Người phụ nữ tận cùng nghèo khổ bất lực nhìn chồng chết dần
- 10:09 29-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người phụ nữ nên duyên, vợ chồng được cho 14kg sắn làm của hồi môn
Ngồi bên cạnh người chồng đang lâm cảnh “thập tử nhất sinh”, chị Hương vừa xoa bóp chân tay cho chồng vừa kể trong những giọt nước mắt: Anh ấy bị bỏ rơi từ khi mới được 1 tuổi, may mắn được một gia đình trong xóm nhận làm con nuôi.
Cuộc sống gia đình nghèo khổ, cưới nhau được 20 ngày thì bố mẹ nuôi cho ra ở riêng, quà hồi môn ngày đó gồm có 14kg sắn, 2 chiếc nồi, 10 chiếc bát.
Nói là anh chị cưới nhau nhưng do nhà nghèo nên ngoài mâm cơm cúng thì cũng chẳng có gì hơn ngoài tờ giấy đăng kí kết hôn.
Căn nhà của vợ chồng chị Hương tự xây trông giống một cái nhà kho của Hợp tác xã ngày xưa hơn là một ngôi nhà ở |
Chị Nguyễn Thị Hương (39 tuổi, khu 6, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), bắt đầu với chúng tôi bằng câu chuyện về cuộc sống của vợ chồng chị từ ngày mới bắt đầu...
Ngày ấy, hai vợ chồng sống trong căn nhà lá, đóng bằng cọc tre, không có cửa, phải dùng lá cây để che chắn. Hàng ngày chị Hương đan sọt thủ công, anh Thanh (chồng chị) lần mò tìm xin phụ hồ kiếm tiền nuôi vợ con.
Sống trong cảnh túng quẫn, 3 đứa con lại lần lượt chào đời trong 3 năm. Năm 2006 đứa con gái lớn chào đời tên Nguyễn Diệu Linh, vừa sinh ra con gái anh chị đã bị dị tật bẩm sinh, hở hầm ếch. Đến nay đã qua một vài lần phẫu thuật nhưng cô con gái vẫn phải mang theo dị tật vì gia đình quá nghèo.
Một năm sau (2007) cô con gái thứ 2 ra đời, may mắn cô con gái lành lặn như người bình thường. Tuy nhiên, đến cậu con trai thứ 3 sinh năm 2009 thì lại dị tật giống chị gái cả, hở hàm ếch, đến bây giờ chưa được phẫu thuật, dẫn đến nói ngọng không thành tiếng.
Từ khi anh Thanh lâm bệnh nặng, chị hương phải ở bên cạnh chăm sóc nên không có thời gian để làm việc gì khác. |
Nhớ lại cái ngày sinh con, chị Hương kể trong những giọt nước mắt khổ cực, chị bảo, khi sinh đứa lớn trên trạm y tế xã được 1 tiếng thì phải về nhà, tự gánh nước, tắm rửa vì gia đình chẳng có ai giúp, chồng vẫn đi làm thuê. Khổ nhất là con nó bị hở hàm ếch, không ngậm được đầu ti để bú sữa mẹ, cứ mút được tí nào lại chảy hết ra ngoài tí đó. Sữa bột không có, nó lớn lên bằng hộp sữa Ông Thọ.
Đứa thứ hai thì may mắn lành lặn, nhưng cũng chỉ có chút sữa đặc, rồi đứa thứ ba, hoàn cảnh không khác gì đứa thứ nhất, 22 tháng tuổi mới biết đi, do bị hở hàm ếch nên giờ nói chẳng ai hiểu gì…
Chị Hương tâm sự, cuộc sống nghèo khổ nhưng lúc đó được cái sức khoẻ hai vợ chồng vẫn cầm cự được qua ngày tháng, chị Hương hàng ngày đi hàng chục km mò cua bắt ốc, nhiều thì được trăm nghìn, ít thì năm bảy chục lấy tiền nuôi con. Anh Thanh thì chạy khắp nơi làm lụng nghề phụ hồ, cứ thế nuôi nhau, con cái vẫn được đi học.
“Ngôi nhà làm xong không có cửa, hai cửa này là do anh lúc còn khỏe đi làm ở dưới Hà Nội, nhà người ta bỏ đi anh ấy xin rồi nhờ xe ba gác mang từ Hà Nội về lắp vào nhà mình nên giờ mới có cửa ”, chị Hương kể.
Gia đình chị Hương có 3 người con, hai gái 1 trai, đứa lớn và đứa út bị dị tật bẩm sinh hở hàm ếch từ khi mới chào đời. |
Chị Trần Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngô Xá bảo, bên trong căn nhà đó có 5 người hàng ngày đang phải chống chọi với ốm đau bệnh tật, nghèo khổ. Sinh sống gần nhà chị Hương, nhiều lần tôi rơi nước mắt, xót thương chị hoàn cảnh gia đình chị ấy.
Nhìn bên ngoài ngôi nhà vợ chồng chị Hương cùng 3 đứa con đang ở, trông giống như căn nhà hoang. Nhà đang xây dang dở chỗ thì trát được ít vữa, chỗ thì bỏ không, nhà lợp bằng tấm fiprô xi măng nhưng lại chẳng có hiên nhà. Ngồi trong nhà mà cứ như ngồi ngoài sân, tứ phía gió lùa, ánh nắng mặt trời xuyên qua những lỗ thủng trên mái chiếu thẳng vào người.
Chị Trần Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngô Xá không cầm được nước mắt khi kể về hoàn cảnh của chị Hương. |
Người phụ nữ tận cùng khổ cực nhiều lần muốn quyên sinh
Cuộc sống vợ chồng chị Hương tuy nghèo khó đến cùng cực nhưng do còn có sức khoẻ nên cố gắng gượng để tồn tại trên cuộc đời này. Thế nhưng, đầu năm 2020 anh Thanh bỗng lên cơn con giật, chân tay run lẩy bẩy, đi lại khó khăn. Nhiều lúc đang đi đường anh ngã lăn ra đất, hàng xóm phải khiêng anh về nhà.
Nhiều lần trời mưa to, bốn mẹ con phải khênh cả chiếc giường bố còn đang nằm ở phía trên chạy khắp nhà cho khỏi bị dột. |
Chị Hương chạy vạy tiền của, cố gắng đưa chồng đi bệnh viện huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Tại đây, bác sĩ thông báo chồng chị bị nhiều bệnh nền về tim, gan, phổi có màng đen. Bác sĩ bảo chuyển xuống bệnh viện dưới Hà Nội để điều trị, nhưng nhà không có tiền nên chị cho chồng về nhà nằm từ đó đến nay.
Chị Hương cho biết, những ngày đầu anh Thanh bị lên cơn, người thì gầy gò mà lúc ấy khỏe lắm, chị không giữ nổi, phải lấy dây thừng trói chân tay rồi ghì vào đầu giường. Cứ cởi trói ra là vùng vằng chạy khắp nơi, rồi đập phá lung tung, có lần còn đánh cả chị, có khi cả tháng trời dường như anh Thanh không chợp mắt chút nào. Trong nhà có cái ban thờ, cái tivi cũ kỹ cho bọn trẻ xem cũng bị anh đập nát lúc lên cơn.
|
Ngôi nhà do vợ chồng anh chị tự tay xây dựng, nham nhở, chắp vá. |
Những ngày gần đây bệnh tình nặng lên, không có tiền cho chồng đi chữa trị, chị Hương chỉ biết tự mình chăm sóc, lấy nhiều loại lá cho anh uống nhưng bệnh tình vẫn thế. Hiện giờ anh Thanh gần như hôn mê, không nhận thức được gì, chỉ nằm yên một chỗ. Nằm lâu, những ngày hè nóng nực khiến phần lưng của anh bị lở loét, thối cả thịt, chị Hương mua thuốc bôi nhưng không khỏi. Bây giờ còn phải đóng bỉm cả ngày vì anh Thanh không ý thức được việc đi vệ sinh cá nhân.
Nhà thuộc hộ nghèo, con thì nhỏ, trong khi đó không được trợ cấp gì. Trước đây chị Hương còn đi mò cua bắt ốc kiếm chút tiền, từ ngày chồng nằm liệt giường chị phải ở nhà chăm sóc chồng nên gia đình rơi cảnh cùng quẫn, nhiều lần chị nghĩ đến chuyện quyên sinh để giải thoát cho mình. Nhưng rồi, nghĩ đến các con còn nhỏ nên chị lại cố gắng và cũng chẳng biết cuộc sống này sẽ kéo dài đến bao giờ?.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Hương Địa chỉ: Khu 6, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ Điện thoại: 0382674184 |
Tác giả: Trọng Trinh
Nguồn tin: Báo Dân trí