Cựu Chủ tịch Hà Nội chiếm đoạt tài liệu nhà nước như thế nào?
- 07:01 22-11-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. |
Ngày 21/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 4 bị can, gồm: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ công an); Nguyễn Hoàng Trung, SN 1983, chuyên viên Phòng thư ký biên tập) và Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập; cùng trú tại TP Hà Nội) cùng về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Theo kết luận điều tra, ngày 14/5/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH TM và DV Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường). Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và được ông Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ; kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường. Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho ông Chung, ông Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án để lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng 14, C03 chụp trộm các tài liệu, báo cáo.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019 và 6/2020, ông Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Để đột nhập được vào phòng làm việc của lãnh đạo phòng 14, ông Dũng đã đánh trộm chìa khóa phòng làm việc.
Sau khi thu thập được các tài liệu, ông Dũng nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung thông qua 3 phương thức: Dùng ứng dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber, hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho ông Nguyễn Đức Chung.
Trước đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết: Ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị điều tra, làm rõ liên quan đến 3 vụ án, gồm:
Vụ "Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách TNHH và Thương mại Nhật Cường.
Vụ án thứ hai là "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Vụ án thứ ba là "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội.
Chiều 11/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị tạm đình chỉ công tác. Đến ngày 28/8/2020, ông Chung bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Sáng 25/9/2020, toàn thể đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thống nhất bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Hồi đầu tháng 10/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, Cơ quan điều tra đã nhận được đơn đề nghị cho ông Chung được tại ngoại của luật sư và gia đình bị can.
“Tuy nhiên, qua kết quả điều tra cũng như trao đổi với Viện kiểm sát, cơ quan công an xác định, tội “chiếm đoạt bí mật nhà nước” đang điều tra với ông Nguyễn Đức Chung thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng. Do đó, trước mắt, các cơ quan chức năng thống nhất chưa thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can” – Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Tướng Tô Ân Xô cũng cho biết thêm, cơ quan công an đã phối hợp với cơ quan y tế trong việc khám, chăm sóc sức khỏe cho bị can Nguyễn Đức Chung tại trại tạm giam.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí