Báo động hồ, đập mất an toàn: Cần hàng ngàn tỉ đồng gia cố
- 09:41 10-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù được Chính phủ và các địa phương quan tâm, bố trí đầu tư gần 16.000 tỉ đồng, đã sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho hơn 800 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do số lượng đập, hồ chứa hư hỏng còn rất nhiều nên cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy tu.
Nằm chờ kinh phí
Lo lắng đến sự an nguy của tính mạng, người dân đã không biết bao nhiêu lần kiến nghị, "cầu cứu" chính quyền, cơ quan quản lý chức năng các cấp. Ông Ngô Trí Chính - Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - cho biết: Hồ Khe Thị hiện do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An quản lý, hồ hiện là nguồn cung cấp nước cho 450 ha đất sản xuất trên địa bàn xã. Chính quyền xã đã rất nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và các đơn vị liên quan cần sớm nâng cấp, sửa chữa hư hỏng tại phần thân đập nhưng hiện đơn vị quản lý chỉ mới xử lý tạm thời tại một số điểm rò rỉ nước lớn.
Ông Tạ Duy Hiển, Phó Giám đốc Công ty MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, cho biết từ năm 2012, đơn vị đã có tờ trình nâng cấp sửa chữa. UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép lập dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Khe Thị, phê duyệt với tổng kinh phí trên 48 tỉ đồng, tuy nhiên từ đó đến nay, do nguồn vốn được bố trí chỉ mới gần 10 tỉ đồng nên chỉ mở rộng phần tràn xả lũ và khoảng 4 km kênh mương, các hạng mục còn lại chưa thể triển khai.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, tỉnh này có số lượng hồ đập nhiều nhất trên cả nước (1.061 hồ đập), trong đó có 97 hồ đập chứa nước lớn được giao cho các doanh nghiệp quản lý, 964 hồ còn lại được giao cho các địa phương. Các hồ đập chủ yếu được xây dựng trên 40 năm, do lâu năm, khi xây dựng chủ yếu làm thủ công nên hiện trạng phần lớn các hồ đập đều xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp.
Điển hình như huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có trên 250 hồ đập lớn nhỏ, trong số này có hàng chục hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sửa chữa, nâng cấp ngay như: hồ Vũng Sơn, hồ Đồng Dùng, hồ Khe Thần, hồ Thung Bầu…
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho biết: "Bình quân sửa chữa, nâng cấp một hồ đập nhỏ mất 6-8 tỉ đồng, hồ đập lớn phải hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Kinh phí thiếu nên rất khó khăn cho các địa phương cũng như đơn vị quản lý các hồ đập trong việc thực hiện nâng cấp, sửa chữa".
Theo ông Nguyễn Anh Tuân, Trưởng Phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, cái khó hiện nay là nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp hồ đập rất lớn (78 hồ của Thanh Hóa dự kiến khoảng 650 tỉ đồng), trong khi ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Vì thế việc sửa chữa cũng phải tính toán xem hồ đập nào hư hỏng nặng, có tầm quan trọng trong việc tưới tiêu, thoát lũ, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân thì ưu tiên sửa chữa trước.
Hồ Khe Thị, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An được phê duyệt kinh phí sửa chữa trên 48 tỉ đồng nhưng gần 8 năm qua chỉ được bố trí gần 10 tỉ đồng nên chỉ mở rộng phần tràn xả lũ và 4 km kênh mương. Ảnh: Đức Ngọc |
Khẩn cấp sửa chữa các hồ đập nguy cơ cao
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa khẩn cấp 200 hồ chứa đang hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao theo danh mục Bộ NN-PTNT đã tổng hợp, đề xuất tại Văn bản số 6261/BC-BNN-TCTL ngày 11-9-2020 (tổng kinh phí là 1.500 tỉ đồng). Trong đó, tại 9 tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ nặng là 54 hồ với tổng kinh phí 400 tỉ đồng.
Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực ngân sách và cân đối nguồn vốn để bố trí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa bảo đảm an toàn cho 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng và sửa chữa 1.200 hồ chứa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phía dưới hầu hết các hồ, đập chứa quy mô lớn hoặc hạ du là vùng dân cư đông đúc, rủi ro ngập lụt cao cần sớm lắp đặt các hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng (quan trắc lượng mưa lưu vực lòng hồ, mực nước hồ, lưu lượng xả tràn, xả cống…) để chủ động trong công tác vận hành công trình khi có mưa lũ lớn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ hướng đến vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du của các hồ chứa, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trước mắt và lâu dài, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục bố trí kinh phí, giao các đơn vị tư vấn, cơ quan khoa học tổ chức tính toán, hỗ trợ việc vận hành điều tiết lũ, tích nước các hồ chứa để bảo đảm an toàn công trình, giảm ngập lụt vùng hạ du và tích nước hiệu quả.
Tác giả: T.Đồng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động