Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có một dự án "chìm" trong sai phạm (Bài 2): Dự án đổ bể, nợ nần chồng chất

Phía sau thực trạng dự án “Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược - thiết bị y tế và nhà ở” với những vi phạm thấy rõ, chúng tôi tiếp tục đi tìm những sai phạm của chủ đầu tư dự án.

  Sàn bất động sản Minh Khang trên đường Lênin vắng lặng (ảnh chụp sáng 6.11)

Bởi đây chính là nguyên nhân khiến dự án đổ bể, nợ nần vượt tầm kiểm soát.

Nợ hơn 500 tỉ đồng

Ngày 4.11, tại Cục thuế Nghệ An, ông Ngô Quang Tài, Trưởng phòng quản lý nợ cho chúng tôi biết chi tiết từng hạng mục số liệu tiền sử dụng đất của Công ty Minh Khang. Theo đó, tính đến ngày 30.9.2020 tổng số nợ của công ty này là gần 264 tỉ đồng (quy tròn).

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ngoài số nợ “khủng” nêu trên, Công ty Minh Khang chưa nộp một đồng thuế trước bạ nào (khoảng 50 tỉ đồng). Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chưa nộp một đồng. Trong khi đó, Công ty Minh Khang còn nợ Ngân hàng Bảo Việt 200 tỉ đồng; nợ ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Hóc Môn, TP.HCM 70 tỉ đồng. Vì sao, sau 13 năm thực hiện dự án, Công ty Minh Khang lại “ôm” khoản nợ lớn như vậy? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ có trách nhiệm, phân tích: Sau khi được giao đất, năm 2010 Công ty Minh Khang đã nộp đủ số tiền sử dụng đất là hơn 229 tỉ đồng. Nếu công ty này có năng lực quản lý dự án và thực hiện dự án chuẩn mực thì nghĩa vụ tài chính không đáng kể. Nhưng do để dự án đổ bể dẫn đến thiếu tiền nên chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch đến bốn lần để dùng đất xây dựng các công trình công cộng chia lô, bán nền. Đây là nguyên nhân phát sinh nợ từ đất không phải nộp thuế, hoặc nộp ít sang phải nộp thuế hoặc nộp nhiều.

Còn nợ vay ngân hàng? Theo điều tra của chúng tôi, trong gần 300 hộ dân góp vốn đầu tư để mua đất khi mới có bìa do chủ đầu tư cấp thì Công ty Minh Khang dùng một số bìa này thế chấp vay tiền ngân hàng. Hậu quả, đến thời điểm này chưa có một hộ dân nào được cấp bìa đỏ. Nhưng ngoài số nợ nêu trên, chủ đầu tư còn phải vay nợ “nóng” ngoài xã hội “đen” với giá 1 triệu/ ngày/5.000 đồng. Chuyện vay nợ “nóng” đã khiến chủ đầu tư bị một người cho vay “nóng” tìm đánh khi đến hạn mà chưa có tiền trả nợ. Trong khi đó, bà Chu Thị Long, nhân viên thủ quỹ của công ty làm thất thoát tiền góp vốn đầu tư của nhiều khách hàng, đã bỏ trốn hồi tháng 11-2016.

Thanh tra toàn diện dự án

Ngày 6.11, ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 1.9 vừa qua UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành nhằm thanh tra toàn diện những tiêu cực tại dự án Minh Khang.

Được biết, đoàn thanh tra có 18 thành viên thuộc 10 cơ quan chức năng liên quan. Đoàn thanh tra liên ngành do ông Phạm Hồng Sơn, Phó chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn. Thời gian thanh tra trong hai tháng, kể từ ngày ký quyết định. Đến thời điểm này, đoàn thanh tra đã liên tục làm việc, họp đoàn nhiều cuộc, hiện đang tiếp tục thanh tra. Trao đổi về vụ việc này, ông Sơn cho biết đoàn thanh tra làm việc hết sức kỹ lưỡng, công tâm, khách quan để có một kết quả phản ánh thực trạng đổ vỡ của dự án. Trong lúc đó, ông Vi Văn Sửu, Chánh Thanh tra tỉnh nêu thêm một số khó khăn: “Vụ việc rất phức tạp, nhiều tình tiết thanh tra vướng ngược, vướng xuôi, trong đó có ngân hàng. Nếu sau hai tháng chưa thanh tra xong thì gia hạn thêm 25 ngày theo luật định. Nếu sau 25 ngày đó vẫn chưa kết thúc được thanh tra thì báo cáo UBND tỉnh”.

Trước đó, chúng tôi đến Sàn bất động sản Minh Khang thuộc Ban quản lý dự án trên đại lộ Lênin, địa bàn xã Nghi Phú thấy vắng lặng. Khi dự án đang hoạt động, Ban quản lý có 10 người. Nay dự án đổ bể, người làm không có lương nên tự động rút lui. Tại Sở TN&MT Nghệ An, ông Phan Huy Hùng, Chánh Thanh tra Sở cũng phàn nàn: “Lâu lắm rồi không liên lạc được với ông Khang. Trong quá trình Sở tiến hành thanh tra, muốn tìm ông Khang để xử lý một số thông tin nhưng không biết tìm ở đâu”. Ông Hùng cũng cung cấp cho chúng tôi bản kết luận thanh tra hồi 2015 “Về việc chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty TNHH TM Minh Khang”. Kết quả thanh tra của Sở này cho thấy trong quy hoạch chi tiết xây dựng dự án so với thực trạng hiện nay có nhiều thay đổi về việc đưa nhiều diện tích đất xây dựng các công trình công cộng chuyển sang xây dựng các công trình nhà ở. Việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành. Nhiều công trình nhà ở chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã giao bán. Kết luận thanh tra này nêu 7 nội dung vi phạm về tiến độ sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; sử dụng đất khi chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; nghĩa vụ tài chính; huy động vốn.

Tại Sở Xây dựng là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch dự án, chúng tôi đề cập tới nội dung về bốn lần điều chỉnh quy hoạch và nguyên nhân xin điều chỉnh của chủ đầu tư, nhưng ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Sở này nói rằng “tôi không ký hồ sơ” (do khi dự án Minh Khang xin điều chỉnh quy hoạch, ông Hoàng Trọng Kim làm giám đốc Sở Xây dựng-PV). Còn về nguyên nhân xin điều chỉnh quy hoạch, ông Giang nói “tôi không biết, sai hay không thì Thanh tra tỉnh đang làm việc”. Riêng việc nhiều nhà dân xây không đúng thiết kế được phê duyệt thì ông Giang cho biết đã “nhiều lần có ý kiến với UBND TP Vinh để xử lý nhưng không có kết quả”.

Rời Sở Xây dựng, chúng tôi gặp ông Lê Sĩ Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Vinh để tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước đối với dự án Minh Khang nhưng nhiều lần ông Chiến từ chối làm việc. Lý do ông Chiến từ chối là do “thanh tra đang làm việc”. 

Thanh tra công tâm, không bỏ sót sai phạm

Thực hiện quyết định thanh tra toàn diện của UBND tỉnh từ ngày 1.9, Đoàn thanh tra liên tục triển khai công việc trên toàn tuyến hoạt động của dự án. Chúng tôi đã họp đoàn nhiều lần để chốt lại những kết quả đã thanh tra và mở hướng thanh tra tiếp theo. Thanh tra một dự án mà dư luận xã hội quan tâm thật không dễ dàng gì nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

(Ông PHẠM HỒNG SƠN, Phó chánh Thanh tra tỉnh Nghệ An)

Tác giả: Vũ Toàn

Nguồn tin: Báo Văn Hóa