Thủ tướng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm vụ lây nhiễm COVID-19 ở TP.HCM
- 17:18 01-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Làm rõ trách nhiệm dẫn đến lây nhiễm
Chiều 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, việc xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng ở TP.HCM, số lượng F1, F2 rất lớn, cả ở Đồng Nai, Đà Nẵng. Tình hình này là nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa.
“Việc này không đơn giản, tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này. Cụ thể cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói và đề nghị thảo luận thêm một số biện pháp mạnh mẽ hơn để quyết liệt hơn, đồng bộ hơn ngăn chặn có hiệu quả việc lây nhiễm COVID-19.
Nhấn mạnh tinh thần không hoang mang, dao động, Thủ tướng cho biết, ở các nước đang lây nhiễm cộng đồng rất lớn. “Cũng như lần trước gần 90 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng thì nay cũng thế. Chúng ta cần có biện pháp để phòng, chống”, Thủ tướng nói.
Cho biết thời gian tới có nhiều cuộc gặp, hội nghị quan trọng sẽ diễn ra như Đại hội thi đua yêu nước, nhất là sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn COVID-19, không ảnh hưởng đến sự kiện chính trị lớn nhất nước ta.
Về biện pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết, khi gặp mặt các lão thành trong miền Trung, nhiều người hỏi tại sao Hà Nội, TP.HCM đeo khẩu trang còn một số trung tâm lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số trung tâm lớn lại không đeo? Phải chăng chủ trương nhất quán đeo khẩu trang ở nơi công cộng chưa toàn diện? Nhiều ý kiến cũng nói rằng đáng lẽ trong thời điểm này cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là ở những nơi công cộng, bệnh viện, ví như việc đeo khẩu trang, sát khuẩn.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong lúc này cần phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn nữa, khắc phục những bất cập. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu hiến kế để khắc phục những bất cập, phòng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo về tình hình vacxin COVID-19.
Khẩn trương truy vết F1,F2
Liên quan đến vụ lây nhiễm ở TP.HCM, Bộ Y tế cho biết, tổng số tiếp xúc đang được điều tra là 513 người, trong đó tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 99 (đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, có 81 trường hợp âm tính, 18 trường hợp đang chờ kết quả); trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 414 (cách ly tại nhà, đã lấy mẫu xét nghiệm 337 trường hợp, 123 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm).
Đến 6h00 ngày 1/12/2020, số trường hợp xác định liên quan đến ổ dịch nêu trên là 2 trường hợp, 204 trường hợp tiếp xúc có kết quả âm tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 506 trường hợp, trong đó cách ly tập trung 111 trường hợp, cách ly tại nhà 395 trường hợp; đồng thời phong tỏa các địa điểm mà 2 trường hợp này từng đến.
Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến với Sở Y tế TP.HCM và chỉ đạo khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh trên; thực hiện biện pháp cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này; thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt (như nơi dạy học, quán cà phê, quán karaoke) cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất.
Tiến hành phong toả tạm thời các địa điểm mà bệnh nhân đã đến và thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng; tất cả nhân viên phục vụ tại các địa điểm cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân (như quán cà phê, karaoke) đều phải lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại nhà.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà Vietnam Airlines đã đăng ký. UBND TP.HCM và TP. Hà Nội, nơi có địa điểm Vietnam Airlines đăng ký cách ly, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly.
Tác giả: VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền phong