Tỉnh Nghệ An ra công điện khẩn tập trung ứng phó với bão số 9
- 12:58 27-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công điện nêu rõ:
Bão số 9 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Hồi 07 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.
Nghệ An mặc dù xa tâm bão số 9, nhưng từ chiều tối và đêm 27/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển tỉnh Nghệ An có gió đông bắc cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 đến 6m. Khu vực ven biển tỉnh Nghệ An có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5 đến 0,7m. Đặc biệt, phía nam Nghệ An xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 28/10 đến ngày 31/10/2020, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200 đến 400 mm/đợt và có nơi trên 500 mm/đợt.
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận kêu gọi phương tiện tránh trú bão. (Tư liệu) |
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT - TKCN) yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; các Sở: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Giám đốc các Công ty Thuỷ lợi; Thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Đối với tuyến trên biển và ven bờ:
Bảo đảm an toàn các hoạt động trên biển và các đảo: Các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông và gia đình các chủ tàu tiếp tục tập trung, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải và tàu du lịch), hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi trú tránh an toàn; Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Kiểm tra phương án sơ tán dân, vùng ven biển, cửa sông theo phương án đã được phê duyệt.
2. Đối với miền núi:
Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; Thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; Chính quyền các cấp sẵn sàng triển khai theo phương án đã được phê duyệt để sơ tán dân những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng, tránh.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, mỏ khai thác khoáng sản; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.
Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
3. Đối với đồng bằng
Kiểm tra, triển khai phương án tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn để điều theo các cấp báo động và các công trình thủy lợi, đê điều đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý giờ đầu sự cố các công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng, cửa sông.
4. Các cơ quan, đơn vị cứu hộ cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
5. Các Sở, Ban, ngành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
6. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Đài thông tin Duyên hải Bến Thủy và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và mưa lớn để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão; chủ động chỉ đạo ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh) biết để xử lý kịp thời./.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An