lương 3 triệu đồng

"Tôi xuất thân trong một gia đình làm nông không lấy gì làm khá giả nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy từ nhỏ tôi đã xác định bản thân phải cố gắng hơn bạn bè cùng trang lứa cả trong học tập lẫn phụ giúp gia đình", Hồ Thị Thương chia sẻ.

Hồi còn bé, chị Thương thường suy tư làm thế nào để giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn. Từ việc vặt trong nhà cho tới chăm sóc gia súc, gia cầm, chị đều không ngại xắn tay vào làm.

Trưởng thành, chị có duyên làm việc và được Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch dìu dắt, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học (NCKH) lĩnh vực công nghệ sinh học.

Chị nghĩ rằng, nghiên cứu ra vaccine kháng bệnh cho gia súc, gia cầm là đang giúp đỡ cho những người nông dân như cha mẹ mình.

 Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương ngậm ngùi rơi lệ khi nhắc tới thu nhập của nhà khoa học không đủ để chị giúp đỡ cha mẹ.

Chị Hồ Thị Thương chia sẻ lí do chọn làm việc ở Viện Công nghệ sinh học là: "Làm ở viện nghiên cứu, tôi có được rèn giũa, học tập từ các tiền bối để tích lũy kinh nghiệm để sau này có thể tự đề xuất các hướng nghiên cứu.

Đặc biệt là các thầy cô, anh chị ở Viện (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đều có ngọn lửa đam mê khoa học rất dồi dào, truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học trẻ như tôi".

Tuy nhiên, chị Thương thừa nhận rằng sau khi ra trường, hầu hết các bạn cùng trang lứa với chị lựa chọn làm ở các doanh nghiệp có mức lương khởi đầu khá cao. Bản thân chị là thủ khoa đầu ra của khoa cũng được mời chào làm việc ở các công ty với thu nhập cao hơn nhiều nhưng chị lựa chọn "đầu quân cho khoa học".

Chị Hồ Thị Thương hiện đang hưởng mức lương bình quân là khoảng 3 triệu đồng/tháng.

"Chỉ có điều, tôi cảm thấy rất có lỗi với bố mẹ vì từ khi ra trường cho tới nay không có nhiều tiền gửi về đỡ đần cha mẹ. May mắn là cha mẹ tôi rất thông cảm, chưa bao giờ đòi hỏi gì. Dù tuổi đã cao, các cụ vẫn chăm chỉ lao động", nói tới đây chị Hồ Thị Thương xúc động bật khóc.

Khi đã nguôi ngoai cảm xúc, chị Thương có thêm nhiều chia sẻ thực tế về bối cảnh NCKH trong nước và thực tế cuộc sống của các nhà khoa học.

"Nhà khoa học nữ có nhiều hạn chế hơn nam giới trong việc NCKH bởi quý thời gian eo hẹp. Nữ giới vừa phải sinh con, vừa phải chăm sóc con cái, gia đình... Tuy nhiên, tôi luôn muốn bản thân làm việc không thua kém gì nam giới nên nỗ lực hết sức để sắp xếp thời gian", chị Thương bộc bạch.

Chị kể, hàng ngày chị cho con ngủ vào khoảng 22h, sau đó chị dậy sớm vào lúc 3-4h sáng để bắt đầu làm việc. Trong thời gian làm việc ở cơ quan, nữ khoa học 9X không bị phân tâm bởi những việc giới trẻ thường làm như lướt Facebook, xem video giải trí... mà chị dành 100% sự tập trung cho công việc để có hiệu suất cao nhất.

Để có thêm thu nhập nuôi đam mê NCKH, chị Thương cố gắng dành quỹ thời gian nghỉ ngơi eo hẹp để nhận thêm công việc bên ngoài.

Tác giả: Mai Châm

Nguồn tin: Báo Dân trí