Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Ông lớn” Mường Thanh và chuỗi dự án bất động sản ngổn ngang sai phạm

Trong giới BĐS, Mường Thanh được coi là “ông lớn” khi có thể thâu tóm hàng loạt khu đất vàng, với vị trí có một không hai. Tuy nhiên, tập đoàn này đi tới đâu, để lại sau đó là hàng loạt sai phạm dở khóc, dở cười...

Hô biến nhà trẻ, bãi đỗ xe thành căn hộ

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng gia hạn thời gian cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ công trình có xảy ra vi phạm là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) là 365 ngày, tính từ ngày 16/10/2020.

 Dự án sai phạm của Mường Thanh sẽ được gia hạn cưỡng chế thêm 1 năm

Việc trì hoãn cưỡng chế công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cưỡng chế bắt buộc bằng biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 7/10/2019 và Quyết định số 5449/QĐ-SĐCCXP ngày 29/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có thời hạn 365 ngày, qui định thực hiện từ 7/10/2019.

Công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà có địa chỉ tại lô A1, A2-1, Khu phức hợp đô thị thương mại-dịch vụ Royal Era (T18 cũ), phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Công trình Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp phép với quy mô 42 tầng nổi và hai tầng hầm.

Tuy nhiên, chủ đầu tư là công ty chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã tự ý xây dựng sai với giấy phép được cấp.

Cụ thể, thay đổi công năng từ tầng hai đến tầng 5 khối chung cư từ nhà trẻ và bãi đỗ xe thành 104 căn hộ để bán cho người dân.

Cuối năm 2019, nhiều lần chính quyền thành phố Đà Nẵng đa ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ căn hộ vi phạm, buộc khắc phục hậu quả đối với công trình này.

Không chấp thuận phương án cưỡng chế, Tập đoàn Mường Thanh đã gửi đơn kiện Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn tới TAND TP Đà Nẵng.

Trước đó Tập đoàn Mường Thanh cho rằng hiện trạng các tầng từ 2 – 5 được nêu trong quyết định cưỡng chế không phải do chủ đầu tư tự ý xây sai giấy phép mà đã được sự đồng ý từ trung ương đến địa phương bằng các văn bản cho chuyển đổi công năng.

Tới nay, TAND TP Đà Nẵng đã thụ lý đơn kiện của Tập đoàn Mường Thanh. Chưa rõ, kết quả của vụ kiện sẽ đi tới đâu!?

Lừa dối khách hàng

Tháng 7/2019, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, Tập đoàn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản bị khởi tố với tội danh “lừa dối khách hàng”.

 Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, phía xa là tòa nhà VP6 của Tập đoàn Mường Thanh. Ảnh: Tuổi trẻ.

Tại Hà Nội, có thể kể đến hàng loạt dự án sai phạm tiêu biểu như tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, VP6 Linh Đàm, khu đô thị Đại Thanh, chung cư Kim Văn - Kim Lũ, khu đô thị Thanh Hà, chung cư cao cấp CT6 Kiến Hưng… đều do Tập đoàn Mường Thanh sở hữu.

Tất cả các dự án này đều dính tới sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng như xây quá số tầng cho phép, không tuân thủ mật độ dân cư, sử dụng đất sai mục đích, xây sai quy hoạch...

Trong đó, một số công trình sai phạm bị điểm mặt được cho là "băm nát" quy hoạch xây dựng của Hà Nội.

Điển hình nhất là dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở HH Linh Đàm. Theo quy hoạch chỉ được phép xây dựng 27 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây 36 tầng tòa HH4 và 41 tầng đối với các tòa HH1, HH2, HH3, vượt 14 tầng so với quy hoạch được phê duyệt.

Tại dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C (654 căn hộ) và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng để bán cho khách hàng.

Còn tại dự án Đại Thanh gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng. Tuy nhiên chủ đầu tư đã ngang nhiên cho xây các tòa nhà chung cư tăng lên 32 tầng.

Tiếp đến là dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (quy mô 388ha) mà Cienco 5 cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án. Trên thực tế, Cienco 5 Land là vỏ bọc còn bên trong là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) sở hữu đến 92,82% cổ phần. Đây mới là ông chủ thực của dự án Thanh Hà - Cienco 5.

 Một số dự án của Mường Thanh được cho là băm nát quy hoạch của Thủ đô. Ảnh: Tuổi trẻ.

Thêm một dự án sai phạm của tập đoàn này là Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Tập đoàn này được xác định sai phạm khi xây vượt quy hoạch 10 tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Cụ thể, số tầng dự án VP6 Linh Đàm được duyệt theo quy hoạch là 25, 2 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm để xe. Nhưng thực tế xây dựng là 35 tầng nổi, 1 tầng áp mái và 1 tầng hầm. Không dừng lại ở đó, các tầng 2 – 9 còn được chuyển đổi mục đích sử dụng từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ để bán.

Tại TP Cần Thơ, giữa năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND thành phố cho biết theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, chủ đầu tư đã đưa khách sạn Mường Thanh Cần Thơ vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu công trình.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho khai thác khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ quan thẩm quyền; chưa báo cáo khắc phục các sai phạm theo yêu cầu của Cục. Vì vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

Trước đó nữa, trong khoảng thời gian 2016 – 1017, Mường Thanh liên tiếp bị cơ quan quản lý Nhà nước tuýt còi, chỉ ra nhiều sai phạm trong khi thực hiện các dự án tổ hợp khách sạn tại Nha Trang, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP HCM… (Còn nữa)

Tác giả: Thu Quỳnh

Nguồn tin: doanhnhan.vn