Trung Quốc đòi trả lại bức tượng Phật 1000 năm tuổi chứa xác ướp nhà sư
- 10:14 15-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 4/12, tòa án nhân dân của tỉnh Phúc Kiến thuộc miền đông Trung Quốc đã đưa ra phán quyết, người dân làng Yangchun và Dongpu ở huyện Datian có quyền sở hữu độc quyền bức tượng Phật 1.000 năm tuổi Zhanggong Zushi.
Bức tượng Phật 1.000 năm tuổi chứa xác ướp nhà sư bị đánh cắp khỏi Trung Quốc từ năm 1995 |
Trước đó, bức tượng này đã bị đánh cắp hơn 2 thập kỷ và buôn lậu ra nước ngoài. Hiện bức tượng cổ này đang thuộc quyền sở hữu của Oscar van Overeem, một nhà sưu tập nghệ thuật người Hà Lan. Người này đã mua lại bức tượng vào giữa năm 1996.
Theo Luật tố tụng dân sự Trung Quốc, phán quyết sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày nếu không có đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
Được biết, Zhanggong Zushi có tên gọi ban đầu là Zhang Qisan. Ông vốn là một nhà sư được tôn kính, sống ở triều đại nhà Tống (960-1279) của Trung Quốc. Sau khi qua đời ở tuổi 37, thi thể nhà sư này được ướp xác rồi bọc trong bức tượng.
Bức tượng từng được chụp cắt lớp CT vào năm 2015 |
Sau đó, pho tượng được cất giữ ở chùa Puzhao thuộc quyền sở hữu chung của hai ngôi làng Yangchun và Dongpu. Suốt hơn 1.000 năm, người dân địa phương vẫn thờ phụng pho tượng cổ chứa xác ướp, cho tới khi tượng bị mất tích vào năm 1995.
Sự mất tích bí ẩn của pho tượng kéo dài suốt một thời gian, cho tới khi tái xuất tại một cuộc triển lãm ở Hungary vào tháng 3/2015. Vào thời điểm đó, dân làng và cơ quan quản lý Di sản Văn hóa tỉnh Phúc Kiến đã công nhận đó chính là bức tượng Phật Zhanggong Zushi bị mất tích năm 1995. Trước đó, vào tháng 2/2015, bức tượng được chụp cắt lớp CT và kết quả cho thấy có chứa hài cốt xác ướp của nhà sư.
Pho tượng từng được trưng bày tại triển lãm Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Budapest, Hungary vào năm 2015 |
Sau những cuộc thương lượng không thành, người dân ở hai làng tại Trung Quốc đã yêu cầu nhà sưu tầm người Hà Lan trả lại tượng Phật vào năm 2015.
Ngày 14/7/2017, tòa án Amsterdam (Hà Lan) đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên nhưng chưa đưa ra quyết định. Trong khi đó, tòa án ở Phúc Kiến (Trung Quốc) xét xử hai lần vào tháng 7 và tháng 10/2018.
Theo nội dung phán quyết mới nhất của tòa án tại Phúc Kiến, bức tượng Phật là di sản văn hóa thuộc sở hữu của dân làng địa phương. Quyền sở hữu của nó được pháp luật bảo vệ. Và với tư cách là tài sản văn hóa của con người, bức tượng cần trở lại môi trường ban đầu, nơi nó xuất hiện.
Tác giả: Quốc Việt
Nguồn tin: Báo Dân trí