Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trẻ em ở Quảng Trị ngủ trên bè chuối khi nước lũ dâng cao

Đêm 17/10, ba đứa trẻ nhà chị Kiều Oanh (Vĩnh Linh, Quảng Trị) nằm trên chiếc bè chuối làm vội, trong khi người lớn thức cả đêm, sốt ruột cầu mong nước đừng lên cao nữa.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2020/10/19/trem.mp4[/presscloud]

Chiếc bè được làm tạm từ ba cây chuối, nhỏ hẹp. Ba đứa trẻ nằm không thể duỗi chân.

Chiếc bè được làm tạm từ ba cây chuối, nhỏ hẹp. Ba đứa trẻ nằm không thể duỗi chân.

Gần 23h ngày 17/10, ba đứa trẻ nhà chị Hoàng Thị Kiều Oanh (thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn chưa chịu ngủ. Ba anh em nằm trên chiếc giường làm tạm từ bè chuối, không biết đặt chân vào đâu.

Giữa tiếng thúc giục đi ngủ của người lớn, các em vẫn thao thức, thỉnh thoảng duỗi chân cho đỡ mỏi. Chân phải giơ lên cao để không rơi vào nước lũ đang dâng lên.

 Hình ảnh ba đứa trẻ nằm trên bè chuối khiến nhiều người xót xa. Ảnh cắt từ clip.

Chia sẻ với Zing, chị Hoàng Thị Kiều Oanh cho biết chiếc bè được làm vội vào 15h cùng ngày. Lúc đó, nước mới đến hiên nhà. Họ cũng chỉ nghĩ làm bè để có chỗ cho con ngồi tạm lúc nước lên.

Đến tối, nước dâng ngập giường, bàn, gia đình chị Oanh đành lót bạt, khăn, trải chiếu lên bè để làm nơi ngủ cho 3 đứa trẻ. Hai trong số đó là con chị Oanh (anh lớn học lớp 5, em nhỏ học lớp 2). Bé còn lại là con của em chồng chị, do nhà ngập sâu hơn nên hai mẹ con sang ở nhờ.

Mãi sau, họ mới kiếm được thêm tấm ván gỗ, kê thêm để con đặt chân. Nhìn 3 đứa trẻ như vậy, chị Oanh rất xót. Hai bà mẹ cùng ông, bà vừa lo nước lên, vừa sợ con nằm trên bè không an toàn. 4 người cứ thế ngồi canh 4 góc, không dám ngủ.

Nửa đêm, một bé bị con gì cắn vào tai, máu chảy nhiều. Mọi người hoảng sợ nhưng không biết làm gì hơn ngoài việc tạm cầm máu cho cháu.

Gần 0h, nước tiếp tục dâng, nhà ngập hơn 1 m. Chị gọi trưởng thôn cầu cứu. Tuy nhiên, lúc đó, thôn không đủ ca nô để sơ tán. 0h30, gia đình chị Oanh kéo nhau lên nóc nhà.

"Người lớn vẫn phải ngồi canh vì nước lên, rắn, rết vào nhà nhiều. Cũng may, nhà tôi có khoảng mái bằng nhỏ phía trên hiên nhà được lớp mái chống thấm. Nhiều nhà ngập sâu, không có mái bằng để đặt chân, chỉ biết chờ cứu hộ", chị Oanh tâm sự.

Gần 3h, xã có thuyền để sơ tán. Song đêm hôm, họ sợ di chuyển giữa nước lụt không an toàn nên không dám cho con đi.

Cả gia đình vượt qua một đêm như thế, trông chờ đến sáng, đoàn cứu hộ sẽ đến, đưa người già, trẻ nhỏ vào nơi an toàn hơn.

Chị Oanh kể thêm chiều qua, mỗi nhà được phát nước uống, sữa, xúc xích, bánh mì, lương khô. Nhờ đó, lũ trẻ không bị đói khi bếp ngập, gạo cũng ướt hết. Nhận tin những nhà trong xã ở vùng cao hơn đang nấu cơm để phát cho các hộ bị ngập, chị cũng yên tâm hơn.

10 năm chị về làm dâu ở thôn Hiền Lương, đây là đợt lũ to nhất. Gia đình kịp đưa một số đồ dùng cùng sách vở các con lên mái. Lúc nước dâng lên, họ chỉ mong sao người nhà an toàn, chưa tính đến cuộc sống sau lũ sẽ khó khăn thế nào.

Đó cũng là điều mà ông Đinh Thi Trường, Trưởng thôn Hiền Lương trăn trở.

"Bà con mất hết rồi. Tôi chỉ mong sau lũ, xã hội hỗ trợ để họ có thể bắt đầu lại từ đầu", ông nói với Zing trong lúc đang tham gia cứu hộ.

Ông Trường cho biết chỉ một vài hộ sống gần đường quốc lộ, địa thế cao hơn, nhà không bị ngập. Còn lại, hầu hết hộ dân trong thôn đều ngập, nhiều nhà nước dâng đến mái.

Từ 2h đến gần trưa 18/10, ông cùng đoàn cứu hộ và những người khỏe mạnh trong thôn cố gắng di tản người dân đến ở tạm tại nhà chưa bị ngập.

Trời tạnh một lúc rồi mưa lớn. Nước chưa kịp rút lại dâng cao. Phương tiện di chuyển hạn chế. Họ chỉ biết cố gắng để đưa người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn, cầu mong bình yên cho tất cả người dân.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn