Ái nữ Lê Thu Thủy thay Madam Nga 'gồng gánh' SeABank như thế nào?
- 10:39 15-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên thương trường, chắc hẳn cái tên của doanh nhân Lê Thu Thủy không còn xa lạ. Bà Lê Thu Thủy sinh năm 1983, là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cũng là người nắm quyền cao nhất tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Bà Lê Thu Thủy nổi danh khi gắn bó với SeABank. Được biết, bà Thuỷ làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank từ năm 2009, lúc mới chỉ 26 tuổi.
Bà Lê Thu Thuỷ. |
Hai năm sau, bà Thuỷ nắm chức Quyền Tổng giám đốc SeABank, cho thấy doanh nhân Nguyễn Thị Nga rất tin tưởng vào tài năng của con mình. Thủy rời cương vị này năm 2013, giữ cương vị Phó Tổng giám đốc rồi trở lại làm Tổng giám đốc SeABank từ năm 2018. Bà Thuỷ được ví như “bóng hồng quyền lực” thứ 2 tại nhà băng này.
Forbes từng đánh giá: “Tại SeABank, Lê Thu Thuỷ để lại dấu ấn lớn trong quá trình ngân hàng này chuyển mình theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Bà đồng thời là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước, như PV Gas, Mercedes-Benz".
Tuy ồn ào trong sự nghiệp nhưng bà Thuỷ lại có một đời tư khá bí ẩn. Được biết, chồng bà Thuỷ là người Mỹ, giảng viên một trường đại học lớn, bản thân bà Thuỷ tốt nghiệp 2 bằng đại học danh giá tại đại học George Mason, Mỹ.
Một trong những chia sẻ hiếm hoi của bà Thuỷ về gia đình là khi nói về quan điểm giữa gia đình và công việc. Theo đó, bà Thuỷ cho biết: “Là nữ doanh nhân trẻ trong giai đoạn lập gia đình như Thủy phải sắp xếp thời gian để cân bằng công việc và gia đình, thời điểm nào mình cần cho công việc, thời điểm nào mình cần cho gia đình nhất chứ không thể cầu toàn cả hai việc một lúc”.
Thay mẹ chèo lái SeABank ra sao?
Kể từ khi bà Nguyễn Thị Nga rời khỏi chức Chủ tịch SeABank năm 2018 và con gái Lê Thu Thuỷ giữ chức Tổng Giám đốc, nhà băng này đã có nhiều biến chuyển từ vốn cho đến hoạt động kinh doanh.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho SeABank từ 9.369 tỷ lên tối đa 12.088 tỷ đồng và niêm yết trên Sở GDCK TPHCM (HoSE) trong năm nay.
Theo đó, SeABank sẽ phát hành thêm 271,9 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 2.719 tỷ đồng.
Trong đó, đợt 1 phát hành hơn 131 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 14%. Đợt 2 phát hành hơn 140,7 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15,02% với mức giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phần, bằng với giá phát hành hồi tháng 9/2019.
Trước đó, năm 2019, SeABank cũng đã phát hành thêm hơn 133 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn lên hơn 9.019 tỷ đồng.
SeABank là một trong số ít ngân hàng báo lãi tăng trưởng trong quý 2/2020. |
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế tăng vọt 72% so với cùng kỳ lên 754 tỷ đồng bất chấp dịch bệnh COVID-19 xảy ra tác động đến hoạt động ngành ngân hàng.
Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh tăng mạnh, trong đó cho vay khách hàng tăng 11,2% so với cùng kỳ lên trên 98 nghìn tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của SeABank ở mức 161.540 tỷ đồng, tăng 4.142 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 98.003,7 tỷ đồng, giảm 0,61% so với đầu kỳ. Các khoản lãi, phí phải thu vẫn ở mức cao với 3.515 tỷ đồng.
Còn trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng đạt mức 100.233,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so đầu kỳ.
Về chất lượng nợ vay, nợ xấu của SeABank kỳ này giảm gần 4% về mức 2.190 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,3% của đầu kỳ xuống 2,2%.
Cuối 2019, SeABank cùng một số ngân hàng đã báo sạch nợ, hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vốn vừa trải qua một thập kỷ tái cấu trúc đau đớn và đầy mất mát.
CEO SeABank đối phó với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19
Khi nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng bùng phát lan rộng, bà Lê Thu Thuỷ cho biết SeABank đã rà soát lại dòng tiền về ngân hàng và tài sản bảo đảm.
Theo đánh giá của ngân hàng, có khoảng 14 ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó tại SeABank là 6 ngành tập trung vào bán buôn, du lịch và ẩm thực... Trong các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ bán lẻ thì hoạt động siêu thị và bảo hiểm rất tốt. Còn hoạt động lưu trú, du lịch và bán buôn thì SeABank đã rà soát lại.
Ngoài ra, hiện nay, SeABank đã duy trì tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm là 50% nên đủ để bảo đảm cho khoản vay; riêng bất động sản là 70%.
Ngân hàng đã tiến hành stress test theo các kịch bản khác nhau, như nếu tài sản bảo đảm giảm giá, ngân hàng sẽ đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp, đưa tài sản bảo đảm bổ sung, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong thời gian này.
SeABank cho biết, các khách hàng được hỗ trợ sẽ phân loại theo 3 luồng, thứ nhất là nhóm giảm lãi suất trong thời gian nhất định 3 tháng hoặc 1 năm, nhóm này sẽ không phát sinh nợ xấu nếu được giảm lãi suất. Nhóm thứ hai là vừa cơ cấu, vừa giảm lãi suất. Nhóm thứ ba là cơ cấu lại, nhóm này được quản lý rất chặt chẽ.
Đối với nợ xấu, SeABank đã thử nghiệm 3 kịch bản với mức tăng 1%, 2%, 3% và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng kịch bản để đảm bảo luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN. Các kịch bản đều đã đưa ra các biện pháp ứng biến trong các trường hợp diễn biến khó lường.
Danh mục dư nợ của SeABank đa dạng hoá ngành nghề và đảm bảo tỷ lệ không quá 10% là khách hàng lớn.
Tác giả: Anh Nhi
Nguồn tin: vietnamdaily.net.vn