Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhà máy Giấy Trà Lân: Hy vọng mới từ thất bại cũ

Hơn 10 năm trước, nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng được đầu tư quy mô lớn nhưng, một thời gian ngắn hoạt động đã phải đắp chiếu do “nhiều nguyên nhân”. Bây giờ, trên nền đổ nát của dự án cũ là Nhà máy Giấy Trà Lân với nhiều hy vọng mới...

Dự án to- hệ lụy lớn

Có lẽ vào thời điểm năm 2007, sau khi tận mắt nhìn thấy dự án nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng của Cty CP Xuất nhập khẩu Tân Hồng (Cty Tân Hồng) được xây dựng và đưa vào hoạt động với quy mô đầu tư lớn thì sẽ chẳng ai có thể ngờ rằng, chỉ sau một thời gian ngắn dự án hoành tráng này bỗng nhiên lại rơi vào lao đao, an phận “đắp chiếu”, bỏ hoang vì không còn kinh phí hoạt động. Nhà máy nghìn tỷ rơi vào thảm cảnh, còn chính quyền địa phương thì “nhức óc” và loay hoay mãi trước hàng loạt hệ lụy do nhà máy này để lại.

Đến tháng 4/2017, dự án về nhà máy nghìn tỷ sản xuất bột giấy Tân Hồng tại huyện Con Cuông (Nghệ An) mới được cơ quan chức năng tỉnh này đệ trình tham mưu UBND tỉnh Nghệ An chấm dứt hoạt động. Như vậy là sau 7 năm loay hoay chờ đợi, tìm phương án, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp hồi sinh, thì Tỉnh Nghệ An vẫn đành phải “khai tử” với dự án này.

Việc “khai tử” dự án nghìn tỷ này không khó, nhưng việc chấp nhận xóa sổ một dự án nghìn tỷ từng rầm rộ với rất nhiều quy hoạch vùng nguyên liệu ở nhiều huyện, xã lại kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới dân sinh địa phương, do đó UBND tỉnh Nghệ An lại phải “đau đầu” tìm lối đi, lối thoát cho các hệ lụy.

Trong lúc, ngân hàng cho vay không phát mại được tài sản, chính quyền địa phương chưa có phương án tối ưu cho các vấn đề tồn đọng, thì xuất hiện nhà đầu tư tâm huyết là Công ty CP Huy Tuấn đã mua lại tài sản này thông qua đấu giá.

 Nhà máy nghìn tỷ đắp chiếu đang được thay mới bằng một dự án với diện mạo mới

Mặc dù việc đầu tư vào đây có quá nhiều rủi ro, chưa kể đến việc từng bước khắc phục hậu quả mà nó để lại cho xong rồi mới tính đến những khoản đầu tư khác...Nhưng với tâm huyết, sự tính toán, chiến lược và bước đi kỹ càng, Cty CP Huy Tuấn đã quyết tâm khởi động lại.

Việc có nhà đầu tư mới đến với dự án, giúp phá vỡ tình trạng bế tắc trong phát mại tài sản, giải quyết nguy cơ lãng phí số tiền lớn đầu tư vào nhà máy và giải pháp cho vùng nguyên liệu.

Diện mạo mới từ dự án cũ

Để “phục sinh” đối với dự án đắp chiếu của Cty Tân Hồng, Cty CP Huy Tấn đã phải bỏ ra hơn 40 tỷ đồng mua lại tài sản bán đấu giá. Ngoài ra phải bỏ thêm chi phí cải tạo, sửa chữa nhà cửa, vật kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và máy móc thiết bị cũ của Nhà máy; Đầu tư mua mới máy móc thiết bị; Đầu tư cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải;…với tổng mức đầu tư lên tới 137,782 tỷ đồng.

Dưới sự đầu tư của chủ đầu tư mới Cty CP Huy Tuấn, một “diện mạo mới” dưới cái tên Nhà máy sản xuất, chế biến, tái chế Giấy Trà Lân đã từng bước được hình thành. Tuy nhiên, Cty CP Huy Tuấn mặc dù mang sứ mệnh “phục sinh vùng đất chết” vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức khó khăn.

Muốn nhà máy phát triển ổn định và lâu dài, thì phải giải quyết được vấn đề về bảo vệ môi trường, điều mà dự án tiền nhiệm đang để dở dang. Nhận định như vậy nên Công ty CP Huy Tuấn đã tiến hành đầu tư bài bản cho dự án của mình. Tháng 8/2020, dự án Nhà máy sản xuất, chế biến, tái chế Giấy Trà Lân đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 1772/QĐ-BTNMT. Đây là kết quả của việc Cty CP Huy Tuấn đã nghiêm túc trong việc triển khai công tác bảo vệ môi trường. Hiện tại Công ty đã ký hợp đồng với một công ty của Singapore có chi nhánh tại TPHCM để xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Công nghệ xử lý đã được các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nước thải công nghiệp giấy thông qua khi đánh giá báo cáo tác động môi trường.

Hiện nay, Công ty CP Huy Tuấn đang lập điều chỉnh Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất, tái chế, chế biến giấy Trà Lân tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 1772/QĐ-BTNMT ngày 13/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nhà máy sản xuất, tái chế, chế biến giấy Trà Lân, trên cơ sở Nhà máy sản xuất chế biến bột giấy Tân Hồng) để trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

 Với quy mô đầu tư lớn, bài bản, tâm huyết, mong rằng sự tái sinh sẽ hiện diện nhanh trên "công xưởng nghìn tỷ" hoang hóa

Tuy nhiên, quá trình này đã triển khai từ cuối năm 2018 đến nay đã được 2 năm, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc do hệ lụy từ quá trình đầu tư của dự án cũ để lại. Trong quá trình xin lấy ý kiến của các sở ban ngành, nhiều vấn đề phải tiến hành hỏi đáp qua lại nhiều lần do có một số ý kiến “cẩn trọng” quá mức về vấn đề môi trường gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án.

Cty CP Huy Tuấn cũng không thể lường trước được quá trình đầu tư dự án lại rơi đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 và sau đó là tình hình thời tiết cực đoan, miền Trung đón nhận liên tiếp nhiều cơn bão và gây mưa lớn diện rộng. Hệ quả là 14 chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc do Công ty mời sang sửa chữa, cải tạo máy móc cũ phải đến đầu tháng 08/2020 mới hoàn thành quy trình cách ly tập trung tại Quảng Ninh để vào nhà máy tiến hành công việc. Ngoài ra, trong quá trình thi công, cải tạo, nạo vét, sửa chữa lại các đường ống dẫn nước thải, nước mưa của nhà máy thì gặp mưa to, khiến cho nước bùn đất bẩn tắc lâu ngày tràn ra ngoài, và lẫn vào các ống thoát nước mưa chảy tràn khiến cho một số người dân xung quanh tưởng lầm là nước thải của nhà máy sau đó quay lại và đăng tải trên mạng xã hội gây hiểu nhầm tai hại cho nhà máy. Nhầm lẫn này đã được đoàn kiểm tra của Chi cục môi trường xuống làm việc và minh oan cho nhà máy.

Trải qua một thời gian ngắn ngủi, một hình hài dự án mới tại vùng Trà Lân - Con Cuông, Nghệ An đang dần được khởi sinh, phát triển. Nơi nền móng đổ nát cũ của dự án nghìn tỷ đang được thay thế bởi một dự án mới, một “đứa con mới” với biết bao tâm huyết của nhà đầu tư. Những hình ảnh đổ nát, hoang tàn, hoang lạnh của dự án cũ nay đã và đang dần được thay thế mới sự hoàn thiện, gọn gàng bởi chiếc áo mới đầy mong đợi, bao hi vọng.

Mong rằng, với sự nỗ lực từ phía nhà đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An sẽ có hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất, đặc biệt trong lĩnh vực thủ tục hành chính để dự án này sớm được đưa vào hoạt động. Như những lời tâm huyết của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dặn dò, chỉ đạo trong Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An vừa qua, về vấn đề xóa bỏ câu chuyện “Tỉnh mở, Sở thắt” trong lĩnh vực đầu tư.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn