UBND TP Vinh phản hồi thông tin phản ánh "tuyển sinh nhồi nhét" trên Báo GD&TĐ
- 09:33 03-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An) |
Vừa qua, UBND thành phố Vinh, Nghệ An đã có văn bản trả lời vấn đề Báo Giáo dục và Thời đại nêu. Theo nội dung văn bản, ngày 4/11/2020, Báo Giáo dục và Thời đại có bài "Trường THCS Đặng Thai Mai tuyển sinh nhồi nhét, vượt chỉ tiêu cho phép".
Bài viết phản ánh năm học 2020 – 2021, trường tuyển sinh khối 6 có sỹ số vượt quá quy định của điều lệ Trường THCS (45 em/lớp) đến 10 – 11 học sinh/lớp. Điều này gây tâm lý bức xúc, không yên tâm cho phụ huynh và học sinh về việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận điều này với lý do hồ sơ đăng ký quá đông.
“Về vấn đề báo Báo Giáo dục và Thời đại đã nêu là đúng sự thật. Cụ thể, năm học 2020 – 2021, Trường THCS được giao chỉ tiêu tuyển sinh 8 lớp khối 6 với tổng số học sinh là 360 em. Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh và học sinh quá lớn nên nhà trường đã tuyển sinh 383 em, vượt chỉ tiêu 23 em”, UBND TP Vinh, Nghệ An trả lời trong công văn.
Nguyên nhân, năm học 2019 – 2020, Trường THCS Đặng Thai Mai được công nhận là trường trọng điểm chất lượng cao, có bề dày truyền thống và thành quả giáo dục nổi bật, dẫn đầu toàn tỉnh. Cũng trong năm học này, điểm thi trung bình vào lớp 10 THPT của trường là 40,38 điểm, có gần 60% học sinh lớp 9 đậu vào các trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh. Chính vì vậy rất nhiều học sinh, phụ huynh trên địa bàn TP Vinh có nguyện vọng cho con em được theo học tại trường.
UBND TP Vinh thông tin thêm, nhiều trường THCS khác trên địa bàn như: THCS Hà Huy Tập, THCS Hưng Dũng, THCS Lê Mao, THCS Đội Cung, THCS Hồng Sơn đều có sỹ số học sinh khối 6 năm học 2020 – 2021 vượt quá 45 em/lớp.
Về phía trường THCS Đặng Thai Mai, dù được giao chỉ tiêu 45 học sinh/lớp, nhưng để đảm bảo các yêu cầu của trường trọng điểm chất lượng cao, nên đối với 4 lớp thi tuyển chỉ xếp 40 em/lớp. Đổi lại, nhà trường nâng sỹ số các lớp phổ cập tăng lên so với quy định.
Văn bản trả lời vấn đề Báo Giáo dục và Thời đại nêu của UBND TP Vinh, Nghệ An. |
UBND TP Vinh cũng cho biết phương án khắc phục đối với việc tuyển sinh quá chỉ tiêu cho phép của Trường THCS Đặng Thai Mai. Theo đó, thành phố đã có đề án xây dựng Trường THCS Đặng Thai Mai tại địa điểm mới đáp ứng các yêu cầu của trường trọng điểm chất lượng cao. Đồng thời sẽ bàn giao cơ sở hiện nay cho Trường THCS Hưng Bình để làm nhiệm vụ phổ cập cho học sinh phường Hưng Phúc.
Trong thời gian này, UBND giao Phòng GD&ĐT TP Vinh chỉ đạo Trường THCS Đặng Thai Mai có giải pháp khắc phục, để đảm bảo chất lượng dạy học và quyền lợi của tất cả học sinh.
Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại nhận được phản ánh của người dân phường Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An) về việc Trường THCS Đặng Thai Mai đóng tại địa bàn có sỹ số học sinh/lớp của khối 6 đông vượt quy định.
Năm học 2020 – 2021, trường được giao 340 chỉ tiêu cho 8 lớp. Trong đó, 160 chỉ tiêu (4 lớp) thuộc khối thi tuyển dành cho học sinh toàn thành phố; 180 chỉ tiêu (4 lớp) thuộc khối phổ cập, tương đương 45 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, hoàn thành tuyển sinh, khối phổ cập này có sỹ số từ 55 – 56 em/lớp. Trong khi đó, diện học sinh điều tra phổ cập thực tế của phường chỉ có 140 em. Người dân Hưng Phúc cho rằng học sinh trên địa bàn không đông đến mức con em phải học một lớp có sỹ số lớn như vậy.
Bà Hà Lê Hòa Bình – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai – thừa nhận có sự việc trên và những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh là đúng. Theo lý giải của bà Hòa Bình, với 180 chỉ tiêu xét tuyển, trường đã tiếp nhận đủ 140 em thuộc diện phổ cập của phường Hưng Phúc. Do vẫn còn chỉ tiêu nên trường xét thêm học sinh của các phường khác. Nhưng nhu cầu của học sinh, phụ huynh lớn nên sỹ số học sinh trên lớp vượt lên đông hơn, khoảng 55 – 56 em/lớp.
Việc xét tuyển, danh sách học sinh đã được gửi xin ý kiến Phòng GD&ĐT, UBND thành phố Vinh đồng ý. Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định tuy sỹ số học sinh/lớp đông nhưng vẫn sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất.
Tác giả: Ngọc Sơn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & thời đại