Bộ Công an cảnh báo phần mềm gián điệp đặc biệt nguy hiểm trên điện thoại
- 14:01 06-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an - Ảnh: Bộ Công an |
Theo đó, phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên "Bộ Công an".
Đây là thủ đoạn sử dụng phần mềm gián điệp để lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm. Nếu người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng công nghệ VOIP tạo lập các số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật (chỉ khác ở đầu số như +0096, +884), để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án, chuyên án, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố.
Đồng thời yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Chúng làm giả các lệnh bắt, khởi tố, giấy triệu tập của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.
Sau đó lấy lý do "nhằm bảo mật thông tin tài khoản, bảo vệ các nạn nhân bởi các đối tượng lừa đảo", các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm do Bộ Công an cung cấp có hình ảnh hiển thị là công an hiệu và mang tên "Bộ Công an".
Sau khi nạn nhân cài đặt App mang tên "Bộ Công an" nói trên, theo hướng dẫn của các đối tượng, nạn nhân sẽ phải điền thêm các trường thông tin hiển thị trên App giả mạo này như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân)... Các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn có thể điều khiển điện thoại di động của người dùng từ xa như: soạn, gửi tin nhắn SMS, mở khóa thiết bị di động, bật tắt mạng Internet, truy cập WiFi, đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Điển hình đã có vụ việc, các đối tượng âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại ra nước ngoài.
Các tin nhắn chứa mã OTP, các cuộc điện thoại xác nhận của nhân viên ngân hàng đều bị phần mềm gián điệp chuyển trực tiếp cho các đối tượng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc cấc đối tượng rút tiền của chủ thẻ mà nạn nhân không nhận ra.
Qua điều tra, lực lượng công an phát hiện đã có hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang, Đắk Lắk... bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống.
Nếu người dùng điện thoại hệ điều hành Android đã cài đặt App giả mạo “Bộ Công an” nêu trên, cần nhanh chóng kiểm tra, thông báo ngay cho ngân hàng qua tổng đài hỗ trợ 24/7 và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.
Tác giả: Danh Trọng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ