Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thầy cô, những người 'bình thường vĩ đại'

Giáo viên còn phải “gồng mình” trước áp lực thành tích; nhiều người ra trường không có việc làm hay chịu mức lương dạy hợp đồng thấp không thể thấp hơn, rất nhiều thầy cô đằng đẵng xa gia đình bám bản, bám trường... Vượt qua vô vàn khó khăn, nhiều giáo viên vẫn quyết sinh nghề tử nghiệp, bất chấp hiểm nguy sả thân vì học trò, vì sự nghiệp gieo con chữ nơi vũng sâu, vùng khó.

Giáo viên “gồng mình” trước áp lực thành tích

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, ông từng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước chủ trì, tập hợp các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý.

Theo PGS Rỹ, đề tài lúc ấy là “Nghiên cứu các biện pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông” mà chịu trách nhiệm đi khảo sát thực trạng lao động của giáo viên.

“Trong quá trình làm việc tôi thấy giáo viên lao động rất cực nhọc. Khi tôi đặt câu hỏi: Nếu như được chuyển sang nghề khác thì thầy cô thấy thế nào? Kết quả, đến 50% số giáo viên được hỏi trả lời rằng họ không làm nghề giáo nữa với lý do: nghề giáo rất vất vả và chịu áp lực lớn từ học sinh, phụ huynh, từ cán bộ quản lý nhà trường và quản lý cấp trên, đến xã hội...”- ông Rỹ chia sẻ.

PGS Rỹ cho biết thêm, giáo viên hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực hơn thế, khi còn có thêm áp lực từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ mạng xã hội. Đội ngũ nhà giáo hiện nay trên 1 triệu thầy cô. Giả sử có khoảng 1.000 nhà giáo không đủ tư cách thôi và báo chí khai thác vào số đó cũng đã rất kinh khủng.

Trong khi hàng vạn tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề, tận lực với học sinh, báo chí có nêu thì xã hội cũng thấy bình thường, nhưng chỉ cần vài vụ giáo viên tát học sinh như vừa qua, cả xã hội quan tâm, bức xúc. Nếu chỉ khai thác vào những mặt yếu, những “hạt sạn” như vậy thì sẽ không công bằng cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Bất cập sinh viên sư phạm ra trường

Trong xã hội hiện nay, giáo viên càng phải là người nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi nhất, có kỹ năng mềm nhất, có vậy mới truyền tải giúp đỡ, đào tạo học sinh được.

Tuy nhiên, không ít sinh viên mới ra trường trong số đó khá nhiều sinh viên ngành sư phạm lại đang làm trái ngành nghề đào tạo hoặc phải đào tạo lại. Không ít sinh viên sư phạm còn thụ động trong việc kiếm việc làm, kể cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Nhiều người sẵn sàng bỏ 'tiêu cực phí' để kiếm một chân hợp đồng và cũng không ít người dài cổ chờ đợi được xét xuất biên chế.

Câu chuyện hàng ngàn giáo viên hợp đồng ngay tại Thủ đô Hà Nội mấy năm nay cứ nhì nhằng mãi mà giải quyết không xong, nhiều giáo viên hợp đồng bế tắc, bất lực trước việc đi tìm "biên chế" cho mình.

Thực tế cho thấy, vẫn có những học sinh phổ thông thích theo đuổi nghề sư phạm, nhất là một số con em giáo viên.

Nhưng đồng thời, sự thờ ơ của học sinh phổ thông đối với nghề sư phạm cũng ngày càng lớn dần vì các em chứng kiến những năm qua sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm ngày mỗi nhiều, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng tiêu cực.

Lương bổng đã thấp, áp lực công việc nhiều (nhất là giáo viên mầm non, tiểu học) mà thêm tình trạng phải chạy chọt việc làm thành ra người ta ngán ngại.

Trong khi, mấy năm gần đây thì khối ngành sư phạm được quy định điểm chuẩn đầu vào, xét học bạ thì phải loại giỏi (chỉ một số ít ngành tuyển loại khá) mới tuyển.

Bởi thực tế cho thấy, sinh viên ngành sư phạm nếu không xin đi dạy được thì tìm việc làm khác rất khó khăn nên việc nhiều học sinh không mặn mà với khối ngành sư phạm cũng là điều dễ hiểu.

 

Vượt trên nghịch cảnh, vẹn nguyên hạnh phúc người thầy

Trong trận lũ lịch sử hồi tháng 10 vừa qua ở Quảng Bình, hình ảnh các thầy giáo kết bè chuối bơi vượt lũ tìm lương thực về cho các em học sinh đã mang lại nhiều cảm xúc cho bạn đọc.

Theo chia sẻ của thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng trường PTDT nội trú Bố Trạch, bão lũ ở vùng Thượng Trạch này từ đầu tháng 10 tới giờ xảy ra gần như cả tháng. Khó khăn chia cắt lâu dài, thực phẩm không tiếp tế được.

Điều lo lắng nhất của các thầy cô trường PTDT nội trú Bố Trạch là sự an toàn của hơn 280 học sinh nội trú. Đặc biệt, thực phẩm dự trữ dần cạn kiệt,  lúc đầu nhà trường nấu đầy đủ cho các em ăn, sau chuyển sang nấu cầm chừng - cơm và cá khô, muối lạc.

Khi lương thực cạn kiệt, không thể tiếp tục chờ đợi, một quyết định táo bạo được đưa ra. Các thầy giáo kết bè chuối bơi vượt lũ đoạn qua hang Tám Cô để ra bên ngoài vận chuyển lương thực vào tiếp tế cho học sinh và thầy cô.

Mặc nguy hiểm, các thầy vẫn thường trực trên môi nụ cười với quyết tâm bơi ra được bên ngoài để lấy lương thực về cho các học sinh thân yêu. Với họ - các thầy cô vùng lũ, định nghĩa hạnh phúc có lẽ giản đơn là như vậy.

 Bếp ăn tình thương lập lên đã nuôi hàng chục học trò. Đồng thời việc giáo dục vùng cao, duy trì sĩ số cũng được đẩy mạnh

“Bếp tình thương” giúp duy trì sĩ số

Thương trò vượt rừng đến lớp, các thầy cô trường bán trú Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) dù chằng khấm khá gì đã bàn nhau góp tiền, góp gạo thổi cơm cho các em. Nhờ vậy mà các em được ăn no có sức học con chữ.

Thầy A Phiên tâm sự, ngày quỹ bếp tình thương ở điểm trường Tiểu học thôn Đăk Ka được xây dựng cũng là lúc thầy bắt tay vào công việc nấu cơm nuôi học trò. Vì để có thực phẩm tươi, ngon và đảm bảo vệ sinh nên cứ 6 giờ sáng mỗi ngày, thầy lại vượt quãng đường gần 15km, cả đi và về để ra điểm chính mua thức ăn và chở gạo vào nấu ăn. Con đường đi cũng vô cùng gian nan, hiểm trở, những dốc đá cứ nối nhau.

 Bếp ăn tình thương đã nói lên tấm lòng những người giáo viên vùng cao

"Đa phần bà con đồng bào chỉ ăn các loại cây, lá rừng và ở trong nhà đầm sâu trong những cánh rừng. Lúc nào đi săn có con dúi, con chuột thì các em mới được ăn thịt. Tôi cũng từng dạy ở vùng thuận lợi nhưng thương các em nên mong muốn vào để gieo nên những con chữ hy vọng, giúp các em bớt khổ sau này”- cô Nguyễn Dương Quý tâm sự.

Lo con không nhận ra mặt

Có thể nói, những thầy cô giáo "cắm bản" ở vùng cao còn thiếu thốn trăm bề, đặc biệt về mặt tinh thần khi phải xa gia đình, người thân. Thầy Lý Văn Là (SN 1993), giáo viên Trường Tiểu học La Văn Cầu, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông - nam giáo viên duy nhất tại cụm dân cư “8 không”. Ở nơi thầy dạy, không có điện nước, dạy xong nửa buổi, tranh thủ học sinh nghỉ giữa giờ, thầy Là mới lót dạ bằng gói mì tôm.

“Quê mình ở Hà Giang. Ngày vào đây dạy học, con mình mới được hơn 1 tuổi. Nhớ nó lắm, nhưng mỗi tuần chỉ gọi về nhà được một lần vì trong đây không có điện, không có sóng di động. Em sợ ngày về, con không nhận ra mình. Nhiều lúc nhớ con mà chỉ biết lấy ảnh ra nhìn…”, nam giáo viên tâm sự.

Trên khắp mọi miền đất nước này, còn rất nhiều tấm gương thầy cô đã sả thân và đang hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Avao, huyện Đakrông bị lũ cuốn trôi trên hành trình trở lại trường; là những tấm gương thầy cô giáo vượt khó trong hành trình cõng chữ lên non, thầm lặng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục.

Xúc động trước những tấm gương thầy cô giáo, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: "Các thầy các cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai ngày ngày lo cho các em cái cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, cho học sinh; vận động xây cầu, làm đường... Xin phép cho chúng tôi gọi các thầy cô là những người "bình thường" nhưng là những người "bình thường vĩ đại".

Tác giả: ĐỖ HỢP (T/H) 

Nguồn tin: Báo Tiền phong