Ông Lê Văn Thành rút khỏi 'ghế nóng' bóng chuyền
- 07:46 01-12-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Lê Văn Thành muốn rời khỏi bóng chuyền để tập trung cho bóng đá |
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cổ phần thể thao Động Lực, là gương mặt quen thuộc của thể thao Việt Nam. Ông được biết đến nhiều nhất khi kiên trì theo đuổi vị trí Phó chủ tịch Tài chính và Vận động tài trợ VFF trong 15 năm qua. Để hiện thực hoá giấc mơ ngồi ghế “kiếm tiền” của VFF, ông Thành tích cực “ghi điểm” thông qua việc hỗ trợ cho các môn thể thao khác. Sau nhiều năm giữ ghế Phó chủ tịch VFV, năm 2015, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ VI (2015-2019).
Nhiệm kỳ của ông Thành đã đi qua, nhưng những đóng góp và sự ảnh hưởng của doanh nhân này với bóng chuyền chưa được đánh giá cao. Nhiều năm qua, bóng chuyền liên tục dính lùm xùm liên quan đến việc “chia bè kéo cánh” ở thượng tầng làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Ông Thành, trên cương vị người đứng đầu, không “dẹp loạn” được mâu thuẫn nội bộ, mà còn nhiều lần bị “tố” tài trợ cho bóng chuyền, trong đó có trang phục không như cam kết.
Đầu năm sau, VFV dự kiến sẽ tổ chức Đại hội, bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ VII. Ông Lê Văn Thành từng chia sẻ sẽ tiếp tục ứng cử vị trí này ở nhiệm kỳ mới, nếu vẫn nhận được sự tín nhiệm và VFV không tìm được người thay thế. Tuy nhiên, sau khi đắc cử vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách Tài chính và Vận động tài trợ, ông Lê Văn Thành thông báo sẽ rút lui khỏi chức vụ Chủ tịch VFV nhiệm kỳ VII.
“Tôi sẽ không tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo Liên đoàn bóng chuyền ở nhiệm kỳ mới. Trước đó, tôi từng có ý định sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến, nhưng có nhiều ý kiến này nọ nên tôi đã quyết định rút lui, tập trung tối đa cho bóng đá. Rút lui không đồng nghĩa với việc tôi sẽ từ bỏ bóng chuyền, mà vẫn hỗ trợ từ phía sau”, tân Phó chủ tịch VFF cho biết.
Bóng chuyền đón chuyên gia ngoại
SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines là kỳ đại hội đáng quên của bóng chuyền Việt Nam. Bên cạnh những rắc rối nội bộ, thành tích chuyên môn của đội tuyển bóng chuyền cũng đi xuống. Dưới sự dẫn dắt của HLV Thái Quang Lai, đội tuyển bóng chuyền nam nhận cú sốc lớn khi bị loại cay đắng ngay từ vòng bảng sau 3 trận toàn thua, trong đó cay đắng nhất là thất bại 2-3 trước Campuchia, đội bóng luôn ở cửa dưới so với Việt Nam. Đây là điều khó có thể chấp nhận, bởi đội tuyển bóng chuyền nam luôn được đánh giá nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á nhiều năm qua. Môn thể thao này cũng nhận được nhiều sự quan tâm, cổ vũ của người hâm mộ thể thao nước nhà, chỉ sau bóng đá.
Tại SEA Games 31 trên sân nhà năm tới, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam được giao chỉ tiêu giành HCV nhằm lấy lại vị thế trong quá khứ, trong khi đó đội tuyển nữ đặt mục tiêu đoạt HCB. Để hiện thực hoá mục tiêu này, VFV đã quyết định thuê chuyên gia ngoại cho đội tuyển bóng chuyền nam. Chuyên gia người Trung Quốc Li Huannin được mời với một bản hợp đồng dài hạn, dự kiến sang Việt Nam từ tháng 5/2020, nhưng buộc phải lùi thời điểm xuống cuối năm do dịch COVID-19.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Tổng thư ký Lê Trí Trường cho biết: “Để chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển bóng chuyền nam và nữ sẽ tập trung vào tháng 1/2021. Đội nam có chuyên gia ngoại bởi đăng ký chỉ tiêu cao hơn. Trong năm nay, do dịch COVID-19, các giải quốc tế đều bị huỷ nên bóng chuyền không tập huấn cũng như không tập trung đội tuyển. Giải vô địch quốc gia tổ chức từ ngày 9-20/12 sẽ là dịp để đánh giá lại lực lượng, cũng như tuyển chọn các gương mặt xuất sắc. Khi đó, chuyên gia đã có mặt và họ sẽ làm nhiệm vụ tuyển chọn, cả HLV lẫn VĐV cho đội tuyển quốc gia”.
Liên quan đến công tác tổ chức Đại hội VFV, ông Lê Trí Trường cho biết, công tác chuẩn bị vẫn đang gấp rút được tiến hành. Do thời điểm cuối năm trùng với giải vô địch quốc gia nên Đại hội sẽ tổ chức vào đầu năm sau, trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 2/2021. |
Tác giả: TRỌNG ĐẠT
Nguồn tin: Báo Tiền Phong