Có thật ông Lê Vinh Danh ĐH Tôn Đức Thắng nhận lương 556 triệu đồng/tháng?
- 13:36 26-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua, Tổng Liên đoàn Việt Nam thông tin, việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Theo đó, lương bình quân tháng 8/2020 của nhà trường đối với viên chức giảng dạy là hơn 23,7 triệu đồng, lương bình quân của viên chức hành chính là hơn 22,5 triệu đồng. Còn lương bình quân của lao động giản đơn là hơn 13,4 triệu đồng.
Trong khi đó, lương tháng 8/2020 của của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng là hơn 556 triệu đồng/tháng, của trợ lý hiệu trưởng là hơn 255 triệu đồng/tháng, còn lương của người được giao phụ trách trường là hơn 72,7 triệu đồng/tháng.
Thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính
Một thành viên trong Hội đồng chính sách tiền lương của trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, Nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh ở mức lương 556 triệu/tháng như thông tin trên.
Cụ thể, hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính gồm: 1. lương cơ bản (lương theo ngạch, bậc, hệ số theo đúng quy định của Nhà nước) ông Danh giữ ngạch giảng viên cao cấp có hệ số lương 6.92, phụ cấp chức vụ là 1.00 và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định; 2. các khoản phụ cấp; 3. thu nhập theo năng lực và phụ cấp thi đua căn cứ theo Quy chế chi tiêu nội bộ và việc đánh giá thi đua hàng năm.
Tổng cộng 3 khoản này của ông Danh là 407 triệu/tháng, trong đó có 2 khoản là 2 và 3 và là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm, sau trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/ tháng.
“Đây là khoản thu nhập của TDTU trả cho ông Danh bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp như phụ cấp ăn trưa, đi lại, trang phục, thi đua…” – vị cán bộ này nhấn mạnh. Con số 407 triệu/tháng là thu nhập hay có thể gọi là tất cả các khoản mà ông Danh nhận được từ Nhà trường. Do đó, việc dùng từ lương là chưa phù hợp, lương và thu nhập là hai thuật ngữ khác nhau.
Ông Lê Vinh Danh, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Lý giải con số 556 triệu đồng/tháng của ông Danh
Được biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng không ngoại lệ.
Để dự phòng rủi ro tài chính trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, giảng viên, viên chức nhà trường đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả, để chia sẻ khó khăn với Nhà trường.
Trong đó, có nhiều người tự nguyện cho nhà trường chậm trả 50%, 60%, thậm chí là 100% thu nhập. Với nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn (đang nuôi con nhỏ, giám thị, bảo vệ, lao động giản đơn…), Nhà trường đã phải từ chối việc tự nguyện chậm trả thu nhập của giảng viên, viên chức (GVVC) vì còn phải chăm lo cho gia đình trong mùa dịch.
Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, TDTU đã thực hiện ngay việc hoàn trả khoản thu nhập đó cho GVVC. Do số tiền mà GVVC tự nguyện chậm trả trong tháng 3 và 4/2020 khá nhiều, Nhà trường không thanh toán một lần mà tiến hành hoàn trả bổ sung trong ba tháng 6, 7 và 8/2020. Trong ba tháng này, ngoài mức thu nhập bình thường của GVVC thì họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020.
Cùng chung tay với GVVC Nhà trường, ông Danh đã tự nguyện để nhà Trường chậm trả 60% thu nhập, tháng 3 và 4/2020 ông chỉ nhận 40% thu nhập của một tháng bình thường.
Như vậy, trong tháng 8/2020 ông Danh đã được nhận thu nhập của một tháng 8/2020 và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Vì thế, số tiền thu nhập ông Danh nhận được trong tháng 8/2020 là 556 triệu đồng.
Trả thu nhập cho giảng viên theo khối lượng công việc
Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy, Hệ thống tính toán thu nhập của TDTU được xây dựng trên nguyên tắc đó là trả thu nhập cho vị trí công việc (khối lượng công việc), trả thu nhập cho năng lực của người giữ vị trí công việc và trả thu nhập cho hiệu quả đạt được của người giữ vị trí công việc.
Hệ thống tính toán thu nhập đã được xây dựng từ năm 2012 và được Hội đồng Trường phê duyệt, hệ thống này có các tiêu chí điểm cụ thể tương ứng với từng nhóm đối tượng (nghiên cứu viên, giảng viên, viên chức hành chính, lao động giản đơn…), mỗi nhóm có nhiều tiêu chí khác nhau và được mô tả chi tiết để nhận diện mức độ hiệu quả của từng vị trí công việc và đồng bộ cùng với tiêu chí đánh giá thi đua vào tháng 9 hàng năm.
Một nhân sự mới chỉ cần có hồ sơ và các thông tin liên quan là có thể xác định gần đúng bảng điểm tính thu nhập căn cứ hệ thống tính toán thu nhập và thông tin về các chỉ số bằng cấp, nơi học và tốt nghiệp, kinh nghiệm công việc, thành tích, thâm niên, năng suất, khối lượng đầu ra.... Hệ thống trả lương 3P (Position - Person – Performance) tạo ra một môi trường trọng dụng nhân tài và có chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực và thành tích của GVVC.
Quản lý theo mục tiêu, việc gắn khối lượng và hiệu quả công việc với chính sách thu nhập là một điểm mạnh của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Chính sách này giúp Nhà trường trả thu nhập công bằng với sức lao động của GVVC, không cào bằng, không chung chung và bình quân… chính điều này đã giúp Nhà trường thu hút và động viên GVVC hoàn thành tốt các mục tiêu cá nhân, vì có hoàn thành mục tiêu cá nhân thì mới hoàn thành mục tiêu đơn vị và tiến đến hoàn thành mục tiêu chung của Nhà trường. Do đó thu nhập của họ phải khác nhau, không vì cùng chức danh mà trả cùng một mức thu nhập.
Căn cứ số liệu về thu nhập và thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập thực nhận mỗi tháng của ông Danh chỉ khoảng 286 triệu/tháng, Hiệu trưởng của trường Quốc tế Việt Nam Phần Lan-VFIS trực thuộc TDTU cũng hơn 268 triệu/tháng, một nghiên cứu viên có năng lực cũng hơn 260 triệu/tháng (A.P) và 227 triệu/tháng (Z.M.Y). Các con số này là số tiền thực nhận sau khi trừ thuế và các khoản đã trừ khác.
Một cán bộ nhà trường cho hay, TDTU quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động (ở đây gọi chung là GVVC), từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy chế chi tiêu nội bộ (được Hội nghị GVVC hàng năm nhất trí và Hội đồng trường thông qua theo điểm c, khoản 3, mục II, Điều 1 của Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng của Nhà trường.
Công tác này đã trở thành một thông lệ được duy trì nhiều năm qua, nhằm cải thiện đời sống của GVVC, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc.
Được biết, trường ĐH Tôn Đức Thắng thành lập Hội đồng tiền lương gồm các lãnh đạo có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm như: Ban giám hiệu, Đại diện Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng các đơn vị trực thuộc.
Hội đồng tiền lương có trách nhiệm tham mưu, nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm ổn định và phát triển chính sách tiền lương sao cho công bằng và hiệu quả.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí