Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thiếu giáo viên, có nên hạ tiêu chí tuyển dụng?

Thiếu giáo viên nhưng không được tuyển dụng, hoặc không có nguồn tuyển là vấn đề nóng mà nhiều địa phương đề cập tại các hội nghị của ngành Giáo dục và Đào tạo thời gian vừa qua.

Cùng với đề xuất bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế, một số địa phương cũng đề xuất Bộ GD-ĐT và các đơn vị liên quan hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng đối với giáo viên mầm mon và tiểu học để có đủ giáo viên dạy học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu nguồn tuyển hiện nay không phải do chuẩn tuyển dụng cao hay thấp mà là do các chính sách chưa thu hút được nhân lực đến với các vùng khó khăn.

 Thiếu giáo viên mầm non nhưng không có người thi.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước đang thiếu trên 71.000 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu nhiều nhất là hơn 45.000, tiểu học thiếu hơn 12.000. Tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương thường xảy ra ở những khu vực đô thị đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp mới, miền núi, vùng kinh tế xã hội khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Phú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết, theo định biên giáo viên trong một lớp của Bộ GD-ĐT thì toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên bậc mầm non. Nguyên nhân là bậc mầm non có nhiều điểm trường lẻ, số trường mầm non có từ 5 điểm trường lẻ trở lên là 123 trong tổng số 212 trường, chiếm hơn 50% tổng số trường trong toàn tỉnh. Tình trạng thiếu giáo viên nhưng không được bổ sung kịp thời đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên hiện có trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

"Thứ nhất là sẽ tạo áp lực rất lớn cho các cô về thời gian, nghĩa là kéo dài thời gian làm việc của các cô từ 9-10h, tại vì chỉ có 1 cô trên 1 lớp đối với các điểm trường. Hai là khi các cô làm thêm rồi, nhưng thời gian để tính thừa giờ cho các cô thì hiện tại cũng chưa được tính. Chính vì vậy, tạo áp lực cho giáo viên trong quá trình tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ".

Do thiếu giáo viên mầm non với số lượng lớn nên trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đều ưu tiên giáo viên cho lứa mầm non 5 tuổi để tạo tiền đề cho các em bước vào lớp 1. Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng, thiếu giáo viên chính là rào cản lớn rất trong việc triển khai các chương trình phát triển giáo dục mầm non hiện nay: "Giáo viên mầm non của chúng tôi hiện nay có khoảng 500, còn thiếu khoảng 80 giáo viên, tức là tỷ lệ hiện nay chỉ mới đạt 1,7 mà tiêu chuẩn của mình là 2,2 đối với mẫu giáo và 2,5 đối với nhà trẻ. Sắp tới đây định hướng là phải phổ cập cho trẻ 4 tuổi, tôi nghĩ nếu tình hình đội ngũ giáo viên biên chế đang tinh giản như thế này thì chắc chắn là công tác phổ cập 4 tuổi rất khó".

Trong khi một số địa phương chưa được phê duyệt bổ sung biên chế giáo viên thì nhiều địa phương dù có chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có giáo viên để tuyển dụng. Lý do mà nhiều địa phương đưa ra là do tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ Cao đẳng trở lên và giáo viên tiểu học là trình độ Đại học. Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, một số địa phương kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng và gia hạn để các giáo viên này tiếp tục học tập để nâng chuẩn.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất: "Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có thể thi vào mầm non với trình độ trung cấp là được rồi. Còn tiểu học có thể là cao đẳng. Quảng Nam có đến 9 huyện là miền núi trên tổng số 18 huyện, thị xã, thành phố. Cho nên cũng phải có quy định mở riêng đối với giáo dục ở miền núi. Hiện nay, Quảng Nam đã đang và sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên nhưng số đăng ký vào thấp hơn so với chỉ tiêu còn thiếu, nhất là mầm non và tiểu học".

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng khó khăn hiện nay còn xuất phát từ nguyên nhân chính sách đãi ngộ chưa phù hợp. Ngoài vấn đề lương, điều kiện dạy và học thiếu thốn ở các vùng khó khăn khiến nhiều sinh viên sư phạm e ngại khi đăng ký thi tuyển biên chế.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cùng vấn chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ nên ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất dạy và học ở những vùng khó khăn: "Trong các lần đi công tác, chúng tôi thấy rằng cần tập trung kiên cố hóa trường học, nhà công vụ đối với giáo viên ở các vùng khó khăn. Chúng ta luôn nói rằng cần phải giảm khoảng cách giữa thành phố, giữa đồng bằng và nông thôn, tạo ra sự bình đẳng nhưng những nơi “phên dậu” của đất nước đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành cần đầu tư và ưu tiên hơn. Trên cơ sở Nghị định 116 phải cụ thể hóa để các địa phương có thể tiến hành đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm".

Một số ý kiến cũng cho rằng, dù có hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học nhưng nếu không có các chính sách đãi ngộ đi kèm thì cũng khó mời gọi và giữ được giáo viên ở các vùng khó khăn./.

Tác giả: Minh Hường

Nguồn tin: Báo VOV