Nghệ An: Những Dự án di dân khẩn cấp với tiến độ “rùa bò” - Nơm nớp trước mùa mưa bão (Bài 1)
- 16:43 12-10-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lũ quét gây ảnh hưởng nặng nề các trường học ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương năm 2018 |
LTS: Trong nhiều năm qua, những dự án di dân khỏi vùng bị ảnh hưởng của thiên tai rất được người dân mong đợi. Nhưng tại Nghệ An, không ít dự án thi công ì ạch đẩy người dân vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, tính mạng, tài sản của người dân trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai đang tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng.
Gần 9.000 hộ dân bất an
Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có 1.526 hộ, 7.210 khẩu trên địa bàn 21 xã, thị trấn nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi luôn bất an, lo lắng bởi thiên tai không thể lường hết. Hằng năm, huyện luôn theo dõi chặt chẽ, phân công cán bộ huyện về các điểm để chỉ đạo, chuẩn bị những phương án xử lý từng tình huống cụ thể. Khi mưa lũ xảy ra, những điểm có nguy cơ cao thì kiên quyết thực hiện các biện pháp sơ tán dân đến nơi an toàn.
Điển hình như xã Mường Típ là một trong những địa phương tiềm ẩn nguy cơ cao về tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… đe dọa cuộc sống người dân trong mùa mưa bão. Cả xã có đến 8/9 bản thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét. Nơi đây, người dân đã từng phải chạy lũ ngay trong đêm; thậm chí, khi cả bản đang ngon giấc, lũ quét về đột ngột khiến người dân trắng tay, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Chủ tịch UBND xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn Hạ Bá Thái trăn trở: “Lo đến mất ăn, mất ngủ vì sạt lở đất và lũ lụt. Người dân thì lo sợ, xã thì đau đầu. Năm mô (nào) cũng bị thiên tai tàn phá khiến xã nghèo càng thêm khó”.
Tương tự, huyện Quế Phong cũng là một trong những địa phương có nhiều điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… đe dọa cuộc sống người dân trong mùa mưa bão. Toàn huyện hiện có 427 hộ với 2.050 nhân khẩu thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: Huyện rất vất vả trong việc lên phương án di dời dân, tổ chức khắc phục hậu quả. Các phương án đối phó được huyện xây dựng sát thực tế, công tác tuyên truyền thực hiện đến tận thôn, bản để người dân biết và chủ động…
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Nghệ An có 8.938 hộ (trong đó có 4.701 hộ đồng bào DTTS) với 38.405 nhân khẩu đang sinh sống tại những vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai có nhu cầu sắp xếp bố trí dân cư.
Một góc xã Mương Ải, huyện Kỳ Sơn: Nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét |
Chính quyền “bất lực”
Hiện tại, hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt... vẫn đang đối mặt với hiểm nguy khi mùa mưa bão đến. Trong khi đó, chính quyền các địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa có cách nào khác để giải quyết dứt điểm. Rất nhiều địa phương thừa nhận đang “bất lực”, chưa thể giải quyết dứt điểm các điểm nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt... để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ngoài thiếu kinh phí để di dời dân, thì việc lựa chọn các địa điểm thực hiện tái định cư cũng còn nhiều khó khăn ở địa bàn miền núi.
Tại các xã Mường Típ và Mường Ải huyện Kỳ Sơn, để giải quyết tình trạng khẩn cấp do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Nhà nước đã đầu tư làm nhà sơ tán tạm cho 158 hộ dân. Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nói: “Khi mưa lũ xảy ra, huyện chủ yếu thực hiện di dân, chuẩn bị các phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là các giải pháp trước mắt”.
Người dân các xã Mường Típ, Mường Ải được hỗ trợ xây dựng nhà tạm để di dời khi có mưa bão |
Nói về phương án di dời dân tái định cư ổn định lâu dài, ông Hòe cho rằng: Huyện không kham nổi vì kinh phí quá lớn. Chúng tôi đã lập danh sách vùng có nguy cơ, số hộ dân, số nhân khẩu bị ảnh hưởng gửi lên cấp trên đề nghị hỗ trợ do vượt quá khả năng của địa phương.
Tương tự, ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng cho biết: Địa phương đang có 838 hộ, 3.710 nhân khẩu trên địa bàn 13 xã, thị trấn có nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét. Vẫn biết người dân phải sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai là rất nguy hiểm nhưng huyện đang bó tay. Kinh phí để bố trí tái định cư cho người dân quá lớn, huyện không thực hiện nổi.
Cũng bởi thế, tính đến thời điểm hiện tại, cùng với việc phân công cán bộ phụ trách về tận thôn, bản kiểm tra công tác phòng chống, chuẩn bị đối phó với mưa lũ, thì công tác tuyên truyền, vận động, di dân... mỗi khi có mưa bão vẫn đang là biện pháp khả thi nhất mà các địa phương thực hiện nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt... gây ra.
Theo số liệu của Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, từ năm 2010 đến năm 2018, ảnh hưởng thiên tai đã làm 179 người chết và 109 người bị thương; 183.568 lượt nhà cửa bị hư hỏng, ngập, sập; 412.434ha các loại cây trồng bị thiệt hại qua các năm; 15.407 con gia súc bị chết và cuốn trôi; 199 điểm trường với 1.416 phòng học, 37 cơ sở y tế, 577km đường giao thông, 13.733 cột điện, 115 trụ sở cơ quan, 731 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng nề. |
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Dân tộc