Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ trang trại lợn “tra tấn” người dân: Chính quyền "bó tay" trước sai phạm?

Mặc dù người dân đã nhiều lần “kêu cứu” nhưng trại vẫn nhập giống về nuôi, nước thải vẫn đổ ra dòng khe khiến người dân phải sống trong cảnh khốn khổ còn chính quyền thì dường như... bó tay (?!).

 Trang trại lợn của ông Vũ Đình Huấn ngang nhiên “tra tấn” người dân ngay từ đầu nguồn nước.

Dân càng kêu, chủ càng nuôi nhiều

Như Dân trí đã phản ánh trong loạt bài: “Hai trang trại lợn ngang nhiên “tra tấn” người dân ngay từ đầu nguồn nước”, "Trang trại lợn “tra tấn” người dân: Ngang nhiên xả thải, vứt xác lợn chết từ đầu nguồn nước".

Theo phản ánh của người dân sống tại xóm Khe Sài, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) trong suốt nhiều năm qua họ bị tra tấn bởi những trang trại nuôi lợn nằm ở ngay đầu nguồn nước. Trại lợn hàng ngàn con vô tư xả thải khiến cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn, thậm chí họ không dám dùng chính nguồn nước giếng để ăn, sinh hoạt.

Đặc biệt thời gian gần đây, trại lợn có dấu hiệu tăng đàn nên lượng nước thải nhiều hơn, mùi hôi thối càng nồng nặc. Mặc dù người dân đã nhiều lần “kêu cứu” nhưng trại vẫn nhập giống về nuôi, nước thải vẫn đổ ra Khe Sài người dân vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh khốn khổ.

 Lợi dụng dòng khe, trang trại lợn này ngang nhiên xả thải ra bên ngoài.

Anh Vi Văn Hà (SN 1986, trú tại xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc) bức xúc: "Từ khi trại lợn đi vào hoạt động người dân trong xóm vô cùng hoang mang trước tình trạng trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ô nhiễm. Nhiều năm nay lúa trồng không được thu hoạch, nước từ dòng Khe Sài đến trâu, bò cũng không thể uống, người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, nhưng kêu mãi rồi họ lại càng nuôi nhiều hơn".

Nguồn nước ô nhiễm... đến trâu, bò cũng không thể uống nổi

Chị Lê Thị Phượng (SN 1972, trú tại xóm Khe Sài 2) có nhà ngay sát với khu vực đập nước nơi chất thải từ trại lợn đổ về cho biết, mùi thối nhất là bắt đầu từ trưa cho đến đêm, nhiều bữa bưng bát cơm lên mà không ăn nổi. Gia đình dùng nguồn nước giếng để uống suốt 25 năm, nhưng từ ngày trại lợn về “đóng đô” thì nước cũng không thể dùng được nữa. Chị phải đi xin nước từ nơi khác về để nấu ăn, còn rửa bằng nước giếng nhà thì bị ngứa.

 Thời gian gần đây, trại lợn có dấu hiệu tăng đàn nên lượng nước thải nhiều hơn, mùi hôi thối càng nồng nặc.

Đứng ở nhà chị Phương chúng tôi cũng cảm nhận rõ mùi hôi thối, khó chịu từ chất thải của trại lợn. Vòng theo đập nước đến dòng dòng Khe Sài, chúng tôi phát hiện một dòng nước đen chảy dưới những tán cây bụi sau đó hòa vào dòng Khe Sài rồi “tập kết” ở đập nước trước khi chảy xuống phía dưới “hạ du” nơi có hàng chục hộ gia đình sinh sống.

Lần theo dòng nước đen dưới những tán rừng, chúng tôi đến hai hồ chứa nước thải. Tại đây, mùi hôi thối nồng nặc, nước đen ngòm, đặc quánh, sủi bọt... Nằm chình ình phía trên những hồ nước thải là trại lợn rộng với nhiều dãy chuồng nuôi. Từ những dãy chuồng nuôi có 2 họng cống đang thải nước xuống hồ.

 Người dân càng kêu, chủ trang trại càng nuôi nhiều.

Người dân nơi dây cho biết, trại lợn này do anh Vũ Văn Huấn làm chủ. Cách đó không xa là một trang trại khác, quy mô cũng rất lớn. Nhiều năm nay trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đã không ít lần họ phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ông Lương Văn Viên (84 tuổi, trú xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc) buồn bã: "Mùi thì thối lắm, ngày trước họ còn thải nước ra đen ngòm. Người dân chúng tôi cũng chịu đựng lâu lắm rồi".

Anh Cao Minh Bắc (SN 1975, người dân thôn Khe Sài 2) dơ tấm áo lên chỉ vào những vết mẩn đỏ chi chít trên da. Gần đây nhiều người trong thôn cũng bị nổi mẩn như anh vì nguồn nước cũng đã ô nhiễm. Hàng ngày mọi người tắm, rửa bằng nguồn nước giếng nên đã có nhiều người bị bệnh ngoài da. Mặc dù đã kêu cứu nhiều lần, nhưng trại lợn vẫn “đóng đô” ở đầu nguồn dòng Khe Sài, quy mô lại càng tăng lên. Hàng ngày, hàng giờ họ vẫn chịu sự “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Sỹ Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: "Ngày 18/11, huyện đã về làm việc và đã có kết luận, sang tuần tới xã sẽ mời các hộ dân lên để làm việc. Đối với chính quyền địa phương thì giờ không thể giải quyết được".

Dưới đây là 1 số hình ảnh do PV ghi lại.

Nguồn nước xả thải đặc quánh, không qua xử lý gây ô nhiễm trong nhiều năm nay.  

Nhiều người dân bị nổi mẩn ngứa vì ảnh hưởng của nguồn nước.

Nhiều người dân bức xúc không biết bao giờ họ mới bớt khổ.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí