Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ chìm tàu Vietship 01: Nỗi đau nơi xóm nghèo cùng lúc chịu tang thương

Cả ba người là anh em họ hàng với nhau ở một thôn nghèo tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cùng lúc gặp nạn trên chuyến tàu Vietship 01. Chuyến tàu 'định mệnh' ấy đã cướp đi người cha của ba đứa con nhỏ và dập tắt hy vọng, hoài bão của chàng trai trẻ mới tròn 25 tuổi…

 

Vụ chìm tàu Vietship tại Quảng Trị vào ngày 8/10, có tới 3 người là nạn nhân cùng trú tại một thôn nghèo ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Cụ thể anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1981) tử vong; anh Lê Quốc Cường (25 tuổi) hiện đang mất tích, chỉ riêng anh Nguyễn Hữu Tú (33 tuổi) may mắn được cứu sống và đang cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Đáng nói, cả 3 thuyền viên gặp nạn đều là anh em họ hàng với nhau.

“Anh nói đi rồi về với mẹ con em mà”

Trung tuần tháng 10, cơn mưa thêm nặng hạt. Con đường làng ngoằn nghèo dẫn vào thôn Yên Bình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - quê hương 3 nạn nhân trong vụ chìm tàu tại Quảng Trị hôm nay trở nên lạnh lẽo, u ám vô cùng. Từ đầu làng, văng vẳng tiếng khóc gọi cha, gọi con của người thân thuyền viên xấu số Nguyễn Văn Chiến.

 Nguời dân có mặt tại gia đình anh Chiến để chia sẻ nỗi đau cùng gia đình.

Đêm hôm qua (11/10), thi thể của anh Chiến, đã được đưa về quê nhà trong nỗi tiếc thương, đau xót của người thân và hàng xóm. Nằm vật vã bên lĩnh cữu chồng, chị Nguyễn Thị Hương Lan (38 tuổi, vợ anh Chiến) ôm ba đứa con khóc thét như hóa điên. Thấy mẹ khóc, ba đứa con nhỏ chỉ biết đưa mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Dường như chúng chưa thể nhận thức được người cha của mình đã ra đi mãi mãi.

“Em đau lắm. Ba đứa con nhỏ, mẹ nằm liệt giường, anh luôn động viên em cố gắng nhưng giờ em biết nhìn đâu mà cố đây. Con khóc đòi cha em biết nói sao với con giờ”, chị Lan gào khóc.

 Hai người con của anh Chiến thẫn thờ trước nỗi đau của gia đình.

Anh Chiến là con trai thứ 3 trong gia đình bần nông có 5 anh chị em. Hơn 10 năm trước, bố anh Chiến mất vì căn bệnh ung thư, thời điểm này mẹ anh cũng bị bệnh tai biến nằm liệt giường. Năm 2011, anh kết hôn với chị Lan và sinh được 3 người con gồm: Nguyễn Văn Tuân (8 tuổi), Nguyễn Thùy Dương (6 tuổi), Nguyễn Văn Đức (17 tháng tuổi).

Vì nhà nghèo, vài ba sào ruộng không đủ trang trải cuộc sống, nuôi con, chăm mẹ già, anh Chiến chấp nhận xa gia đình với hi vọng có thể sửa sang lại căn nhà dột. Sau nhiều năm bươn chải khắp nơi bằng nhiều nghề làm thuê khác nhau, có được ít vốn, năm 2019, vợ chồng anh vay mượn thêm hơn 200 triệu để sửa lại nhà. Thế nhưng khi nhà chưa xong, chưa được ở, nợ còn chưa trả thì ngày 8/10, gia đình nhận được hung tin từ Quảng Trị báo về.

 Chị Lan (vợ anh Chiến) đau đớn trước nỗi đau mất chồng.

“Cuộc gọi báo tàu bị chìm. Trên tàu có Chiến cùng Tú và Cường nhưng nói được ít thì ngắt quãng. Gia đình cũng hi vọng, cầu nguyện sẽ tai qua nạn khỏi nhưng sáng hôm qua thì nhận tin Chiến đã chết, thi thể trôi dạt vào bờ”, ông Nguyễn Hữu Khôi (bố vợ anh Chiến) đau lòng kể.

Nén nỗi đau, chị Lan chia sẻ thêm, anh Chiến làm công nhân lái máy tàu cũng được một thời gian khá dài. Vừa trở về nhà làm giỗ cho bố và đi vào Quảng Trị khoảng hơn 2 tuần nay. Bình thường ngày nào cũng gọi về cho vợ con và trước hôm xảy ra sự việc có điện về.

“Khoảng 22h ngày 7/10, anh Chiến gọi về nói chuyện với các con rất lâu. Hỏi nhà xây thế nào, ngập lụt nữa không rồi hứa với con lần về tới sẽ mua nhiều quà, quần áo ấm. Ngày hôm sau nghe tin tàu bị nạn, tôi gọi cho chồng nhưng không liên lạc được nữa”, chị Lan ôm cậu con trai út vào lòng nghẹn ngào.

Giang dở dự định tuổi 25!

Cách nhà anh Chiến chừng 500m, ông Lê Đình Tuấn (50 tuổi) cùng người thân vẫn đang túc trực chờ mong tin cậu con trai Lê Quốc Cường. Cường là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em. Sau khi học xong cấp 3, Cường chỉ ở quê phụ bố mẹ làm việc đồng áng.

Với mong muốn có một ít vốn về làm ăn để cưới vợ, 20 ngày trước, Cường đi cùng anh Chiến và anh Tú vào Quảng Trị để làm phụ lái máy nạo vét cảng, cửa lạch với lương 8 triệu đồng/tháng. Vốn sinh ra ở vùng miền núi, ít khi làm công việc miền biển, nên những ngày đầu tiếp nhận công việc này với Cường vô cùng khó khăn.

 Người thân anh Cường đang tập trung tại nhà để chờ mong tin từ Quảng Trị.

“Cường biết bơi vì nhà gần sông, nhưng cháu nó chưa lần nào làm công việc ở biển nên khi gặp sự cố như này sợ không biết cách đối phó. Nhiều ngày qua gia đình không thể chợp mắt nổi, cứ nghĩ đến con mình đang nằm ngoài biển mà lòng tôi lại đau như cắt. Năm nay nó 25 tuổi, nó bảo sang năm lấy vợ, nhưng nào ngờ dự định này đã dập tắt rồi. 4 ngày rồi, giờ hi vọng sống cũng khó, nên chỉ mong sao tìm thấy thi thể của con sớm”, ông Tuấn đau xót nói.

 Ông Lê Đình Tuấn hi vọng nếu con đã tử vong cũng mong tìm được thấy thi thể để về mai táng tại quê nhà.

Bố Cường cũng chia sẻ, anh Chiến là người đi làm lâu năm nên gọi Cường cùng anh Tú đi làm cùng. Và mới đây, cách khoảng 20 ngày thì 3 người lên đường vào Quảng Trị. Nhớ lại cuộc trò chuyện cuối cùng với Cường, người thân cho biết, gần 1h sáng 8/10, Cường nhắn tin về nói tàu vào tránh áp thấp thì vừa gặp nạn, bị sóng đánh chìm và được giải cứu sang một con tàu khác.

“Cường nói chuyến tàu đầu bị chìm có 7 người, gồm cả Cường. Sau khi được đưa sang tàu khác, Cường được đưa vào nhà ăn để nghỉ ngơi cùng một số người Hà Tĩnh khác. Đến khoảng 8h sáng cùng ngày, khi tôi gọi lại cho Cường thì máy không thể liên lạc được, sau đó mới nghe tin chuyến tàu này đã bị sóng đánh chìm”, người thân của Cường kể lại.

 Người thân nạn nhân đau lòng trước nỗi đau quá lớn đối với gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) cho biết, chuyến tàu gặp nạn tại Quảng Trị có 3 nạn nhân là người địa phương, có quan hệ họ hàng với nhau. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã xuống thăm hỏi, động viên các gia đình sớm vượt qua nỗi đau này.

“Hiện tung tích nạn nhân Cường vẫn chưa được tìm thấy. Còn sức khỏe anh Tú đã dần ổn định. Các gia đình này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhất là gia đình anh Chiến, 3 người con còn nhỏ, mẹ già nằm liệt giường, anh lại là trụ cột trong gia đình”, ông Hưng nói.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Tiền phong